Dành 68% diện tích đất xây dựng vành đai xanh cho Thủ đô

Thứ tư, 03 Tháng 3 2010 17:40 Chinhphu.VN
In

Đồ án “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” dự kiến xây dựng hệ thống vành đai xanh, chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên, có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

Đồ án cơ bản bám sát yêu cầu của nhiệm vụ Quy hoạch chung

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2010, hôm nay (3/3), các thành viên Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về Đồ án “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố xanh – văn hiến – văn minh - hiện đại”.

Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng: Phát triển không gian Thủ đô Hà Nội được đặt trong mối quan hệ Vùng Thủ đô Hà Nội với quan hệ tương hỗ hai chiều. Trong đó Thủ đô Hà Nội tác động đến Vùng và ngược lại.

Đồ án cơ bản bám sát các yêu cầu của nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1878/QĐ-TTg ngày 22/12/2009, phù hợp với những định hướng lớn của Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 5/5/2008).

Hà Nội là đầu tàu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy toàn Vùng phát triển thông qua sự mở rộng, lan toả các hoạt động kinh tế, đô thị hóa ra các tỉnh xung quanh Thủ đô. Thủ đô Hà Nội liên kết phát triển, hợp tác khai thác các công trình hạ tầng kĩ thuật đầu mối mang tính liên vùng, phát triển các trung tâm thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục lớn, chuyên sâu và chất lượng cao để giải quyết sự quá tải trong khu vực nội đô và phục vụ cho cả Vùng Thủ đô.

Xây dựng vành đai xanh cho Thủ đô

Đồ án dự kiến xây dựng hệ thống vành đai xanh, chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên, có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng như hệ thống sông hồ, vùng núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn; bảo vệ vùng nông thôn, nông nghiệp năng suất cao, các làng xóm, làng nghề truyền thống, các di tích văn hoá và kiểm soát lũ lụt. Hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ nhằm phân tích kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh.

Vành đai xanh sông Nhuệ tạo vùng đệm cách biệt giữa đô thị lõi lịch sử với phần mở rộng mới của đô thị hạt nhân trên tuyến vành đai IV kiểm soát phát triển lan tỏa tự phát. Trong vành đai xanh sông Nhuệ tiến tới không phát triển dân cư đô thị, chỉ có các làng xóm bảo tồn và công trình công cộng sinh thái cây xanh và mặt nước.

Về mạng lưới không gian xanh, đất cây xanh trong đô thị sẽ được tăng từ 2-3 m2/người lên 10-15m2/người, cải thiện môi trường sống của đô thị. Khai thác bảo vệ cảnh quan các hệ thống cây xanh tự nhiên tại các khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích và hệ thống sông hồ, kết nối với các công viên đô thị và công chuyên đề như: Công viên Lịch sử Cổ Loa, Đền Sóc; công viên văn hóa gắn với trung tâm các khu đô thị, khu làng nghề trồng hoa, gốm sứ...; Công viên vui chơi giải trí Hồ Tây, Vườn thú, Công viên Thống Nhất, Yên Sở, Mễ Trì…; các công viên thể thao, phục vụ các hoạt động thể thao (Khu liên hợp Thể thao quốc gia, trung tâm thể thao…).

Tiếp tục hoàn thiện Đồ án

Các thành viên Chính phủ đề nghị cần xem xét kỹ sự phát triển của các đô thị trong Vùng Hà Nội và gần Vùng Hà Nội, tính toán thêm về qui mô dân số, quy hoạch sử dụng đất của các đô thị vệ tinh. Gắn kết  những việc cần làm ngay và tầm nhìn lâu dài về các vấn đề như: Hệ thống giao thông đô thị; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị; giải quyết các vấn đề quá tải về dịch vụ y tế, giáo dục khu vực nội đô; bảo tồn và tôn tạo các khu phố cổ, phố cũ và các di sản và di tích khác, khai thác nguồn tài nguyên sông, hồ cho phát triển đô thị, kiểm soát việc thoát nước và lũ lụt…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP. Hà Nội tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, Hội đồng Thẩm định Nhà nước, Tư vấn phản biện, các hội nghề nghiệp và của các tầng lớp nhân dân… để bổ sung, hoàn chỉnh Đồ án trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo … phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong quá trình triển khai, hoàn chỉnh Đồ án; chỉ đạo cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ các số liệu, tài liệu liên quan và phối hợp với Tư vấn để tiếp thu, hoàn thiện Đồ án.

UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng để xin ý kiến HĐND TP, tổ chức triển lãm, lấy ý kiến nhân dân và các hội nghề nghiệp; lập quy chế quản lý quy hoạch, lập kế hoạch triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và phù hợp với quy hoạch này; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với tư vấn trong quá trình tiếp thu, hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch chung.

Việt Đông - Nhật Bắc

>> Trang đóng góp ý kiến cho Đồ án


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: