Tìm đến kinh đô Anuradhapura thời cổ đại

Thứ hai, 24 Tháng 2 2014 00:23 SGTT
In

Thành phố Anuradhapura – Sri Lanka chỉ giữ lại cho mình những bức tường thành đổ nát với rêu phong phủ kín, hay những hào nước đầy rong rêu bám trên mặt... Những vết tích của kinh đô Phật giáo một thời đã đổ nát theo dòng thời gian. Các khối đá hình bán nguyệt được đặt lối vào chính điện ở các ngôi đền thờ Phật giáo có ý nghĩa lớn trong đời sống tâm linh của người dân.


Ngọn Stupa vĩ đại – Jetavanaramaya cao 122m được xây dựng vào năm 301 sau CN luôn được ví như kim tự tháp ở Ai Cập.

Tối hôm qua, cô tiếp tân nhà nghỉ Milano thật tốt khi biếu cho tôi một đĩa cơm trắng không trộn với càri. Hôm nay, cô lại giúp tôi gọi tuk tuk với giá cả phải chăng đưa tôi vào khu khảo cổ học Anuradhapura để tìm hiểu thêm về kinh đô Phật giáo vàng son trong thời cổ đại.

Khu khảo cổ học Anuradhapura

Những cơn gió nhẹ len qua xe mang đến một chút lành lạnh khi chiều xuống. Thành phố Anuradhapura ngày nay được chia làm hai phần: cũ và mới. Khu phố mới là những toà nhà được xây cất sau này, khu phố cũ là nơi còn cất giữ những gì thuộc về vết tích các vương triều cổ để lại. Tôi đang nghĩ ngợi về thành phố Anuradhapura qua những tài liệu đã đọc trước đó. Sử thi Mahavamsa ghi nhận, thành phố Anuradhapura do vua Pandukabhaya xây dựng trên diện tích khoảng 1km2 vào năm 500 – 250 trước CN. Lúc bấy giờ, Anuradhapura là một trong những thành phố lớn và sầm uất thương mại của châu Á. Tôi đang có câu hỏi lờn vờn trong đầu và đang tự tìm cách trả lời: tại sao các vương triều của người Sri Lanka cứ Nam tiến dần qua các thời kỳ. Dòng suy nghĩ bị cắt đứt khi xe đã đến cổng khu khảo cổ học.

Anuradhapura chỉ giữ lại cho mình những bức tường thành đổ nát rêu phong, hay những hào nước đầy rong rêu, những vết tích của kinh đô Phật giáo một thời đã đổ nát… Chỉ còn lại ngôi Stupa vĩ đại – Jetavanaramaya cao 122m được xây dựng bởi vua Maghavanna I vào năm 301 sau CN hiên ngang thách thức cùng thời gian. Trên thân “Ngài” cũng đầy màu xanh rêu phong nhưng vẫn còn những nét điêu khắc sắc sảo về các linh vật trong Hindu giáo dưới chân “Ngài”. Người ta cứ so sánh “Ngài” với những kim tự tháp ở Ai Cập về sự bền bỉ cùng với thời gian.

Một vài cây cột hay tượng Phật đã rêu phong nằm chỏng chơ trên những ngọn đồi và bao quanh lấy nó là một khu rừng dày tịch mịch. Nhìn những cảnh vật đó, có lẽ tôi sẽ giữ kỷ niệm đẹp nhất của tôi với Anuradhapura đó là một kinh đô lâu dài và bền nhất của lịch sử châu Á trong thời cổ đại, đồng thời nó cũng là kinh đô Phật giáo đầu tiên của đất nước Sri Lanka.

Lang thang qua những con đồi xanh mướt cỏ phủ, tôi cũng mường tưởng ra được nơi đây từng là kinh đô Phật giáo vàng son như thế nào. Kia là những dãy nhà dành cho những vị thầy tu, kia là dãy đền thờ Phật giáo bên tả bên hữu, nọ là đền thờ trung tâm, đó là hồ nước để phục vụ tắm rửa… Bắt đầu từ thành phố Polonnaruwa đến Anuradhapura, tôi chú ý nhiều hơn đến những tảng đá hình bán nguyệt với những nét điêu khắc tuyệt đẹp, tỉ mỉ trên đó.


"Moon stone" luôn đặt trước lối vào chính điện thờ.

Ý nghĩa của “Moon stone”

Theo ngôn ngữ của người Sinhala, các “moon stone – đá hình bán nguyệt” được gọi là Sandakada Pahana, và chỉ bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn cuối của những vương triều Anuradhapura. Các “moon stone” chỉ được đặt ở các lối đi vào những ngôi đền thờ Phật. Một nửa hoa sen được điêu khắc ở giữa tảng đá hình bán nguyệt đó, kế bên hoa sen là những vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn thứ nhất nằm ngoài cùng điêu khắc những con thiên nga bay trong tư thế diễu hành. Vòng tròn thứ hai tiếp theo khắc những chiếc lá mà người ta gọi là liyavel (không thấy tài liệu nào nói lá cây này tên gì). Vòng tròn thứ ba khắc bốn loại động vật đang trong tư thế diễu hành: voi, sư tử, ngựa và bò. Vòng tròn thứ tư cũng là vòng tròn cuối cùng kế bên các hoa sen khắc các ngọn lửa.

Thấy một anh hướng dẫn viên đang giải thích cho đoàn khách Tây về ý nghĩa các “moon stone”. Tôi mon men đến nghe lén câu chuyện của họ.


Cận cảnh họa tiết trên "Moon stone".

Có nhiều cách để giải thích về ý nghĩa tôn giáo của “moon stone”, nhưng các “moon stone” là biểu tượng của ý nghĩa về “tôn giáo” và có lẽ cách giải thích của nhà sử học Senarath Paranavithana (1896 – 1972) là hợp lý nhất. Hình dáng của “moon stone” mang ý nghĩa là vòng tròn Samsara trong kinh Phật. Vòng tròn Samsara được hiểu là vòng tròn nói về cuộc đời của con người qua các giai đoạn: sinh, lão, bệnh và tử. Các lá liyavel trong kinh Phật có nghĩa là sự bình thản trong tâm hồn hay “không là có, có là không”. Hoa sen với ý nghĩa khi con người đạt đến trình độ “cảnh giới” cao thì sẽ lên cõi Niết bàn. Nó được đặt giữa trung tâm “moon stone” còn có ý nghĩa “Phật tại tâm”. Các con vật voi, bò, sư tử và ngựa tượng trưng các yếu tố: sinh, lão, bệnh và tử. Thiên nga tượng trưng cho sự tương phản giữa “thiện” và “ác”. Các đốm lửa tượng trưng cho các biến động của xã hội và “lửa trong tâm của con người”.

Tôi hỏi anh lái xe tuk tuk trên đường quay trở lại nhà nghỉ, “moon stone” đã ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống tâm linh của anh. Nụ cười hiền hậu lại nở trên môi anh: “Ảnh hưởng văn hoá Phật giáo lâu đời nên vòng tròn Samsara rất quan trọng trong cuộc sống của tôi. Để nói tầm ảnh hưởng của nó thì tôi không biết giải thích thế nào…”

Chính Ly (SGTT)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: