Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Đối thoại Xây dựng đặc khu kinh tế: Tránh chạy trước chính sách để trục lợi

Xây dựng đặc khu kinh tế: Tránh chạy trước chính sách để trục lợi

Viết email In

Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục thảo luận về Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Đây được đánh giá là một bước tiến đột phá nhằm tạo ra sân chơi mới với cơ chế vượt trội, thu hút đầu tư, cạnh tranh với nước ngoài... 

Trong Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, ba đặc khu dự kiến thông qua tại Việt Nam gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Mỗi đặc khu sẽ khai thác lợi thế riêng. 

Bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 22/5, tại Hà Nội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã trao đổi với phóng viên về các vấn đề xung quanh việc xây dựng các đặc khu kinh tế.  


Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi.
(Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) 

Trao quyền tự chủ vượt trội

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế của Chính phủ?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: - Đặc khu kinh tế mà Chính phủ đang trình và Quốc hội sẽ bàn đại điện cho 3 miền. Xây dựng đặc khu kinh tế là chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và của Quốc hội. Chúng ta muốn xây dựng những đặc khu kinh tế để tạo ra động lực phát triển, thúc đẩy nền kinh tế xã hội. 

Chúng ta thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt của 3 khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) chính là cơ chế chính sách tạo ra động lực phát triển cho đất nước. Đây chính là những nơi thực nghiệm những chính sách, những cơ chế vượt trội. Khi tổng kết đánh giá mà đó hiệu quả thì đây sẽ trở thành căn cứ để vận dụng các cơ chế chính sách phát triển nền kinh tế của đất nước. Tôi nghĩ đó là điều hết sức quan trọng.

Thưa ông, có không ít ý kiến lo ngại về việc trao quyền tự chủ cho các đặc khu kinh tế, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đã gọi là đặc khu kinh tế đặc biệt thì phải có vượt trội, phải có quyền tự chủ thực nghiệm những chính sách mà pháp luật chưa quy định nhưng không được trái với Hiến pháp.

Nhiều người lo lắng rằng giao quyền cho người đứng đầu, địa phương rất lớn thì sợ vượt quá thẩm quyền, vì vậy chúng ta phải có chế tài, quy định để quản lý cho chặt, phải gắn quyền với trách nhiệm. Quyền cao hơn thì trách nhiệm phải lớn hơn.

Nếu chưa làm mà sợ thì làm sao chúng ta phát triển đất nước được. Tôi hy vọng Quốc hội lần này xem xét và hoàn thiện để chúng ta có thể xây dựng đặc khu kinh tế, tạo động lực phát triển cho đất nước. Đây cũng là mong muốn của các địa phương. 

Tránh chạy trước chính sách để trục lợi

Lộ trình thông qua ba đặc khu kinh tế đã khiến cho giá đất tại những khu vực này tăng chóng mặt, Chính phủ phải vào cuộc để kiểm soát tình trạng này, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

- Tất cả những vấn đề này đều là quy luật kinh tế. Khi đang chuẩn bị phát triển thì sẽ có người tìm cách đầu tư kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải quản lý cho chặt và thực hiện chính sách cho đúng. Phải đầu tư theo đúng chính sách, đừng để một số đối tượng lợi dụng chính sách, chạy trước chính sách tạo ra lợi ích nhóm và phải phản đối, xử lý nghiêm.

Còn khi chúng ta đã hình thành đặc khu kinh tế thì có các nhà đầu tư đến thúc đẩy phát triển là điều rất đáng mừng, nhưng rõ ràng phải tránh đầu tư trục lợi và lợi ích nhóm. Khi mới bắt đầu hình thành thì những vấn đề liên quan đến đất đai, chính sách chúng ta phải xem xét hết sức cẩn thận. Khi chưa có luật mà tranh thủ đầu tư chính là dấu hiệu trục lợi.

Theo Đề án thành lập đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nguồn vốn huy động để xây dựng 3 đặc khu lên tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng, ba đặc khu tương lai cũng sẽ có nhiều ưu đãi cả về mặt thể chế lẫn thuế, điều kiện kinh doanh, vậy thì việc thu hồi nguồn vốn đầu tư trở lại ngân sách nhà nước sẽ lấy từ đâu thưa ông?

- Thực ra đầu tư vào các đặc khu kinh tế không phải hoàn toàn là nguồn ngân sách Nhà nước. Nhà nước chỉ là mồi, là động lực và dứt khoát nguồn ngân sách Nhà nước bỏ ra phải thu hồi lại được.

Quan trọng là Nhà nước phải kêu gọi được các nhà đầu tư, khi các nhà đầu tư hoàn thành nghĩa vụ thì trong quá trình đầu tư phát triển sẽ đóng góp ngân sách cho Nhà nước, đó là nguồn để thu lại ngân sách. Đừng nghĩ toàn bộ đầu tư vào các đặc khu là tiền ngân sách. Quan trọng là chúng ta tạo cơ chế, động lực, sức hút để các nhà đầu tư vào thúc đẩy kinh tế xã hội.

Khi ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các đặc khu kinh tế, chúng ta đã tính đến phương án các các doanh nghiệp này tận hưởng tối đa ưu đãi nhưng cố tình báo lỗ để tránh phải nộp thuế không thưa ông?

- Trách nhiệm của các nhà quản lý là phải đừng để bị lợi dụng. Trách nhiệm thẩm định không đúng là của cơ quan quản lý. Tất cả các dự án đầu tư phải có thẩm định, đánh giá tác động, xem xét hiệu quả trước khi phê duyệt đầu tư.

Theo ông thì cần phải tính đến những vấn đề xã hội sẽ phát sinh khi phát triển các vùng đặc khu kinh tế như thế nào?

- Không chỉ ở các đặc khu kinh tế mà phát triển kinh tế xã hội ở các thành phố lớn bao giờ cũng phát sinh những vấn đề xã hội như: Mại dâm, ma tuý… có thể diễn ra. Vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng phải đi trước đón đầu, phải có các chính sách, cơ chế để hạn chế các tệ nạn xã hội phát sinh.

Nguyên tắc của phát triển kinh tế bao giờ cũng kèm theo hình bóng của vấn đề xã hội. Quan trọng là phát triển kinh tế đừng để cho các vấn đề xã hội lấn át, không phải vì phát triển kinh tế mà bỏ quacác vấn đề xã hội, đấy là vấn đề cần quan tâm. Khi chúng ta mở các dịch vụ sòng bạc, vui chơi có thưởng... có thể sẽ dẫn đến vấn đề xã hội khác thì chúng ta phải quản lý xã hội cho chặt chẽ. Đây là những vấn đề trong kinh nghiệm quản lý hoàn toàn biết trước nên chúng ta phải tìm giải pháp khắc phục.

Mặc khác, đã là đặc khu trọng điểm thì dứt khoát nhiều chính sách an sinh xã hội vượt trội và phải làm sao để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhà đầu tư có nguồn lực, sức mạnh để thúc đẩy đặc khu lên. 

PV Vietnam+ 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2020 khách Trực tuyến

Quảng cáo