Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tin tức Việt Nam Công bố điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Công bố điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Viết email In

Ngày 11/8, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Bộ Xây dựng tổ chức công bố quyết định điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo quy hoạch, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang (trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng so với quy hoạch trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).  


Sơ đồ định hướng phát triển không gian Vùng Thủ đô. 

Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7km2với quy mô dân số - lao động đến năm 2030 đạt khoảng 21 - 23 triệu người (trong đó: Đô thị khoảng 11,5 - 13,8 triệu người; nông thôn khoảng 9,5 - 9,2 triệu người); khoảng 12,0 - 13,2 triệu lao động. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 55 - 60%. 

Từ năm 2030 đến năm 2050, dân số - lao động và tỷ lệ đô thị hóa của Vùng có xu hướng tiếp tục gia tăng do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế, việc làm dẫn đến tăng khả năng thu hút lao động nhập cư và có xu hướng ổn định dần.

Đây là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Là vùng có môi trường sống và môi trường cảnh quan phong phú, giàu tính văn hóa - xã hội, mang đậm bản sắc dân tộc với xu hướng phát triển hiện đại. Đồng thời là vùng đầu mối tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia; có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng...

Trên cơ sở vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, các tỉnh trong Vùng tạo thành các mối liên kết với những đặc trưng và lợi thế riêng, chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển để khai thác tối đa và hiệu quả các tiềm năng, động lực của các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh và toàn Vùng. 

Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh, là các địa phương có tốc độ và tỉ lệ đô thị hóa cao; có vị trí trung tâm của toàn Vùng trên cơ sở vị thế của Thủ đô Hà Nội với các vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của quốc gia, trong đó nổi bật là các thế mạnh về công nghiệp, đào tạo, nguồn nhân lực và các điều kiện hạ tầng; các chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế được tăng cường thông qua việc thiết lập các trung tâm tài chính - thương mại, nghiên cứu - phát minh khoa học, hội nghị hội thảo, thể dục thể thao, không gian di sản và du lịch quốc tế...

Hà Nội với vị thế Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phát huy vai trò là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại tài chính lớn của quốc gia (Trung tâm tài chính Bắc sông Hồng; Trung tâm hội chợ; Trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa Tây hồ Tây...), các khu nghiên cứu - đào tạo công nghệ cao (Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc...); Trung tâm văn hóa - lịch sử lớn (Hoàng thành Thăng Long; Vườn Quốc gia Ba Vì...); đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô khoảng từ 65 - 70%.

Vĩnh Phúc phát triển kinh tế tổng hợp về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái gắn với các đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Bắc và cả nước; tăng cường phát triển các chức năng về thương mại, trung chuyển hàng hóa (logistics tại Bình Xuyên, Tân Tiến - Vĩnh Tường...), du lịch sinh thái nghỉ dưỡng (Tam Đảo - Tây Thiên, Tam Đảo 2, Đại Lải, Đầm Vạc, hồ Sáu Vó, Vân Trục...), y tế và đào tạo chất lượng cao (Khu đô thị Đại học Vĩnh Phúc)...; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa khoảng từ 63 - 68%.

Bắc Ninh phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, du lịch văn hóa, công nghiệp, tập trung vào kinh tế tri thức (giáo dục - đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ), trung tâm y tế - nghỉ dưỡng của Vùng; tăng cường phát triển các chức năng về thương mại (Trung tâm thương mại Bắc Ninh, logistics cấp Vùng...), du lịch văn hóa - lịch sử (thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, chùa Phật Tích, núi Dạm, hành lang sông Cầu...), đào tạo công nghệ cao (Yên Phong)...; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa khoảng từ 55 - 60%.

Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam, là các tỉnh thuộc Đông Nam đồng bằng sông Hồng. Phát huy các lợi thế tiếp cận cửa ngõ và hệ thống giao thông hướng biển (hành lang Hà Nội - Phố Nối - Hải Dương - Hải Phòng), tam giác kinh tế phía Nam Hà Nội (Hưng Yên - Đồng Văn - Phủ Lý); phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối trung tâm Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển các khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại, y tế, đào tạo, thể dục thể thao, chế biến nông phẩm cấp vùng. 

Các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là các tỉnh trung du miền núi. Đây là vùng cửa ngõ chuyển tiếp giữa Vùng Thủ đô Hà Nội với Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Về định hướng phát triển hệ thống đô thị: Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (khu vực nông nghiệp, làng xóm, di tích văn hóa - lịch sử, bảo tồn thiên nhiên...).

Hệ thống đô thị các tỉnh vùng đồng bằng: Khai thác, chia sẻ và liên kết các chức năng lợi thế riêng của từng đô thị, đặc biệt là các đô thị trung tâm nhằm phát huy thế mạnh của đô thị. Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị. Cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên (núi, sông, suối, hồ...), ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh nông, lâm nghiệp. Sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế phát triển theo mô hình đô thị lan tỏa. Hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại và các công trình hạ tầng cấp Vùng.

Các tỉnh có địa hình miền núi, trung du: Khuyến khích phát triển hệ thống đô thị vừa và nhỏ, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng sâu, vùng xa. Tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng gắn kết chặt chẽ, thuận lợi giữa đô thị trung tâm với các đô thị trong tỉnh và liên tỉnh, làm cơ sở phát triển các vùng nông, lâm nghiệp.

Tập trung phát triển các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong Vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (Vành đai 4, Vành đai 5); các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Hà Nam; Hà Nội - Thái Nguyên)...

Về định hướng phát triển nông thôn: Tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn theo hướng kết hợp cải tạo không gian cũ với phát triển mới các điểm dân cư nông thôn sản xuất nông nghiệp hiện đại, cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Phát triển các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã trở thành các trung tâm dịch vụ, gắn với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp tại khu vực nông thôn.

Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến sản phẩm: Vùng đồng bằng (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam) phát triển các vùng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, rau quả sạch, hoa, cây ăn quả đặc sản; vùng trung du, miền núi (Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang) phát triển các vùng cây công nghiệp, cây ăn quả đặc sản...

Kết hợp không gian văn hóa truyền thống (đình, đền,...) với thiết chế văn hóa làng xã tạo đời sống văn minh. Bảo tồn và phát triển các khu vực làng nghề, kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ thương mại. Các điểm dân cư nằm trong hành lang du lịch kết hợp với mô hình du lịch sinh thái, trồng cây đặc sản.

Cải tạo, xây dựng kiến trúc nhà ở và cơ sở hạ tầng nông thôn phù hợp với điều kiện sống của dân cư theo đặc trưng từng vùng, không phá vỡ cảnh quan sinh thái nông thôn; đối với các điểm dân cư mới phát triển phải có quy hoạch, kiến trúc cảnh quan phù hợp với truyền thống và đáp ứng điều kiện sống mới.

Về định hướng mạng lưới không gian xanh: Tạo lập các vành đai xanh, hành lang xanh và nêm xanh để bảo vệ các vùng di sản, di tích văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống, các khu vực cảnh quan sinh thái, các khu vực nhạy cảm về môi trường, khu vực sản xuất nông nghiệp năng suất cao, dự trữ phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Chỉnh trị và khai thác các tuyến sông như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cầu, sông Đáy, sông Đuống...; rà soát, điều chỉnh bổ sung chức năng sử dụng đất, tạo điều kiện khai thác hiệu quả quỹ đất và cảnh quan dọc hành lang các tuyến sông để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn phòng chống lũ.. 

Đặc biệt trong điều chỉnh quy hoạch đã đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu, có các giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước xây dựng, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống thoát nước, theo hướng nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các giải pháp giữa công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình. 

Quốc Bình 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo