Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Cảng xanh, sự lựa chọn tất yếu!

Cảng xanh, sự lựa chọn tất yếu!

Viết email In

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm gây ra bởi các hoạt động vận tải tàu biển cũng như bởi các chất thải từ các cảng biển ngày càng nhiều, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh việc phát triển cảng biển theo hướng thân thiện môi trường (environmentally friendly ports), hay còn gọi là “cảng xanh”.

Theo các chuyên gia, hiện nay tại nhiều cảng biển, hàm lượng dầu ở mặt nước biển khá cao. Đây là dầu thải từ các loại tàu ra vào các cảng lớn như tàu du lịch, tàu cá, tàu hàng hóa, và chưa được thu gom, xử lý. Chưa kể, khí thải từ tàu biển sinh ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu cũng ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực này.  


Một số cảng biển đang được đầu tư nâng cấp thiết bị, đồng thời kiểm soát việc phát thải gây ô nhiễm.
(Ảnh: Văn Nam) 

Tại diễn đàn về vận tải hàng hải và phát triển cảng được tổ chức ở TPHCM mới đây, ông Sooyeob Kim, một chuyên gia đến từ Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên hiệp quốc, cho rằng Việt Nam đã đến lúc cần phải đẩy mạnh phát triển các cảng biến theo hướng thân thiện môi trường, bởi là nước có nền kinh tế dựa vào biển, có nhiều hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển, đồng thời có những cảng tập trung lượng thủy hải sản đánh bắt được rất lớn. 

Theo ông Sooyeob Kim, không chỉ Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia có nền kinh tế gắn với biển, thách thức lớn nhất chính là xây dựng và vận hành cảng biển theo hướng thân thiện môi trường, tức là phải phát triển các “cảng xanh”, trong đó tập trung sử dụng năng lượng hiệu quả để giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ.

“Cách đây vài năm, Trung Quốc đã có chính sách giảm ô nhiễm từ hoạt động vận tải ở các cảng biển. Một số nước khác trong khu vực cũng đã có chính sách, chương trình quốc gia giảm ô nhiễm cảng biển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Singapore... Đối với Việt Nam, nền công nghiệp hàng hải gắn với các cảng biển sẽ ngày càng năng động hơn trong tương lai, và do vậy, xu hướng sử dụng năng lượng hiệu quả ở cảng biển, giảm phát thải dầu, khí thải và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo thay thế như điện mặt trời là những điểm cần phải lưu ý hơn nữa trong chiến lược phát triển cảng biển chung quốc gia”, ông Sooyeob Kim nói qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Oanh, một chuyên gia đến từ trường Đại học Hàng hải Úc, để phát triển theo hướng thân thiện môi trường, nhiều cảng trên thế giới đề ra các chỉ số về ô nhiễm và buộc các tàu ra vào cảng phải tuân thủ, bao gồm việc thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền. Bên cạnh đó, còn có các giải pháp giảm ô nhiễm không khí tại cảng, giảm tác động về tiếng ồn. “Muốn xây dựng cảng xanh, điều quan trọng nhất là quốc gia đó phải có hành lang pháp lý về xây dựng và vận hành cảng biển, trong đó có cả những chế tài ràng buộc để giảm thiểu các tác động đến môi trường”, ông Oanh nói.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, cho biết Việt Nam đã có một số quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng và vận hành các cảng biển. Các quy định này nằm trong các văn bản pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường, các nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động hàng hải, Thông tư 41 của Bộ Giao thông Vận tải năm 2017 về quản lý thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền... Đây là những quy định bắt buộc hơn 30 cảng biển lớn của Việt Nam và các tàu biển khi cập cảng phải tuân thủ.

Đối với các cảng mới xây dựng trong thời gian gần đây, việc đầu tư trang thiết bị, máy móc có phần thuận lợi hơn khi áp dụng được công nghệ, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, nhiều cảng biển có thời gian hoạt động vài chục năm với máy móc cũ, hạ tầng xuống cấp thì việc đầu tư để trở thành “cảng xanh” khó khăn hơn. Chỉ riêng việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và nước bẩn từ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển để có thể đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đã đòi hỏi chi phí khá lớn.

Nói về việc đầu tư cảng xanh, các chuyên gia cũng nêu ví dụ về một số cảng trên thế giới. Như cảng Baltimore tại Mỹ, nơi này đã sử dụng các phương tiện nâng chuyển hàng hóa hiện đại, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo. Hoặc như cảng Jurong ở Singapore đã thay thế nền bến bãi bằng các tấm bê tông tái chế, lắp các tấm năng lượng mặt trời để phát điện, bố trí cảnh quan xanh với hệ thống tưới sử dụng nước mưa, cống xả bố trí hợp lý để giảm lượng nước sử dụng... Tuy nhiên, chi phí đầu tư không nhỏ, chẳng hạn như cảng Jurong, riêng phần lắp các tấm pin mặt trời đã tốn chi phí gần 30 triệu đô la Mỹ.

Đối với Việt Nam, trước yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, hiện một số cảng biển đang được đầu tư nâng cấp thiết bị, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các yêu cầu về giảm thiểu phát thải ô nhiễm. Như trường hợp Cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT) tại huyện Nhà Bè, TPHCM, cảng này đã đầu tư nhiều cần cẩu nâng hàng hiện đại giúp giảm 50% năng lượng tiêu thụ. SPCT cũng yêu cầu các tàu cập cảng phân loại rác thải, chất thải nguy hại và sẽ được đơn vị trên bờ xử lý chất thải của tàu với chi phí do chủ tàu trả.

Cũng tại TPHCM, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thay thế các cẩu nâng hàng chạy bằng dầu diesel vốn gây tiếng ồn và tạo ra khí thải ô nhiễm bằng các cẩu hàng chạy bằng điện. Ngoài ra, các kho chứa hàng của Tân Cảng Sài Gòn đã được lắp đặt các tấm pin mặt trời để phát điện dùng cho hệ thống ánh sáng, bộ phận làm lạnh của kho... Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống pin mặt trời, cải hoán cẩu nâng hàng và các giải pháp giảm bụi, tiếng ồn tại cảng của đơn vị này tuy là khá lớn nhưng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao xét về lâu dài. 

Văn Nam 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo