Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Góc nhìn Quy hoạch đô thị: Không minh bạch vì giằng co lợi ích?

Quy hoạch đô thị: Không minh bạch vì giằng co lợi ích?

Viết email In

Sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch là một trong những chìa khoá để tạo nên sự thành công của công tác phát triển đô thị. Điều này đã được khẳng định qua kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và những tiến bộ của công tác quy hoạch thời gian qua. Đây cũng là một vấn đề đang được quan tâm thảo luận trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị sắp ra đời.

>> Quy hoạch đô thị - Lấy ý kiến theo cách nào?

Những năm gần đây so với tốc độ xây dựng đô thị, công tác quy hoạch còn bộc lộ nhiều yếu kém mà một trong những nguyên nhân đó chính là vai trò tham gia của cộng đồng chưa được coi trọng và phát huy hết hiệu quả của nó.

Trong khi người dân sống tại khu vực lập quy hoạch chịu sự tác động trực tiếp nhất đến đời sống xã hội thì thường lại là những người bị động trong các kế hoạch phát triển, chịu sự áp đặt của các doanh nghiệp triển khai thực hịên dự án theo quy hoạch.

Ngược lại, đôi khi người dân lại có những phản ứng cản trở quá trình thực hịên quy hoạch. Điều này chứng tỏ những quy định về sự tham gia của người dân trong việc lập quy hoạch vẫn chưa thoả đáng, cần có những thay đổi. Có thể thấy những vấn đề cơ bản còn vướng mắc.

  • Ảnh bên: Triển lãm Dự án "Thành phố sông Hồng" tại sân vận động Quần Ngựa - Hà Nội tốn 4,6 tỉ đồng! (ảnh : Ashui.com)


Góp ý muộn, nặng hình thức

Người dân được tham gia ý kiến muộn, còn mang tính hình thức. Công bố quy hoạch với mục tiêu cho biết hơn là sự lắng nghe góp ý.

Giai đoạn vừa qua người dân chỉ được tham gia góp ý kiến khi đồ án quy hoạch cơ bản đã hoàn thành hoặc ở dưới dạng công bố đồ án quy hoạch. Các ý kiến góp ý cũng không được phản hồi một cách chính thức.

Thực tế cho thấy người dân quan tâm không phải chỉ ở giải pháp quy hoạch mà ở chính mục tiêu mà đồ án quy hoạch đặt ra, quan tâm đến sự tác động của các đồ án quy hoạch đến cuộc sống của mình. Nhưng đôi khi sự quan tâm ấy không nằm trong nhiệm vụ của đồ án quy hoạch.

Ví dụ như các khu làng xã đô thị hoá nằm cạnh các dự án, mặc dù rõ ràng nó bị tác động trực tiếp của các dự án đó nhưng không có nhiều đồ án quy hoạch khu đô thị mới có nhiệm vụ nâng cấp cải tạo luôn làng xã mà phạm vi nghiên cứu chỉ khoanh vùng đề xuất trên khu vực đất ruộng lập dự án.

Đây chính là một trong các lý do mà người dân không sẵn sàng ủng hộ các dự án khi mà quyền lợi của họ không được đặt ra để giải quyết một cách đồng bộ.

Người trong nghề cũng không hiểu nổi bản đồ quy hoạch

Có lần đi xem trưng bày đồ án quy hoạch tại phố Tràng Tiền (Hà Nội), chúng tôi - những người làm chuyên môn về quy hoạch cũng không thể đọc nổi bản vẽ vì các bản vẽ không ghi đầy đủ các thông tin địa danh, các ký hiệu. Nó  như một bức tranh chỉ để bày mà thôi.

Còn các bản đồ quy hoạch được vẽ treo trên các bảng đóng dọc đường cũng mới chỉ đạt được mục tiêu là thông báo đã có quy hoạch ở khu vực đó. Nội dung bên trong thì hầu như người dân cũng không thể đọc và hiểu nổi.

  • Ảnh bên : Triển lãm 9 phương án dự thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận” (ảnh : Ashui.com)

Đúng là bản đồ quy hoạch là một phương tịên truyền tải thông tin có tính kỹ thuật nên không thể ai cũng có thể hiểu được khi xem. Vì vậy rất cần những bộ phận có trách nhiệm giải thích cho người dân rõ hoặc phải thay đổi cách thể hiện cho người dân dễ đọc, dễ hiểu hơn.

