Các đô thị ASEAN nên hợp tác với các đô thị Nhật Bản

Chủ nhật, 09 Tháng 6 2019 05:49 Báo Xây dựng
In

Trong thời gian diễn ra hội nghị chuyên đề Hợp tác ASEAN – Nhật Bản vì sự thịnh vượng, 2 chuyên gia đến từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Cơ quan phục hưng đô thị Nhật Bản (URA) đã chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh tại “đất nước mặt trời mọc”.

Đô thị là động lực cơ bản phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 4/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề Hợp tác ASEAN – Nhật Bản vì sự thịnh vượng, bao gồm khai mạc triển lãm ảnh kỷ niệm quan hệ ASEAN – Nhật Bản và 4 phiên thảo luận chuyên đề diễn ra song song.


Thứ trưởng Lê Quang Hùng phát biểu khai mạc phiên thảo luận “Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã tham dự phiên thảo luận “Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp”. Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đánh giá, phát triển đô thị là động lực cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trong khu vực ASEAN và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung.

Tính đến tháng 3/2019, Việt Nam đã có 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 38,6%, trung bình mỗi năm có thêm hơn 1 triệu cư dân đô thị. Đô thị đã và đang giữ vai trò của trung tâm sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học, sản xuất thương mại và hội nhập quốc tế.

Nhưng bên cạnh vai trò và các lợi ích mà đô thị mang lại, quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, sinh ra nhiều hệ lụy như sự mất cân bằng trong gia tăng dân số đô thị, vượt qua khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu việc quản lý và phát triển đô thị phải tiếp xúc theo xu hướng mới. Đứng trước tình hình này, các nước ASEAN đã hình thành mạng lưới đô thị thông minh ASEAN với 26 thành phố thành viên vào tháng 7/2018 nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa các nước thành viên trong khu vực và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác khác.

Việt Nam có 3 thành phố tham gia mạng lưới là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận định, Nhật Bản đang có hơn 744 đô thị với 13 đô thị có dân số hơn 1 triệu dân, tỷ lệ đô thị hóa hơn 90%, mật độ dân số đô thị cũng khá lớn. Việc sớm áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ vào quá trình xây dựng và quản lý đô thị đã giúp Nhật Bản đảm bảo các điều kiện sống tốt cho người dân, dù có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Đây là kinh nghiệm quý báu cho các nước ASEAN học tập.


Phiên thảo luận “Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp” thu hút sự tham gia của rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đô thị ở ASEAN.

Vì sao mạng lưới đô thị thông minh ASEAN nên hợp tác với các thành phố Nhật Bản?

Trong thời gian diễn ra phiên thảo luận “Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp”, GS.TS Yasukata Fukahori - Vụ trưởng Hợp tác khu vực đến từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh ở Kitakyushu.

Theo lời của ông Fukahori, TP Kitakyushu từng bị ô nhiễm nặng vào những năm 1970 và nghiêm trọng hơn nhiều tình trạng ô nhiễm hiện tại của Hà Nội. Đáng chú ý, TP Kitakyushu đã giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, nhưng vẫn duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao.

Hiện tại, Kitakyushu là thành phố sinh thái lớn nhất Nhật Bản và cũng là thành phố sạch phát triển nhanh nhất châu Á theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Chính vì vậy, Kitakyushu xứng đáng trở thành một đối tác tốt để chia sẻ kinh nghiệm cho hệ thống đô thị thông minh ASEAN. Nhưng chính quyền và người dân TP Kitakyushu đã làm gì để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và xây dựng một thành phố thông minh như ngày nay?

GS.TS Yasukata Fukahori cho biết, bí quyết của Kitakyushu là luật pháp, kỹ thuật, sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và các học giả. Trong đó, ông Fukahori đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc hợp tác giữa các bên.

Sau khi thành công, Kitakyushu đã chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều khu vực trên thế giới. Ngay tại ASEAN, Kitakyushu đã thực hiện nhiều dự án lớn như dự án cải thiện chất lượng và hệ thống quản lý nguồn nước tại Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), hay dự án sử dụng rác thải để sản xuất điện tại TP Davao (Philippines).

Dĩ nhiên, nhiều thành phố khác của Nhật Bản như Fukuoka, Kobe, Yokohama... cũng sẽ có những kinh nghiệm riêng để xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Chính vì vậy, GS.TS Yasukata Fukahori đã khuyên các thành phố ASEAN nên trực tiếp hợp tác với các thành phố Nhật Bản chứ không phải Chính phủ Nhật Bản vì chính quyền các thành phố mới có kinh nghiệm trong việc xây dựng đô thị thông minh và có thể trực tiếp hỗ trợ các thành phố của ASEAN cả về kỹ thuật lẫn nguồn vốn ODA.


GS.TS Yasukata Fukahori (cầm micro) đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh ở Kitakyushu.

Đô thị thông minh đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển bền vững

Chia sẻ tại phiên thảo luận “Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp”, ông Seiya Ishikawa - Giám đốc chiến lược quốc tế, Cơ quan phục hưng đô thị Nhật Bản (URA) đã nhận xét, việc xây dựng các thành phố thông minh có thể giải quyết cùng lúc nhiều mục tiêu phát triển bền vững như môi trường xanh, xóa đói giảm nghèo...

Hiện tại, định nghĩa chính xác về thành phố thông minh vẫn chưa có, nhưng các chuyên gia Nhật Bản đã có thể xác định một thành phố thông minh phải có những yếu tố như như môi trường xanh, sáng tạo, tự cường... Theo ông Seiya Ishikawa, những yếu tố này cần được tích hợp vào quy hoạch đô thị theo một cấu trúc hợp lý vì đây là một yếu tố rất quan trọng để xây dựng đô thị thông minh.

Ông Seiya Ishikawa có nêu ra ví dụ ở TP Yokohama, nhà ga được xây dựng ở khu vực giúp người dân dễ dàng tiếp cận bằng cách đi bộ. Người dân cũng có thể đi bộ từ nhà ga đến các địa điểm thiết yếu khác của thành phố như các khu văn phòng, trung tâm mua sắm... Thiết kế giúp TP Yokahama hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân và người dân cũng sống hiệu quả hơn.

Mặt khác, khả năng chống chịu của Yokohama cũng được tăng cường nhờ tích hợp hệ thống cấp nước, cấp điện, đường dây điện thoại, Internet... Mỗi tòa nhà trong thành phố được tích hợp nhiều chức năng khác nhau như nhà ở, trung tâm mua sắm, trung tâm giải trí...

Với kinh nghiệm hơn 60 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đô thị, Cơ quan phục hưng đô thị Nhật Bản đã hỗ trợ cách hoạt động xây dựng và phát triển ở hơn 300 thành phố của 31 quốc gia khác nhau. Đây sẽ là cơ sở tuyệt vời để tổ chức Cơ quan phục hưng đô thị Nhật Bản hỗ trợ các thành phố ASEAN xây dựng hệ thống đô thị thông minh trong tương lai.

Hữu Mạnh

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: