Hà Nội "khát"... nước sạch

Thứ bảy, 30 Tháng 7 2016 07:53 Diễn đàn Doanh nghiệp
In

Thiếu nước, sử dụng nước bị ô nhiễm – câu chuyện tưởng chừng chỉ có ở thôn quê, vùng núi thì nhiều năm nay lại xảy ra giữa lòng Hà Nội và đang là nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô.

Nỗi ám ảnh của người dân


Thiếu nước sạch nên một số hộ phải mua với giá “cắt cổ” để sử dụng hàng ngày 

Mới đây, cư dân sinh sống tại khu đô thị Ao Sào (quận Hoàng Mai) đồng loạt tố chủ đầu tư là Cty Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 không chịu cấp nước sạch cho dân. Tìm hiểu ra mới biết, công ty đã bàn giao nhà cho người dân về ở cách đây 2 năm nay nhưng vẫn chưa có đường nước sạch. Để giải quyết tình trạng trên, nhiều hộ đã phải dùng giếng khoan với chất lượng không đảm bảo, còn một số hộ phải mua nước sạch với giá “cắt cổ” để sử dụng hàng ngày. 

Bà Đào Thị Sửu – Tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Mỗ Lao, Hà Đông cho biết: Trong vòng một năm trở lại đây, tình hình cung cấp nước sinh hoạt cho khu tập thể vô cùng bất ổn. Bình quân, mỗi tháng các hộ dân lại phải chịu cảnh mất nước một lần, mỗi lần từ 5 ngày đến 1 tuần. “Không ở đâu ngay giữa Hà Nội, hơn 1.000 người dân phải chịu đựng 20 ngày liền khan nước đến như vậy, không một thông báo, không một lời giải thích rõ ràng. Đây là cơn ác mộng dài nhất, khó chịu nhất” – vị Tổ trưởng tổ dân phố số 12 chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc thiếu nước sạch, việc cung cấp nước bẩn cho khu dân cư cũng là nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô. Bằng chứng là mới đây Hà Nội đã phanh phui 4 chung cư cho người dân sử dụng nước bẩn là CT9-Khu đô thị mới Định Công (quận Hoàng Mai); Sông Hồng Parkview 165 Thái Hà (quận Đống Đa); các toà CT6A, B Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm); và chung cư Meco Complex (102 Trường Chinh, quận Đống Đa).

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại chung cư Đặng Xá (huyện Gia Lâm), người dân đang phải sử dụng nguồn nước nhiễm Asen (As) cao hơn gấp 1,4 lần so với quy định. Thậm chí tại khu vực Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) kết quả xét nghiệm cho thấy Asen trong mẫu nước ở đây cao gấp 40 lần so với mức cho phép. Mới đây nhất, cư dân ở khu chung cư được coi là cao cấp, kiểu mẫu – Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Đông) đồng loạt lên tiếng về việc nước sinh hoạt của họ không đảm bảo.

Trước những bức xúc của người dân, mới đây Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước trên địa bàn Hà Nội với tổng số mẫu là 196 mẫu (Trong đó 30 mẫu lấy tại các nhà máy, trạm cấp nước và 166 mẫu lấy tại các hộ gia đình). Kết quả cho thấy rất nhiều mẫu nước được kiểm nghiệm không đạt các chỉ tiêu chất lượng.

Trong tháng 4/2016, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã lấy mẫu và giám sát vệ sinh, chất lượng nước sinh hoạt tại 120 khu nhà chung cư, tập thể với kết quả cho thấy, 67/120 tòa nhà chung cư, tập thể có kết quả xét nghiệm chất lượng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật về các chỉ tiêu hóa học, vi sinh với chỉ tiêu như asen, pecmanganat, amoni, sắt, nitrit… vượt ngưỡng cho phép.

Cần chung tay vào cuộc

Theo các chuyên gia, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho Thủ đô hiện nay chủ yếu là nước ngầm. Ô nhiễm nguồn nước ngầm chính là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nước cung cấp cho người dân không đảm bảo và nguy cơ sử dụng nước bẩn luôn nằm trong tình trạng báo động.

Để khắc phục tình trạng trên Hà Nội đã có khoảng 6 trạm xử lý nước thải với tổng công suất khoảng hơn 260.000m3/ngày – đêm đang hoạt động và dự kiến 5 trạm xử lý nữa đang được đầu tư xây dựng với tổng công suất gần 400.000m3/ngày – đêm.

Tuy nhiên, để nguồn nước sạch đến từng căn hộ chung cư, ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, Công ty cấp nước sạch chỉ có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước đến đồng hồ tổng trước khi chảy vào hệ thống bể ngầm của chung cư, khu tập thể. Còn sau đó đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi nước sinh hoạt tới từng căn hộ thì chưa quy định rõ.

“Tôi nghĩ, ngoài quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư các chung cư trên địa bàn TP phải có quy định cụ thể về việc các tòa nhà chung cư, khu tập thể phải tiến hành thau rửa bể chứa, kiểm tra hệ thống cấp nước định kỳ. Có như vậy mới đảm bảo được nguồn nước cung cấp cho cư dân”. – Ông Tuấn nói.

Mới đây Sở Xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà và Công ty Nước sạch Hà Nội phải có trách nhiệm lên phương án xử lý nước sạch cho người dân. Sau khi hoàn thành, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm lại chất lượng nước.

Thiết nghĩ, để giảm thiểu sự ô nhiễm nguồn nước về lâu dài, Hà Nội cần có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước bằng cách kiểm soát lượng nước thải từ các nhà máy, bệnh viện, chất thải, nước thải sinh hoạt. Riêng đối với hệ thống sông ngòi cần phải nạo vét, làm trong nguồn nước chảy qua. Để làm được việc này không phải là vấn đề một sớm một chiều mà nó đòi hỏi cần phải có một chiến lược lâu dài và sự đóng góp công sức của toàn xã hội. 

Tiếp tục thiếu nước sinh hoạt 

Theo đánh giá của Cty Nước sạch Hà Nội, tình hình cấp nước hè 2016 sẽ căng thẳng hơn nhiều năm 2015 do lượng nước mặt sông Đà về Hà Nội giảm mạnh.

Cụ thể, qua theo dõi kết quả công tác cấp nước trong tháng 4 dù chưa chính thức vào hè nhưng nhu cầu sử dụng nước đã tăng mạnh trong khi nguồn cung cấp nước hạn chế, cả nguồn nước ngầm và nước mặt đều sụt giảm.

Đặc biệt, tuyến ống nước sông Đà số 1 giảm áp khiến lượng nước cấp về Hà Nội giảm nhiều hơn so với năm ngoái. Dự báo vào lúc cao điểm của mùa Hè, nhu cầu sử dụng nước sạch tăng thêm 12% so với ngày thường.

Do đó, lượng nước có nguy cơ thiếu hụt khoảng 60.000 m3/ngày đêm trong thời gian cao điểm nắng nóng mùa Hè. Những khu vực sẽ thiếu nước gồm khu vực đường Bưởi (quận Ba Đình), Thụy Khuê (quận Tây Hồ); Chương Dương, Phúc Tân, Hàm Tử Quan, Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm); đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2 (Đống Đa)… 

Lưu Vân 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: