Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Thay chủ đầu tư dự án: Tước quyền có dám trao quyền?

Thay chủ đầu tư dự án: Tước quyền có dám trao quyền?

Viết email In

Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa có quyết định thay chủ đầu tư một loạt dự án trọng điểm của ngành đường sắt sử dụng vốn ngân sách và vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA). 

Theo đó, thay chủ đầu tư trong số 13 công trình dùng vốn ODA, chuyển từ TCty Đường sắt VN về Bộ. 5 dự án do Cục Đường sắt VN làm chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách cũng sẽ được chuyển về Bộ. Quyết định rút các dự án lớn về Bộ được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đưa ra sau khi có thông tin và công an đang điều tra về nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng của đối tác Nhật Bản tại dự án Đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội và việc đội giá hơn 300 triệu USD tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và do DN Trung Quốc làm tổng thầu.  

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Mục đích chuyển chức năng chủ đầu tư và sáp nhập các BQL về trực thuộc Bộ nhằm tổ chức lại hệ thống BQL Dự án đường sắt, khắc phục những tồn tại và yếu kém để quản lý và điều hành tốt hơn, đảm bảo chất lượng các dự án đường sắt. Quyết định này cũng nhằm chống tiêu cực, chống tham nhũng tại các dự án đường sắt và ngành đường sắt”. 

Tước quyền chủ đầu tư cùng lúc 18 dự án đường sắt là việc chưa từng có tiền lệ ngành GTVT nó cũng chưa có tiền lệ đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Nó cũng trái với truyền thống “bao bọc” của các cơ quan chủ quản đối với DN nhà nước đã và đang tồn tại. Nhưng với tính cách của Bộ trưởng Thăng cũng như nhìn vào thực tế nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp, thậm chí từng bị các nhà tài trợ “cân nhắc” tiếp tục hay tạm dừng có thể coi đây như một cam kết của Bộ trưởng trong việc cải thiện chất lượng đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA. 

Có thể dễ dàng nhận thấy trong 9 lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA theo Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, hạ tầng giao thông luôn chiếm một tỉ trọng rất lớn. Lấy ví dụ, trong 20 năm hợp tác giữa hai bên (từ 1992 - 2012), tổng nguồn vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam 2.084 tỷ yên, trong đó lĩnh vực giao thông chiếm tỷ lệ 43%.

Trở lại câu chuyện tước quyền các DN nhà nước vốn sống vào cơ chế “dựa dẫm” của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nó không chỉ tránh được cái tiếng “con hư tại mẹ”, hay như một sự trừng phạt cho những yếu kém mà về lý thuyết còn mở ra cơ hội rất lớn cho các DN tư nhân và có thể tạo ra một bước đôt phá trong việc sử dụng nguồn vốn ODA.

Với nguồn vốn ODA, dẫu chỉ đóng vai trò "mồi" ban đầu, các DN tư nhân phát huy được lợi thế so sánh với các DN Nhà nước về nguồn vốn linh hoạt; bộ máy tổ chức hiệu quả cao; tiết kiệm trong đầu tư và lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo cao nhất. Đồng thời quá trình sử dụng ODA cũng giúp các DN tư nhân tiếp cận được với mô hình quản lý dự án của các nước viện trợ, làm tiền đề cho các bước tiếp theo khi các DN này vươn ra các thị trường quốc tế.

Về hành lang pháp lý, Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cũng đã quy định rất rõ điều kiện tiếp nhận và hình thức tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân. Tuy nhiên, giữa Nghị định và thực tế vẫn là khoảng cách rất rộng. Bởi để khu vực tư nhân được tiếp cận tới nguồn vốn ODA trở nên bình thường, chứ không còn là các trường hợp cá biệt, thì chắc chắn ngoài vấn đề thể chế, cơ chế quản lý, thủ tục hành chính cần tới năng lực con người, kể cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước về ODA lẫn DN tư nhân sử dụng nguồn vồn này. 

Sau tước quyền “những đứa con hư” Bộ trưởng Thăng có “dám” tiến thêm một bước nữa trong việc trao quyền cho các DN tư nhân, góp phần tạo ra bước đột phá, rút gắn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn tiếp cận vốn ODA của khối DN này? 

Phan Nam 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo