Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Đối thoại Từ vỡ đập thủy điện Lào nghĩ tới an toàn của 7.000 hồ chứa tại Việt Nam

Từ vỡ đập thủy điện Lào nghĩ tới an toàn của 7.000 hồ chứa tại Việt Nam

Viết email In

Từ thảm họa vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy ở Lào đêm 23/7 vừa qua, TBKTSG Online đã trao đổi với TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu – nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, xoay quanh câu chuyện an toàn hồ đập của Việt Nam.  

TBKTSG Online: Trước hết, xin ông cho biết tình hình xây dựng các đập thủy điện và thủy lợi trên sông Mekong cũng như ở Việt Nam hiện nay ra sao?

TS Đào Trọng Tứ (ảnh bên): - Sông Mekong chảy qua 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, có tiềm năng thủy điện khá lớn. Các quốc gia trong lưu vực đã và đang thúc đẩy mạnh việc xây dựng hàng trăm thủy điện với quy mô khác nhau trên các dòng chính và các dòng nhánh của sông Mekong. 

Mỗi hồ chứa thủy điện có dung tích từ 1 tỉ m3 đến hàng chục tỉ m3 nước là khá nhiều. Thí dụ sông Lang Thương trên dòng chính sông Mekong ở Trung Quốc dự kiến đến năm 2030 sẽ có 15 thủy điện lớn (hiện đã xây dựng được 7) với tổng dung tích các hồ chứa đến 52,8 tỉ m3. Sông Mekong chảy qua Lào có 3 hồ chứa với dung tích trên 1 tỉ m3, trong đó có thủy điện Xe Pian Xe Namnoy.

Ở Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên các sông suối trong và ngoài lưu vực sông Mekong, chúng ta đang có đến 6.648 hồ chứa thủy lợi, 238 hồ thủy điện với dung tích từ hàng vạn đến hàng tỉ mét khối mỗi hồ, trong đó có gần 20 hồ có dung tích trên 1 tỉ mét khối, phần lớn là các hồ thủy điện và hồ chứa đa mục tiêu. Trong đó, có đến 1.200 hồ, chủ yếu là các hồ chứa nhỏ có dung tích dưới 3 triệu mét khối, đang trong tình trạng xuống cấp, do xây dựng từ khá lâu và do một số yếu tố khác.

Vậy có thể cảnh báo gì cho hệ thống hồ đập này từ bài học vỡ đập Xe Pian Xe Namnoy?

- Đập Xe Pian Xe Namnoy là công trình mới, được đầu tư khá bài bản, được xây dựng và giám sát bởi các công ty lớn của Hàn Quốc, Thái Lan, có cả tư vấn tài chính của Úc, Newzeland mà vẫn bị vỡ.

Với Việt Nam, mặc dù khi xây dựng, vận hành, bảo dưỡng các hồ đập thủy lợi, thủy điện, chúng ta đã có những tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chế vận hành theo tiêu chuẩn bảo đảm tuyệt đối cho các công trình này. Nhưng, thực tế vẫn cần đưa ra cảnh báo.

Thứ nhất là hệ thống hồ đập thủy lợi, thủy điện cần được giám sát chặt chẽ và liên tục về an toàn đập để có thể có xử lý kịp thời các tình huống xấu, không để xảy ra sự cố. Đồng thời, khi kiểm tra phát hiện khả năng xảy ra sự cố mà không thể khắc phục hoặc có độ rủi ro cao, thì nên cho phép cơ quan, tổ chức hoặc người quản lý đập đưa ra cảnh báo kịp thời cho các khu vực hạ lưu để thực hiện phương án sơ tán người, tài sản, tránh tình huống xấu nhất.

Thứ hai, cần xây dựng kịch bản vỡ đập cho những hồ chứa có dân cư sinh sống ở hạ lưu để có phương án chủ động ứng phó hiệu quả nhất, như cảnh báo kịp thời, tổ chức phương án di dân. Thực tế, chúng ta chưa có nhiều kịch bản cho các hệ thống hồ chứa để có thể chủ động ứng phó tốt nhất nhằm giảm thiểu mất mát sinh mạng và tài sản con người, đặc biệt là khi xảy ra những tình huống bất khả kháng, như vụ vỡ đập ở Lào vừa rồi. 


Vỡ đập thủy điện Ea Krel 2, Gia Lai năm 2013. Ảnh: TL 

Kịch bản phòng ngừa vỡ đập của Việt Nam thực tế ra sao?

- Theo Bộ NN & PTNT, chúng ta đã có kịch bản phòng ngừa, nhưng chưa hoàn thiện. Cụ thể, với các hồ chứa có đập cao trên 15 mét, dung tích mỗi hồ lớn hơn 3 triệu m3 thì 100% đã đăng ký an toàn đập, 35,2% có quy trình vận hành hồ, 80% có quan trắc đập, 48% có kiểm định an toàn, và 100% xây dựng phương án bảo vệ đập.

Hiện nay, gần 7.000 hồ chứa thủy lợi và thủy điện với quy mô từ hàng ngàn đến hàng tỉ mét khối nước đang trong mùa mưa lũ. Việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa đã được các cơ quản lý của Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên, từ các con số thống kê trên, chúng ta chưa thể an tâm với vấn đề an toàn đập của Việt Nam.

Về lâu dài, theo ông, cần làm gì để giảm việc xây dựng thủy điện ồ ạt như lâu nay?

- Trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây, với việc xây dựng ồ ạt các nhà máy thủy điện trên tất cả các lưu vực sông ở những vị trí có thể khai thác được, chúng ta đã khai thác gần hết (trên 85%) tiềm năng thủy điện của quốc gia, đặc biệt là các công trình thủy điện lớn trên 100 MW.

Chúng ta còn rất ít vị trí để xây đập thủy điện lớn. Tuy nhiên, tiềm năng thủy điện nhỏ là còn và hiện nay có rất nhiều thủy điện nhỏ đang được các nhà chức trách địa phương cho phép các nhà đầu tư tư nhân xây dựng.

Dường như kênh đầu tư này vẫn rất hấp dẫn mặc dù đã có chính sách hạn chế và tạm dừng xây dựng để bảo vệ môi trường, sinh thái của các dòng sông. 

Quốc hội khóa 13 đã có Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo đó, thì việc rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện theo nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ triển khai nghiêm túc, đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

Về bài toán thay thế nhu cầu phát triển thủy điện, nói đúng ra là tìm nguồn năng lượng bổ sung cho nhu cầu điện ngày càng tăng hiện nay, thì đã có nhiều thông tin lạc quan về tính khả thi kinh tế cho khả năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo từ năng lượng gió, mặt trời, sóng biển, địa nhiệt, sinh khối…

Theo tôi, Việt Nam đang có những bước tiến trong chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng trong những thập kỷ sắp tới. Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa chiến lược thay thế này. 

Thủy điện Xe Pian Xe Namnoy là một trong những công trình thủy điện lớn trên sông Sekong - một dòng nhánh lớn của sông Mekong, bắt nguồn từ vùng núi Thừa Thiên - Huế của Việt Nam, chảy qua Lào và Campuchia.

Nhà máy có công suất lắp máy 410 MW, hồ chứa có dung tích đến 1,034 tỉ m3, đập cao 73 mét (theo thế giới và cả Việt Nam, đập cao trên 15 mét là đập lớn), chiều dài đập 1.600 mét. Thủy điện Xe Pian Xe Namnoy có tổng vốn đầu tư khoảng 1,02 tỉ đô la Mỹ, là liên doanh của 4 nhà đầu tư, gồm 2 nhà đầu tư từ Hàn Quốc, 1 từ Thái Lan và 1 của Lào.

Thủy điện được khởi công xây dựng vào tháng 2/2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. 

Huỳnh Kim thực hiện 

(TBKTSG Online) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2201 khách Trực tuyến

Quảng cáo