Ngay cả khi bản vẽ đã được phê duyệt rồi, được công bố rồi, được treo rồi cũng không có nghĩa là nó sẽ thực hiện như vậy, bởi trong quá trình thực hiện nó sẽ được điều chỉnh cục bộ, trong bước lập dự án với nhiều lý do khác nhau. Một khu vực quy hoạch có 10 lô đất, 9 lô điều chỉnh cục bộ thì đồ án quy hoạch đã được công bố kia rõ ràng không còn có ý nghĩa.

Thế mới có những chuyện khi người dân khởi kiện doanh nghiệp việc làm sai quy hoạch, các bên đều đưa ra các loại bản đồ khác nhau, bản đồ nào cũng có tính pháp lý cả. Quy hoạch đúng hay dự án đúng?

Thực tế đã cho thấy những người thực thi các dự án theo quy hoạch, quản lý quy hoạch còn đang coi thông tin về quy hoạch, nhất là những thông tin mới điều chỉnh như một thứ tài sản riêng của mình để trục lợi, đầu cơ.

Đôi khi những người lập dự án không muốn cung cấp đầy đủ thông tin vì biết rằng sẽ có những vấn đề nếu công bố ra người dân sẽ không đồng tình.

Vì vậy các thông tin theo con đường chính thống thường không đầy đủ hoặc không phải là mới với nhiều lý do. Mà một nửa sự thật không phải là sự thật, thông tin cũ hoặc một nửa cũ thì đã không còn giá trị.

Quyền tham gia ý kiến của cộng đồng

"Do nhận thức của công chức còn yếu"

Tính công khai, minh bạch của xã hội bị hạn chế không phải quan điểm của Đảng, Nhà nước, mà do trình độ phát triển còn thấp, thiếu cơ sở pháp lý, nhận thức về công khai, minh bạch của các công chức còn yếu.

Hiện ngay các chỉ số về công khai, minh bạch, chúng ta cũng chưa tự xây dựng được, mà dùng chỉ số của một số nước, tổ chức quốc tế. 

Minh bạch, công khai rất quan trọng với các doanh nghiệp vì họ cần nắm thông tin nhanh chóng, chính xác về chính sách đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế... để xây dựng kế hoạch.

Khi quyền tiếp cận thông tin được thực thi, thậm chí cần có quy định giải thích vì sao thông tin này, thông tin kia không được công khai.

TS Cao Đức Thái, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người. 

Một khi không nắm được đầy đủ thông tin thì người dân cũng không thể tham gia trong quá trình giám sát thực hịên theo quy hoạch.

Điều này sẽ dẫn đến sự tuỳ tịên cố ý của các doanh nghiệp cộng với sự lơ là của cơ quan quản lý tác động đến quyền lợi của người dân không được phát hịên kịp thời. Chỉ khi vấn đề nghiêm trọng, công luận bức xúc lên tiếng mới được phanh phui.

Không có thông tin và không được tham gia thì người dân cũng không cảm thấy mình có trách nhịêm trong việc thực thi quy hoạch. Dẫn đến các tiêu cực, cái gì động đến quyền lợi của mình thì đòi hỏi, cái gì là trách nhịêm của mình thì  không thực hịên.
 
Như vậy, chúng ta đang rất cần một bộ Luật để điều tiết tất cả các hành vi của các đối tượng tham gia trong quá trình lập và thực hịên quy hoạch, đảm bảo sự phát triển vì lợi ích chung, hài hoà giữa các đối tượng tham gia trong đó cộng đồng dân cư vừa là một chủ thể tham gia vừa là đối tượng chịu tác động.

Bộ Luật Quy hoạch đô thị đang được soạn thảo hiện nay cần chú trọng hơn nữa đến các điều khoản về sự tham gia của cộng đồng. Đây sẽ là những đổi mới cơ bản tạo nên sự đồng thụân của xã hội với công tác phát triển đô thị.

KTS. Phạm Hùng Cường (ĐH Xây Dựng)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo