Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Đối thoại TS Trần Hữu Sơn: “Xây 17 nhà máy thuỷ điện ở Sa Pa sẽ tàn phá môi trường!”

TS Trần Hữu Sơn: “Xây 17 nhà máy thuỷ điện ở Sa Pa sẽ tàn phá môi trường!”

Viết email In

Có thể nói TS Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai - là một trong không nhiều vị giám đốc sở trong ngành VH-TT và DL có trình độ nghiên cứu sâu, có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn, bên cạnh năng lực quản lý.

Tôi gặp TS Trần Hữu Sơn khi ông vừa đi đọc tham luận tại hội thảo khoa học tại Tokyo (Nhật Bản) về. Nhiều ấn tượng tốt đẹp về nước Nhật còn nguyên trong ông, nhưng cuộc trò chuyện với ông nằm ở vấn đề khác: việc bảo tồn di sản văn hoá ở Lào Cai.

Theo ông, di sản phi vật thể ở Lào Cai hiện nay đáng chú ý nhất cần bảo tồn là gì? 

- Lào Cai là mảnh đất đa dạng văn hoá với 13 dân tộc, 25 ngành nhóm địa phương. Ngay bản thân các vùng khác nhau thì ngôn ngữ, phong tục cũng khác nhau có khi đến 40% như ở Bắc Hà so với Văn Bàn. Lào Cai là vùng cửa khẩu, có nhiều di sản văn hoá nhưng cũng bị giao lưu văn hoá biến đổi, rồi chính sách văn hoá tả khuynh một thời, cải cách hành chính như xoá bỏ lễ hội người Dao, quy chụp nhiều giá trị văn hoá là mê tín dị đoan, lấy văn hoá Kinh làm khuôn mẫu làm mất đi tính đa dạng, bùng phát người Mông theo đạo Tin lành… 

TS Trần Hữu Sơn, sinh năm 1956 - Giám đốc Sở VH-TT và DL Lào Cai, Uỷ viên Ban thường vụ Hội Văn nghệ dân gian VN, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Di sản văn hoá VN..., tác giả nhiều cuốn sách như “Văn hoá Mông”, “Lễ hội cổ truyền Lào Cai”, “Văn hoá dân gian Lào Cai”, “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng cao”, “Thơ ca dân gian người Dao tuyển”...

Hai mảng chính mà TS Trần Hữu Sơn nghiên cứu là dân tộc học (nhân học ứng dụng: nghiên cứu cổ truyền ứng dụng vào hiện đại) và lịch sử. Ông cũng đoạt nhiều giải thưởng cao của Hội Văn nghệ dân gian, giải của Uỷ ban TƯ Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam... 

Vì thế di sản văn hoá ở Lào Cai đã bị mai một đi ít nhiều trước khi có sự quan tâm thích đáng trở lại như những năm gần đây. Trong số các di sản cần đặc biệt quan tâm thì di sản lễ hội chứa đựng những nét văn hoá vùng cao tinh tuý nhất, là sự kết hợp của âm nhạc, múa, tạo hình và diễn xướng. Lễ hội diễn ra vào mùa nông nhàn: mùa xuân, mùa thu và cuối hạ với lễ cầu mùa.

Vì thế khi tỉnh Lào Cai tái lập, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Lào Cai đã xây dựng một lễ hội chung mang tính cố kết cộng đồng dành cho tất cả các dân tộc ở tỉnh cùng tham gia là Festival Đền Thượng thờ Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên, bắt đầu từ năm 2001, vào ngày 13 và 14 tháng giêng. Trong đó phần lễ có dâng hương, đọc văn tế gắn lịch sử cha ông ta thời xưa với lịch sử, niềm tự hào của tỉnh Lào Cai hôm nay… Phần hội có những trò chơi, diễn xướng mang nét đặc sắc của từng dân tộc…

Theo ông làm sao để lễ hội mang màu sắc hiện đại mà vẫn không mất đi cái lõi cổ truyền?

- Mỗi huyện đều có những lễ hội riêng nhưng phải gắn với đời sống hôm nay như huyện Bảo Thắng gắn lễ hội với việc bảo vệ rừng và đoàn kết dân tộc. Sa Pa với lễ xuống đồng của người Dáy.

Lễ hội đua ngựa ở Bắc Hà trước đây chỉ có ở một làng nay mở rộng ra toàn huyện thu hút đông đảo du khách, giải thưởng trước đây chỉ là mấy vò rượu ngô, nay với việc xã hội hoá, các doanh nghiệp tài trợ, giải nhất đã tăng đến nay là 10 triệu đồng. Năm 2004, tỉnh Lào Cai liên kết với các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ tổ chức “Du lịch về cội nguồn”, tăng lượng du khách lên 20%.; rồi liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng….

Thưa ông, người dân được hưởng lợi như thế nào từ các hoạt động bảo tồn di sản văn hoá?

- Với quan điểm: “Biến di sản thành tài sản”, chúng tôi tổ chức xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng, sử dụng văn nghệ dân gian, khơi dậy các làng nghề thủ công để thu hút khách. Văn hoá ngủ nhà sàn phát triển ở các vùng người Tày, người Dao.

Mỗi vùng có đặc thù riêng, sản phẩm riêng phải đẩy mạnh quảng bá thương hiệu như thuốc tắm người Dao, gạo Séng Cù, thổ cẩm Tả Phìn (Sa Pa), tương ớt Mường Khương…

Tổ chức các đội văn nghệ dân gian đi diễn ở các huyện như đội văn nghệ Tà Chải, Bản Dền... Việc khơi dậy các làng nghề thủ công-ẩm thực đã tạo ra nguồn thu đáng kể cho người dân, gia đình khá nhất thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Và chúng tôi nghiên cứu tri thức bản địa cụ thể như ứng xử của người dân với môi trường, xã hội; nghiên cứu kinh nghiệm bảo vệ rừng của người Hà Nhì qua việc “thiêng hoá rừng” (thần rừng), qua chế tài xử phạt thể hiện ở hương ước giản dị mà nghiêm ngặt từ việc tổ chức bảo vệ rừng, đối xử với nguồn nước... Từ đó nhân rộng ra cho các dân tộc khác cùng ứng dụng.

Còn việc bảo tồn sách cổ thì sao?


- Người Dao, người Tày, người Thái đều có chữ viết. Dự án bảo tồn sách cổ do Quỹ Ford tài trợ đã thực hiện được 3 năm. Tôi nhớ có lần đến nhà một ông thầy cúng người Dao nhà có nhiều sách như một thư viện, có nguời đến hỏi ông khăn trong đám cưới nên thêu con gì, các điệu nhảy trong đám cưới ra sao, ông giải đáp trôi chảy rõ ràng, đó là điều có trong sách cổ.

Vì thế việc đầu tiên Sở VH-TT và DL làm khi thực hiện dự án là thống kê và cử người đến đóng dấu “Di sản văn hoá” vào hàng trăm cuốn sách cổ người Dao. Rồi mở 10 lớp tuyên truyền về giá trị sách cổ, lưu giữ, bảo vệ nó, đến cộng đồng người Dao tự mở thêm 28 lớp nữa vì họ thấy ích lợi của việc học từ những điển tích trong hát giao duyên khi đọc chữ Dao cổ. Hiện chúng tôi đã sưu tầm gần 800 cuốn sách cổ, đã lựa chọn in dịch một số, xuất bản 24 tập truyện thơ song ngữ…

  • Ảnh bên : Khách du lịch nước ngoài xuống bản Tà Phìn (Ảnh: Việt Văn)

Lào Cai là một mảnh đất giàu có về văn hoá nhưng cũng là cửa khẩu thông thương, việc phát triển về kinh tế cũng rất mạnh mẽ. Vậy không thể không có những tác động tiêu cực từ phát triển kinh tế sang văn hoá, nói cách khác mặt trái của phát triển ở đây là gì thưa ông?

