Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Di sản và luật pháp

Di sản và luật pháp

Viết email In

Quốc hội đang chuẩn bị thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa tại kỳ họp đang diễn ra tại Hà Nội. Từ những sự kiện liên quan đến thi hành Luật Di sản ban hành năm 2001, cho thấy một vấn đề nhức nhối diễn ra lâu nay là nhiều khi do những quy định không rõ ràng đã dẫn đến việc vi phạm luật rất phổ biến ở nhiều địa phương.


Phố cổ Hội An trong lũ (2007)

Đối với các di sản văn hóa, cả hữu hình lẫn vô hình (hay vẫn được gọi là vật thể và phi vật thể như ghi trong luật hiện nay), ai cũng biết giá trị của nó chính là ở chỗ nó gắn liền với những vấn đề lịch sử lẫn nhân văn mà nó chứa đựng. Những xâm hại các di tích gần đây như xây dựng lấn chiếm khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia thành Điện Hải (Đà Nẵng), đập phá để xây dựng lại đền thờ Lý Chiêu Hoàng (Hà Nội) đã vô tình hay hữu ý cắt đứt mối liên hệ của một gai đoạn lịch sử đối với di tích đó. Có trường hợp như khi trùng tu đình Hải Châu, thờ các tiền hiền khai canh làng Hải Châu, Đà Nẵng - được nhiều sắc phong từ triều Nguyễn, theo thiết kế của Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây đã hầu như xóa bỏ hoàn toàn kiến trúc nguyên gốc, thay vào đó là những mô-típ nhà rường “bánh ít” rất xa lạ với kiến trúc đình làng ở miền Trung từ thời Lê, Nguyễn. Khi có thắc mắc, một quan chức địa phương đã trả lời rằng nếu không thuận theo thiết kế ấy thì sẽ không được... cấp kinh phí! 

Cố kiến trúc sư Kazik khi làm việc ở Mỹ Sơn, Huế và Hội An đã nhiều lần nói rằng ngay chính những cố gắng giả cổ khi trùng tu các công trình cũng không phải là giải pháp đúng. Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu nữ Zolese thuộc Đại học Milan đang làm việc tại thánh địa Mỹ Sơn cũng nói rằng những nỗ lực của Kazik thể hiện khuynh hướng chung hiện nay của công việc trùng tu trên thế giới.

  • Ảnh bên : bên trong ngôi nhà cổ ở khu Hà Nội 36 phố phường 

Gần đây, giáo sư Phan Huy Lê cho biết: “Khi soạn thảo dự án luật, ban soạn thảo chỉ lấy ý kiến UBND các tỉnh/thành và các sở VH-TT-DL trong hệ thống ngành dọc của mình, hoàn toàn không tổ chức lấy ý kiến các cơ quan nghiên cứu khoa học, các hội chuyên ngành và các chuyên gia...”. Chính điều đó đã tạo ra các khiếm khuyết của luật và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm rất thường thấy trong việc bảo vệ di tích.

Khi nói về các di sản vật thể trong văn bản dự thảo chuẩn bị đưa ra Quốc hội, cũng theo giáo sư Phan Huy Lê, đã “không tách biệt di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, dẫn đến những “nhập nhằng” rất tai hại, như việc cho phép xây dựng công trình trong vùng bảo vệ I”. Ông cho rằng cần phải chỉnh sửa cẩn thận toàn bộ dự thảo luật với sự tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học (như cách làm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng) chứ đừng nên đổ thừa cho thời gian hạn hẹp mà thông qua vội.

Phó giáo sư Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ, trong trả lời báo chí tuần rồi liên quan đến việc thông qua văn bản luật sửa đổi này cũng cho rằng điều khoản trong luật 2001 vẫn còn bất cập đối với ngành khảo cổ học đã tạo ra “mâu thuẫn” giữa công tác khảo cổ học với công tác xây dựng đô thị trong thời gian qua. Vì vậy ông nhấn mạnh: “Nếu được kiến nghị tôi xin kiến nghị Quốc hội nên cho thêm thời gian để Ban soạn thảo phối hợp với các nhà quản lý và chuyên môn nghiên cứu, bổ sung một cách đầy đủ hơn, hợp lý hơn để các cấp, các ngành thực hiện luật một cách tốt nhất công tác bảo vệ di sản văn hóa dân tộc”.


Làng Việt Cổ Dường Lâm, di tích quốc gia làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đã bị
các dự án trùng tu tôn tạo giết chết từng ngày. Đình Làng cách đây vài năm...


Luật Di sản văn hóa sau 7 năm thi hành (có hiệu lực từ 1.1.2002), do đã bộc lộ những hạn chế ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong những hạn chế đó còn có tình trạng hiệu lực chế tài các vi phạm vẫn còn khá sơ sài. Hai điều khoản liên quan đến vấn đề này là Điều 71: “Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, và Điều 72: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”... Dự thảo sửa đổi không nhắc đến thay đổi nào ở 2 điều này! Chính những bất cập đó, sự vội vàng thông qua do “thiếu thời gian” văn bản sửa đổi Luật Di sản văn hóa lần này là chưa thuyết phục.  

Trương Điện Thắng

[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích ]

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo