Hà Nội đang oằn mình gánh vác những bất lực của con người trước tình trạng tắc đường, ngập úng, ô nhiễm môi trường... Chỉ một đoạn đường từ nhà đến cơ quan trên dưới 10km mà đi xe mất cả giờ đồng hồ. Chỉ sau một cơn mưa không lớn lắm là hàng chục con phố đã biến thành ốc đảo. Chỉ vài phút đi dạo quanh những con sông nổi tiếng từ xưa như Tô Lịch, Kim Ngưu đã cảm giác mình sắp phải vào bệnh viện...
Mà dường như tình trạng này ngày càng nặng hơn. Mọi giá trị văn hóa về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về người Hà Nội thanh lịch bị vùi dập không thương tiếc. Ai cũng biết. Ai cũng cảm giác lo lắng. Và ai cũng cảm giác bất lực và chịu đựng.
Nói như thế cũng không chuẩn xác lắm vì nhiều năm nay, Hà Nội cũng đã đổ nhiều tiền của và công sức để giữ cho Thủ đô được như bây giờ. Nhưng nỗi lo lắng ấy vẫn không hề vơi đi. Đấy mới là điều đáng suy nghĩ.
Cách đây gần 6 năm, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, con đường Lê Văn Lương kéo dài được Hà Nội khánh thành trước sự vui mừng của bao người. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại, mặt cắt 40m, 6 làn xe, vỉa hè rộng 10m, tốc độ xe thiết kế 80km/h. Khi đó, nhiều người đã nghĩ rằng đây sẽ là một trong những đường phố đẹp, bề thế, thể hiện sức sống cho đô thị hiện đại trong tương lai. Đường rộng mênh mông, người đi thưa thớt, vắng vẻ.
Rồi thành phố lại đổ tiền đổ của ra để đầu tư cho tuyến đường xe buýt nhanh trên con đường này với vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, chạy với tần suất 3-5 phút/chuyến, mỗi chuyến chở được 90 hành khách, tốc độ di chuyển 20 - 22 km/h.
Vâng, chỉ chưa đầy 6 năm thôi, nay vào giờ cao điểm, đường đã kẹt cứng xe và người. Cái vỉa hè rộng thênh thang 10m kia lại thành “sở hữu” của những dòng xe máy. Dưới đường thì chật kín đủ các loại phương tiện. Ấy là nghe nói, khoảng 1/2 dự án nhà ở trên tuyến đường này vẫn chưa khởi công hoặc chưa hoàn thành và nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chưa lấp đầy cư dân. Như vậy, trong tương lai, việc di chuyển trên con đường này sẽ ngày càng vất vả.
May thay, tuyến xe buýt nhanh kia lại... chậm tiến độ, lẽ ra là phải đi vào hoạt động từ 2015, nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Với tình cảnh đường tắc thế này, thiết nghĩ, chỉ có “xe buýt bay” thì mới có thể nhanh được.
Xin nêu một ví dụ như vậy để có thể thấy tầm nhìn về quy hoạch đô thị của ta hiện nay như thế nào. Mới có chưa đầy 6 năm mà một dự án hoành tráng như thế đã lỗi thời, đã phải trả giá và đã để lại cho hậu thế một bài học không thể sửa đổi.
Nhớ lại cách đây cũng 6 năm, Bộ Xây dựng đã có một ý tưởng “động trời”, đó là trình lên Chính phủ bản đồ án quy hoạch Hà Nội đến năm 2030. Trong đó muốn di dời khu hành chính quốc gia lên vùng Hòa Lạc, phía chân núi Ba Vì.
Khi đó, nhiều người khá mừng khi nghe tin này và cho rằng, đây là một cuộc cách mạng trong tư duy quy hoạch đô thị vì một tương lai Thủ đô xanh - sạch - đẹp, tạo ra một tiền đề không gian lý tưởng nhằm góp phần xử lý các vấn đề nan giải của nội đô.
Về đồ án này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận xét: “Trước đây mình vẫn quan niệm trung tâm hành chính quốc gia tức là đầu não của Nhà nước, nhưng theo tôi, xu thế hiện nay hành chính ngày càng mang nặng tính chất dịch vụ công, nên cái gọi là trung tâm chính trị và trung tâm hành chính không nhất thiết phải ở một chỗ. Nếu là dịch vụ công thì quan trọng phải có không gian, phương tiện để người dân có thể tiếp cận.
Hơn nữa, quy hoạch Thủ đô mới rộng hơn 3.000km2 nên ta phải thay đổi dần quan niệm về không gian, phải phân chia các không gian khác nhau. Một là để khai thác lợi thế của không gian ấy. Hai là phân bố một cách hợp lý dân cư và những hoạt động của Thủ đô ở các khu vực”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Đào cũng ủng hộ ý tưởng này và lập luận: “Nếu chúng ta đã ấn nút đồng ý một Hà Nội như bây giờ thì trong 20 năm nữa, Hà Nội không thể thu hẹp ở mấy quận như hiện nay được. Ý tưởng của Bộ Xây dựng khi quy hoạch đưa trung tâm hành chính ra xa hơn trung tâm đô thị là phục vụ đúng mục tiêu phát triển Hà Nội về mặt lý thuyết. Có thể hiện nay, ta nhìn nó hơi xa, nhưng tương lai với tốc độ tàu điện ngầm thì từ trung tâm Hà Nội lên Ba Vì chỉ mất khoảng 30 phút.
Cũng có ý kiến cho là lãng phí khi các bộ, ngành đã có đất ở Mỹ Đình, sau năm 2030 lại chuyển lên Ba Vì. Nhưng theo tôi, đừng hiểu một bộ thì chỉ khu lại trong bộ. Bộ có thể có nhiều trụ sở, có bộ phận là dịch vụ công, liên hệ trực tiếp với người dân, và có bộ phận là trung tâm tham mưu cho Chính phủ. Ví dụ Hà Nội hiện nay, các Sở nằm ở nhiều vị trí”...
Thế nhưng, Hà Nội đã có hẳn một văn bản 14 trang để phản đối đồ án này.
Và thế là, tất cả đã diễn ra như thực trạng hiện nay.
Quả thật qua thực tiễn đang diễn ra trước mắt hằng ngày hằng giờ, nếu Hà Nội yêu quý của chúng ta không có một bước đột phá trong tư duy và hành động quản lý đô thị thì có lẽ trong tương lai, những nỗi lo mang tầm thế kỷ kia sẽ còn mãi mãi đeo đẳng cùng với sự lúng túng, bất lực và chịu đựng.
Nguyễn Hoàng Linh
(Báo Xây dựng)
- “Hà Nội một thời” qua góc nhìn của nhà ngoại giao Anh John Ramsden
- Tuyến phố đi bộ ở Hà Nội – điều tất yếu cho chất lượng cuộc sống
- Phân tích thì hay, làm lại dở!
- Ngập nước có thể thay đổi tâm lý mua nhà của người Sài Gòn
- Di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng mạnh
- Để giải bài toán “đánh đổi”
- Chính phủ “kiến tạo phát triển” và phép thử Hoa Sen
- Vì sao dự án của Trung Quốc bị “đào thải” ở nhiều nước?
- “Thành phố đáng sống” bắt đầu từ đâu?
- Sân bay Tân Sơn Nhất 100 năm trước của Sài Gòn