- Đó là chủ trương xây dựng đến 17 nhà máy thuỷ điện ở Sa Pa do Bộ Công Thương phê duyệt. Làm như thế thì tàn phá môi trường Sa Pa mất, như Bản Dền giờ đây du khách giảm 2/3 vì xây dựng nhà máy thuỷ điện. Đành rằng xây dựng nhà máy thuỷ điện thì siêu lãi nhưng làm thuỷ điện là phải làm đường, phá rừng, phá vỡ cảnh quan, người dân mất đất canh tác ven suối và lâu dài cạn kiệt nguồn nước.

Đó là sự phát triển không bền vững. Ở các đô thị lớn, đáng ra các địa điểm đẹp nhất phải dành cho các công trình văn hoá, ở đây tỉnh miền núi không có nhà văn hoá, không sân vận động… vì thế phải cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hoá.

Còn mặt trái của du lịch, phá vỡ cảnh quan, ô nhiễm môi trường, những tệ nạn ăn xin, chèo kéo mời khách… - Sở VH-TT và DL tỉnh đã giải quyết như thế nào?

- Chúng tôi đề ra 4 yêu cầu: Người dân phải có nhu cầu, tiềm năng du lịch. Doanh nghiệp phải đưa được khách đến. Vai trò của nhà tư vấn. Nhà nước quản lý. Như ở Tả Van có một hiệp hội du lịch thống nhất về giá cả, các tour, không để hướng dẫn viên thu riêng.

Việc chèo kéo khách du lịch không nên trách người dân khi du khách đến Tả Phìn mua thổ cẩm nhưng hướng dẫn viên ngăn lại đưa khách về thị trấn mua để có tiền phần trăm. Việc tổ chức điểm bán vé ở Tả Phìn, số tiền đó sau cũng dành để tu sửa đường sá, là người dân gián tiếp hưởng lợi. Phát triển du lịch phải hài hoà với lợi ích của người dân.

Việc giá cả các khách sạn tăng lên vào dịp ngày lễ Tết khó quản lý vì chưa có cây gậy xử phạt, có lẽ phải học Trung Quốc là ấn định giá. Hiện nay chúng tôi đang soạn chính sách riêng về du lịch cho tỉnh, làm sao để hưởng lợi cả cộng đồng.

Theo ông, việc quảng bá du lịch ở Lào Cai đã tốt chưa?

- Chúng tôi đã lập ra trung tâm du lịch tỉnh, 1 điểm ở Sa Pa, 1 điểm ở Bắc Hà (nhà Hoàng A Tưởng) và 1 điểm ở nhà ga (điểm này chưa hiệu quả). Các điểm tư vấn du lịch đều không lấy tiền tư vấn,và đáp ứng mua tour cho khách sang cả Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, TQ.

Trên mạng cũng có trang web cả tiếng Anh, tiếng Pháp quảng bá du lịch Lào Cai. Nhưng nếu nói là thật tốt hoàn toàn thì chưa. Tiến tới phải đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm những điểm dừng chân cho du khách như điểm ngắm ruộng bậc thang đẹp nhất...

Năm 2010, Đại lễ 1000 năm Thăng Long, văn hoá Lào Cai có những hoạt động lớn gì hưởng ứng, thưa ông?

- Đó là việc cắm cờ trên đỉnh Phan Xi Păng, đưa biểu tượng 1000 năm Thăng Long lên trên đó. Sự kiện này Sở phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức, chúng tôi xây dựng kịch bản đón khách, tiễn khách. Như mô tả cổng chào đón khách theo kiểu dân tộc Mông, buộc chỉ cổ tay cho khách theo kiểu người Dao…
 
Đầu năm thì Festival Đền Thượng năm nay cũng có nhiều nét mới và đặc sắc. Và còn nhiều sự kiện bất ngờ nữa, tất cả để Lào Cai hoà nhập chung với cả nước trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Việt Văn (thực hiện)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2265 khách Trực tuyến

Quảng cáo