Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Vì sao đường sắt đô thị Hà Nội đội giá 339 triệu USD?

Vì sao đường sắt đô thị Hà Nội đội giá 339 triệu USD?

Viết email In

Bộ Giao thông vận tải vừa đưa ra 9 nguyên nhân khiến dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông tăng tổng mức đầu tư thêm 339,1 triệu USD.

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai thực hiện đầu tư từ năm 2008 đến nay. Mới đây, dự án này bị đội giá 339 triệu USD. Dự án được Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 8.770 tỷ đồng tương đương 552,86 triệu USD (tính theo mặt bằng giá Quý I/2008).  

Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD. Trong đó, vốn vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD, lãi suất 4,00%/năm, thời hạn 15 năm, ân hạn 5 năm; vốn vay tín dụng ưu đãi: 1,2 tỷ NDT (tương đương 169 triệu USD) lãi suất 3%/năm, thời hạn 15 năm, ân hạn 5 năm và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 133,86 triệu USD. 


Hệ thống trụ cột của tuyến đường sắt số 3 đã được xây dựng xong và đang được thi công lắp dầm. (Ảnh: VNE) 

Trong quá trình thực hiện đã có nhiều nguyên nhân tác động đến tổng mức đầu tư của dự án. Dự kiến Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 12/2015.

Sau khi Phó Thủ tướng yêu cầu giải trình, ngày 22/4, Bộ GTVT đã lên tiếng về việc điều chỉnh thiết kế dự án, làm tăng mức đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông này. 

Trong văn bản gửi tới các cơ quan thông tấn, báo chí, Bộ GTVT đã đưa ra 9 nguyên nhân dẫn đến phải điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư.

Theo đó, nguyên nhân thứ nhất là do việc thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng, chi phí xây lắp nhà ga 3 tầng là 133,3 triệu USD tăng so với bước lập dự án là 84,2 triệu USD (trong đó: tăng do trượt giá: 43,5 triệu USD, tăng do thay đổi quy mô: 40,7 triệu USD); chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) giảm 43,1 triệu USD.

Nguyên nhân thứ hai là việc bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot. Chi phí cho việc xử lý nền đất yếu là 13,54 triệu USD.

Thứ ba, do dự án cần bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6. Việc xây dựng đường tránh Quốc lộ 6 này cần phải bổ sung chi phí là 1,94 triệu USD.

Việc điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox là nguyên nhân thứ tư. Theo thiết kế cơ sở, thân tàu dùng thép chịu khí hậu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng thầu EPC, hiện nay tại Trung Quốc và các nước trên thế giới không sản xuất thân tàu bằng thép chịu khí hậu mà dùng thép không gỉ hoặc hợp kim nhôm. 

Nhiều yếu tố khách quan tác động 


Thay đổi tổng mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Internet)

Chi phí cho việc thay đổi này tăng thêm 3,19 triệu USD, nhưng sẽ không phải đầu tư 2,48 triệu USD để xây dựng xưởng sơn sau này và giảm thiểu ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

Nguyên nhân thứ năm là việc bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ. Theo dự án đầu tư ban đầu, chi phí đào tạo chưa bao gồm chi phí ăn ở, đi lại của học viên. Chi phí cho việc bổ sung này tăng thêm 2,91 triệu USD.

Việc thay đổi vị trí bãi đúc dầm, phương án vận chuyển lao lắp dầm là nguyên nhân thứ sáu do công tác GPMB khu vực đường nhánh ra vào DEPOT không đáp ứng tiến độ ban đầu. Vì vậy không thể đúc và lao lắp dầm như phương án ban đầu. Việc thay đổi phương án thi công dầm cần phải bổ sung kinh phí (thuê bãi, huy động thêm thiết bị đúc và lao lắp dầm) khoảng 10,16 triệu USD.

Cũng theo Bộ GTVT, do công tác GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài dẫn đến tăng chi phí; chi phí xây lắp tăng dẫn đến chi phí thuế GTGT, lãi vay, bảo hiểm vốn vay, phí các loại (cho phần vốn dự kiến vay thêm) cũng tăng theo dự kiến cần phải bổ sung kinh phí khoảng 88,3 triệu USD.

Ngoài ra còn những nguyên nhân khác đã dẫn đến việc thay đổi một số hạng mục điều chỉnh, bổ sung phát sinh chính so với thiết kế cơ sở. Trong giai đoạn thiết kế kĩ thuật còn có một số điều chỉnh nhỏ để đảm bảo an toàn và phù hợp theo quy trình quy phạm của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, theo Bộ GTVT, biến động về giá nguyên, nhiên, vật liệu, tỷ giá hối đoái; các chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở nên dự kiến cần phải bổ sung kinh phí khoảng 95 triệu USD.

Dự kiến Tổng mức đầu tư điều chỉnh bổ sung cho Gói thầu số 1 (EPC) là 258,4 triệu USD (chưa bao gồm chi phí dự phòng 25,84 triệu USD). Giá trị tăng thêm so với tổng mức đầu tư được duyệt là 339,1 triệu USD.

Trong đó chi phí tăng thêm cho gói thầu EPC là 250,8 triệu USD, chi phí tăng thêm cho công tác GPMB, tư vấn, chí khác , thuế GTGT… và dự phòng: 88,3 triệu USD.

Dựa trên cơ sở rà soát tính toán của Cục Đường sắt và Tư vấn thẩm tra (TEDI), Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có kiến nghị Chính phủ về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án điểu chỉnh vốn lên tới 891 triệu USD (tăng 70% so với tổng mức đầu tư được duyệt trước đó), đẩy chi phí bình quân đầu tư 1 km đường sắt đô thị của tuyến Cát Linh-Hà Đông lên 68,5 triệu USD.

Theo kế hoạch được điều chỉnh giữa năm 2013, bắt đầu từ ngày 1/3/2015, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ được đưa vào vận hành chạy thử. Sau đó, sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại từ 1/6/2015.

Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng ở một số ga nên tiến độ chạy thử lại bị lùi lại đến tháng 9/2015 và đến tháng 12/2015 mới đưa vào khai thác thương mại.

Như vậy, nếu đúng tiến độ phải cuối năm 2015, người dân Thủ đô mới được đi trên tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông. 

Minh Quân 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo