Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Tư duy “liệu cơm gắp mắm” và bài học phát triển đô thị

Tư duy “liệu cơm gắp mắm” và bài học phát triển đô thị

Viết email In

Khi bàn về quy hoạch phát triển đô thị tại TPHCM, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khuyến nghị đừng mang tư tưởng ‘liệu cơm gắp mắm’ vào quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng. Một khi làm dự án đô thị theo kiểu có bao nhiêu vốn làm bấy nhiêu thì chắc chắn sẽ phải trả giá đắt trong tương lai.  

Trong chương trình "Lắng nghe và Trao đổi" diễn ra ngày 4/2 vừa qua, ông Trần Du Lịch kể lại một câu chuyện. Nhiều năm trước, khi chính quyền thành phố bàn cách giải tỏa nhà ven kênh để làm đại lộ Đông-Tây và do có tâm lý “liệu cơm gắp mắm” nên đã có ý kiến cho rằng trước mắt chỉ giải tỏa khoảng 5.000 căn ven kênh phía quận 1 và quận 5, còn phía quận 4 và quận 8 không thực hiện, khi nào có tiền làm sau. Vào thời điểm đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rằng: “Nếu bên này làm khang trang mà bên kia kênh còn nhà sàn thì coi sao được và phải chúng ta làm cả hai bên”. Vậy nên, cuối cùng chính quyền thành phố đã phải giải tỏa thêm khoảng 5.000 căn nhà ven bờ kênh còn lại và giờ đây mới có đôi bờ kênh xanh Tàu Hủ - Bến Nghé. 

“Từ một số bài học về phát triển và chỉnh trang đô thị nói trên, tôi rút ra bài học cho tương lai rằng: dù ông bà ta có dạy cần ‘liệu cơm gắp mắm’, nhưng chỉ có thể đúng trong tiêu dùng, còn trong đầu tư phát triển mà lấy tư tưởng ‘liệu cơm gắp mắm’, có bao nhiêu làm bấy nhiêu thì chúng ta sẽ không làm được chuyện lớn!”, ông Trần Du Lịch nói. 


Một công trình metro số 1 tại TPHCM
 (Ảnh: Anh Quân) 

Thực vậy, với những công trình hạ tầng về giao thông, đô thị đã và đang được triển khai tại TPHCM cho thấy cần có tầm nhìn xa và rộng hơn rồi mới tính toán đến nguồn lực. Nghe có vẻ vô lý nhưng lấy trường hợp dự án tuyến metro số 1 với tổng vốn đến nay hơn 2,2 tỉ đô la Mỹ làm ví dụ. Dự án này đã bị đội vốn rất lớn so với dự trù ban đầu, nhưng giả sử các nhà hoạch định ngay từ khi lập dự án đã tính khả năng kết nối tuyến metro số 1 với những địa phương khác như Đồng Nai hay Bình Dương thì chắc chắn nguồn lực về tài chính sẽ được tính toán một cách đầy đủ hơn và từ đó công tác thu hút vốn tài trợ cũng sẽ khác. 

Một ví dụ khác liên quan đến hoạt động xử lý nước thải của thành phố. Hiện nay, dù công trình thu gom nước thải sinh hoạt dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã hoàn thành nhưng nước thải cuối nguồn lại phải bơm ra sông Sài Gòn bởi thiếu nhà máy xử lý. Trong khi đó, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tham Lương-Bến Cát dù đã xây xong nhưng lại thiếu nước thải để xử lý do không được đầu tư hệ thống ống thu gom nước thải từ các hộ dân về …

Và cũng theo ông Trần Du Lịch, hiện nay TPHCM đang bị “vướng” nhiều công trình làm theo kiểu ‘liệu cơm gắp mắm’ kể trên. Để bỏ đi tư duy đầu tư kiểu cũ này, đòi hỏi cả đội ngũ tham mưu lẫn người lãnh đạo phải đủ bản lĩnh, có tầm nhìn, định hướng lâu dài thì mới có các sáng kiến cho sự phát triển của thành phố.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh TPHCM được Quốc hội phê duyệt Nghị quyết 54 về một số cơ chế đặc thù cùng với việc tiếp tục triển khai các dự án thuộc bảy chương trình đột phá thì thành phố còn phải đầu tư thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm công trình lớn khác. Chẳng hạn về giao thông, sẽ có thêm 5-6 tuyến metro nữa, đường vành đai 2, vành đai 3, đường cao tốc TPHCM-Cần Thơ… với số vốn cần thực hiện sẽ rất lớn nên các cơ quan quản lý phải tính đến bước xa hơn. Các dự án hạ tầng đô thị cần mang tính kết nối cả vùng, có tính đồng bộ để kết nối và phát huy hiệu quả của các dự án, hạn chế việc đầu tư riêng lẻ từng chặng, từng chặng theo khả năng tài chính hiện có để rồi cái đi trước có khi không “khớp” với cái đi sau.

Điều này còn đồng nghĩa với việc huy động vốn cần tập trung cho những công trình có tính liên kết và hệ thống, thành phố phát triển không chỉ riêng cho thành phố mà cho cả vùng, cho cả nước.

Với góc nhìn của một nhà khoa học, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý thuộc trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nút thắt của mọi nút thắt cho kinh tế TPHCM phát triển nằm ở tư duy, cách thức tổ chức và vận hành bộ máy quản lý và thể chế mà thành phố đang có được. TPHCM chỉ có thể duy trì được vị thế dẫn đầu cả nước một cách bền vững nếu thành phố duy trì được tinh thần tiên phong, không bằng lòng với hiện tại và luôn luôn có khát vọng. 

Văn Nam 
(TBKTSG)  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo