Phó Thủ tướng CP Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP Hà Nội về vấn đề giao thông

Thứ ba, 21 Tháng 2 2012 08:38 Lao Động
In

Ngày 20/2, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) - đã có buổi làm việc về thực hiện Năm ATGT 2012 ở TP Hà Nội.

Phó Thủ tướng đánh giá những biện pháp TP.Hà Nội gần đây là quyết liệt, quyết tâm cao, nhưng cần thực hiện kiên trì trong thời gian dài.

Đổi giờ: Có hiệu quả vào buổi sáng

Tham dự buổi họp còn có các đại diện của các bộ, ban ngành liên quan và Uỷ ban ATGTQG. Các đại diện cho các cơ quan ban ngành đều nhận định việc đổi giờ đem lại hiệu quả bước đầu, đặc biệt là vào buổi sáng. Nhưng vào buổi chiều vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu tâm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: “Đổi giờ làm không phải để người dân không ra đường nữa mà nhằm dãn cách thời gian lưu thông. Hiện tại đã có kết quả bước đầu. Nhưng để có cơ sở khoa học, Sở GTVT đang phối hợp với Viện Chiến lược GTVT để đếm xe ở các nút giao thông nhằm so sánh với thời điểm trước khi đổi giờ. Qua đó có biện pháp điều chỉnh thích hợp”. Theo Sở GTVT Hà Nội, thời điểm sau tết năm nay số lượt xe buýt vận hành tăng hơn mọi năm. Cụ thể, qua hơn nửa tháng đổi giờ làm lượt xe buýt tăng được 700 - 800 lượt/ngày, doanh thu bán vé ngày cũng tăng.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG  cho rằng sau khi đổi giờ tình hình buổi sáng có khả quan, nhưng buổi chiều vẫn còn một số điểm ùn tắc, đặc biệt là trước các cổng trường. Ông Hiệp cũng chỉ ra hơn 2.150 điểm giao cắt giao thông, nhưng Hà Nội mới có gần 200 điểm có đèn tín hiệu. Vì vậy cần tính toán điều chỉnh để cơ bản các điểm nút giao cắt đều có đèn tín hiệu.

Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - cho rằng trong điều kiện hạ tầng giao thông của Hà Nội hiện nay cần thực hiện “khôn khéo” các giải pháp giao thông. Như trước nay các điểm trường phổ thông đều ùn tắc, các trường học cần bố trí điểm cho phụ huynh đón con em trong sân trường. Hoặc qua ý kiến dư luận trong thời gian điều chỉnh giờ làm, giờ học vừa qua TP đã điều chỉnh giờ tan học của học sinh THPT sang 18h.

Hà Nội cần xây dựng ngay điểm đỗ xe

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội đã thực hiện quyết tâm cao trong việc không cho đỗ xe ở 262 tuyến phố. Tuy nhiên, TP cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tĩnh.

Ông Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc CA TP.Hà Nội - cho biết, sau khi triển khai kế hoạch trên, đã giải quyết được 2/3 tuyến phố. Tuy nhiên, theo ông Nhanh, các UBND quận, phường cũng phải vào cuộc chứ không thể trông chờ vào lực lượng CA và GTVT. Giám đốc CA TP.Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GTVT tham mưu, đề xuất bổ sung thêm chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng hơn.

“Mức phạt như hiện nay quá thấp, không đủ sức răn đe. Không đội mũ bảo hiểm chỉ bị phạt 150.000đ thì chưa giải quyết vấn đề gì” - ông Nhanh nói. Ông Nhanh cũng cho rằng đây chính là cách để nâng cao ý thức của người chấp hành giao thông. “Ý thức phải xuất phát từ luật pháp, từ việc chấp hành luật pháp. Do vậy phải nhanh chóng sửa Nghị định 34, trong đó những điều nào liên quan đến ùn tắc, tai nạn thì phải tăng mức xử phạt” - ông Nhanh đề xuất.

Ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng: “Xây dựng điểm đỗ xe cần cải tiến các thủ tục, thủ tục hiện nay lâu quá. Vì vậy, cần thiết ai đầu tư cho làm ngay để tạo ra sự đột biến, chứ theo trình tự sẽ rất lâu, vừa làm vừa lo thủ tục để tạo ra sự đột phá”.

Còn việc thu hồi giấy phép trông giữ xe trên 262 tuyến phố của Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cái được là nhiều hơn. “Nếu vỉa hè được thông thoáng, lòng đường trả lại cho người tham gia giao thông thì việc hy sinh lợi ích của thiểu số người có ôtô cũng chả đáng là bao so với việc 7 triệu dân Hà Nội được đi lại thông thoáng” - Bộ trưởng nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Hà Nội cần quy hoạch đầu tư xây dựng mới, đảm bảo diện tích đỗ xe theo quy hoạch, khai thác triệt để các diện tích công cộng có thể bố trí điểm đỗ xe và đặc biệt là sử dụng các bãi đỗ xe hiện có một cách có hiệu quả hơn”.

Đặc biệt, về các chỉ tiêu cơ bản giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần tăng hơn nữa các chỉ tiêu cơ bản, cụ thể là giảm 20% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương, giảm tối thiểu 30% số vụ ùn tắc giao thông, xóa 70% điểm đen về tai nạn giao thông...; xử lý kiên quyết các trường hợp đua xe trái phép, xây dựng nhiều điểm giao thông tĩnh hơn nữa, dứt khoát không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hè phố, lòng đường...

Tranh luận về phí phương tiện

Tại cuộc họp, bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính - phân tích: “Theo pháp lệnh phí lệ phí, phí là một khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ”. Như vậy, trong sử dụng đường bộ, người dân đã đóng phí sử dụng đường bộ. Nếu, giờ thêm phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành phương tiện nên cân nhắc, vì có thể gây trùng lắp, chồng chéo nhau. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT lập luận: “Vấn đề này có trong nghị quyết của Quốc hội từ lâu, bây giờ không bàn là có thu hay không thu. Phí lưu hành phương tiện cá nhân là để có tiền đầu tư, còn quỹ bảo trì đường bộ chỉ để sửa chữa đường”.

Vinh Hải -  Quang Hiệu


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: