Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Lối thoát nào cho một giấc mơ lãng mạn về giao thông Hà Nội

Lối thoát nào cho một giấc mơ lãng mạn về giao thông Hà Nội

Viết email In

11 giờ 30 phút một ngày mùa hạ, đường Cầu Giấy (Hà Nội) đông nghẹt. Những chiếc xe máy, ôtô lấn đường, tranh nhau từng “xen-ti-mét” dưới cái nắng như đổ lửa để tới đích. Tiếng còi lẫn tiếng động cơ inh ỏi, lưng áo ai cũng đẫm mồ hôi… 

Những năm gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị là “chuyện cơm bữa” đối với người dân tham gia giao thông vào giờ cao điểm. Chính sự gia tăng phương tiện tỷ lệ nghịch với việc đầu tư hạ tầng đã khiến bức tranh giao thông trở nên… xám xịt. 

Trước thực trạng ấy, các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng. Thế nhưng, đường làm xong, tắc đường vẫn tiếp diễn…  


Tắc đường là tình trạng không hiếm gặp khi tham gia giao thông tại Hà Nội.
(Ảnh: PV/Vietnam+) 

Theo các chuyên gia, một giải pháp đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa cơ chế chính sách, mở rộng cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành giao thông mới đem lại một hiệu quả thiết thực, thay đổi bức tranh giao thông tại các thành phố lớn của Việt Nam. 

Một bức tranh giao thông xám xịt với gam màu mang tên tắc đường là điều không hiếm gặp ở Hà Nội trong những năm qua. Với nhiều người sống và làm việc ở Thủ đô, ước mơ của họ là đường thông, hè thoáng. 

Nhưng, có những giấc mơ đang “chết dần” bởi càng mơ thì đường càng ùn tắc…

Ám ảnh

“Nóng quá!” Vừa đưa tay quệt vệt mồ hôi trên trán, anh Nguyễn Trường (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa uống cạn cốc trà đá còn chưa kịp mát đã vội than: “Không biết bao giờ thì mới thoát khỏi cảnh tắc đường. Đi có một đoạn từ Cầu Giấy tới đường Láng [hơn 2km-pv] mà mất nửa tiếng đồng hồ giữa cái nắng chảy nhựa đường…”

Cũng như anh Trường, với nhiều người dân ở Hà Nội, tình trạng ra đường gặp ùn tắc giao thông đã trở thành nỗi ám ánh với họ. Người Hà Nội hẳn sẽ không quên vụ tắc đường kinh hoàng ở nút giao thông đoạn qua cầu Tó (đường Phan Trọng Tuệ, Thanh Trì) vào ngày 20/9/2016. Trong gần 3 tiếng đồng hồ, hàng ngàn chiếc xe chỉ “cựa mình” cả mấy tiếng đồng hồ (từ 7 giờ 30 tới hơn 10 giờ).

Dù vụ “cầu Tó thất thủ” trong khoảng thời gian dài không phải thường xuyên, nhưng việc đầu giờ sáng, cuối giờ chiều nhiều cung đường ùn tắc thì là chuyện thường ngày ở… Thủ đô. 

Tắc đường, nhiều người tham gia giao thông bắt đầu tính chuyện lách đường để đi. Thế là, việc đi xe máy, xe đạp trên vỉa hè hay chuyện các phương tiện giao thông từ lớn đến nhỏ lấn đường (thậm chí sang cả đường ngược chiều) cũng không là chuyện hiếm gặp.

“Có nhiều hôm tôi đã tính về sớm trước giờ đón con, thế mà cuối cùng khi về đón cháu muộn cả nửa tiếng vì đường Lê Duẩn ở nút giao Trần Nhân Tông bị tắc kinh hoàng. Có nhiều khi muốn quay lại đi đường khác cũng không được…,” chị Nguyễn Lê (Hoàng Mai, Hà Nội) nói.

Cũng bởi thế, chị Lê cho biết cứ khi nào có thể, chị phải “tự điều chỉnh” giờ đi làm và giờ tan tầm muộn hoặc sớm hơn một chút để “né” tắc đường cục bộ. Bởi, chỉ cần một vụ tai nạn xảy ra, một nắp cống đang sửa chữa mà không có cảnh sát giao thông hướng dẫn di chuyển là việc ùn tắc có thể xảy ra tức thì…

Áp lực khủng khiếp

Đường sá thì nhỏ trong khi dân số, phương tiện giao thông ngày càng tăng khiến Hà Nội đang phải chịu áp lực khủng khiếp lên cơ sở hạ tầng.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong khoảng từ năm 2011 - 2016 là thời điểm phương tiện giao thông tăng lên quá nhanh. Hiện, trên địa bàn Thủ đô có hơn 5 triệu xe máy, gần 500.000 ôtô. Nếu tính về tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ôtô là 10,2%/năm, xe máy là 6,7%/năm.

Chưa hết, con số khoảng 5,5 triệu phương tiện giao thông nói trên là chưa tính tới khoảng 1,2 triệu phương tiện di chuyển từ các địa phương khác tham gia vào giao thông của Hà Nội.

Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, tới năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 800.000 ôtô, hơn 6 triệu xe môtô, gắn máy. Còn, tới năm 2030 thì con số này là 7,7 triệu xe gắn máy, mô tô và 2 triệu xe ôtô.

Những con số trên của cơ quan quản lý cho thấy, nếu không kịp thời đưa ra những biện pháp xử lý hợp lý và quyết liệt, Hà Nội sẽ không chỉ thi thoảng “thất thủ” ở một số tuyến đường.

Trước thực trạng có khả năng khiến giao thông Hà Nội ngày càng đi xuống ấy, Hội đồng Nhân dân Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 04 tập trung thực hiện các giải pháp như quản lý số lượng và chất lượng phương tiện tham gia giao thông; nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để có thể giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. 

Theo đó, lộ trình áp dụng các giải pháp này chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, năm 2017-2018 tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải; giai đoạn 2017-2020 sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.

Ngoài ra, nghị quyết còn đề xuất áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Giai đoạn 2017-2030 sẽ từng bước hạn chế hoạt động ở một số khu vực và thời gian, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Chị Lê và nhiều người ước ao, Hà Nội cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài, quyết liệt thực hiện để người dân bớt khổ khi ra đường. Và, bức tranh ấy dù có lãng mạn đến mấy thì cũng phải “vẽ” cho bằng được…/. 

(Vietnam+) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo