Hội thảo "Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị"

Chủ nhật, 29 Tháng 7 2012 05:32
In

Ngày 28/7 tại TP.HCM, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị”.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng phát triển không gian ngầm hợp lý sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện cảnh quan, giải quyết được ùn tắc giao thông.

Xu hướng tất yếu để phát triển đô thị

Theo TS Phạm Sỹ Liêm - phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, xu hướng đô thị hóa theo hướng phát triển mật độ dân cư trên diện tích hiện có, tiết kiệm đất, không mở rộng diện tích đô thị là xu hướng tăng trưởng thông minh. Những đô thị phát triển theo mô hình này gọi là đô thị nén. Theo quy hoạch, đến năm 2025 dân số ở đô thị VN tăng hai lần và diện tích đô thị tăng bốn lần, tức đến thời điểm đó toàn lãnh thổ VN mất thêm 300.000ha đất ruộng để phát triển đô thị.

Trong khi đó, do biến đổi khí hậu, VN đã mất đi rất nhiều diện tích đất nông nghiệp nên cần thiết phải hạn chế diện tích đô thị hóa để giữ đất nông nghiệp. Muốn vậy, các đô thị VN phải khai thác hiệu quả không gian ngầm để tăng diện tích sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết hiện nay các cơ quan quản lý chưa có dữ liệu tập trung về các công trình ngầm dẫn đến việc khai thác chồng lấn, kém hiệu quả. Hà Nội và TP.HCM đang triển khai xây dựng các tuyến metro nhưng tiến độ dự án rất chậm do có liên quan đến không gian ngầm. Hiện các ngành có sử dụng không gian ngầm như điện, nước, cáp viễn thông... mạnh ai nấy làm dẫn đến chồng chéo, kém hiệu quả.

Ở TP.HCM, mặc dù UBND TP đã có dự định về lập các bãi giữ xe ngầm từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có công trình nào được khởi công. Như bãi đậu xe của công viên Lê Văn Tám, các cơ quan chức năng còn bàn cãi xung quanh việc xây dựng tháp thông gió to hay nhỏ. Công trình ngầm của tòa nhà 70-72 Lê Thánh Tôn đã đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình vì chưa có quy định. Còn những công trình ngầm phục vụ hạ tầng đô thị thì “đào đâu đụng đó” vì không có dữ liệu về hệ thống công trình ngầm hiện hữu. Khi xảy ra sự cố về công trình ngầm khó xác định trách nhiệm của ai, bởi có nhiều sở ngành cùng được giao quản lý.

Hiện nay, VN có hai đô thị đang lập quy hoạch không gian ngầm là TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) và Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tuy nhiên, do những “khoảng trắng” trên mà tiến độ lập quy hoạch ngầm của hai đô thị trên cũng rất chậm.

Thực tế, lĩnh vực quản lý không gian ngầm đô thị ở nước ta còn nhiều “khoảng trắng”. TS Trần Anh Tuấn - cục phó Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng - liệt kê: nước ta chưa có hệ thống số liệu điều tra về địa chất công trình, địa chất thủy văn, chưa có bản đồ hiện trạng, chưa có quy hoạch công trình ngầm. Năng lực nghiên cứu, khảo sát thiết kế còn hạn chế và thiếu những tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến xây dựng công trình ngầm. Chưa có cơ quan thống nhất quản lý công trình ngầm...

Ấp ủ nhiều công trình ngầm

Theo các đại biểu, việc phát triển không gian ngầm là xu thế tất yếu của phát triển đô thị trong thế kỷ 21. Vì vậy, cần thiết phải có quy hoạch không gian ngầm, có cơ quan quản lý thống nhất và đặc biệt phải nhanh chóng tập hợp các dữ liệu về hệ thống công trình ngầm tại các đô thị để phục vụ việc đầu tư khai thác không gian ngầm.

Trong định hướng phát triển, các đô thị cấp 1 và cấp 2 của VN cần thiết phải tính đến quy hoạch không gian ngầm.

Dự kiến đến năm 2020, TP.HCM sẽ có hơn 60km đường sắt đô thị ngầm. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ ngầm hóa 100% lưới điện tại khu vực trung tâm TP và các trung tâm hành chính huyện, khu đô thị mới, khu công nghiệp. Tương lai, TP sẽ từng bước ngầm hóa toàn bộ hệ thống đường cáp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin để bảo đảm mỹ quan đô thị. TP cũng đã quy hoạch hệ thống bãi đậu xe ngầm cùng nhiều công trình ngầm dưới các cao ốc, tòa nhà...

Các đại biểu cho rằng chính quyền thủ đô Hà Nội cũng nên tính đến chuyện khai thác không gian ngầm ở khu vực phố cổ Hà Nội để phát triển không gian thương mại, xây dựng trường học và các công trình đô thị. Có như vậy mới bảo tồn được phố cổ trước tốc độ và nhu cầu đô thị hóa ngày càng cao. Hiện TP Đà Nẵng đã phê duyệt bãi đậu xe ngầm ở công viên 29 tháng 3 rộng 2,5ha và nhen nhóm nhiều công trình ngầm khác để phục vụ giao thông.

Trước thực trạng và nhu cầu về không gian ngầm như trên, các đại biểu cùng kiến nghị: cần thiết phải hoàn thiện các quy định về phát triển không gian ngầm đô thị, phải có một cơ quan quản lý thống nhất và nhất định phải có cơ chế tài chính để khuyến khích các chủ đầu tư (tư nhân hoặc Nhà nước) tham gia phát triển không gian ngầm...

(Theo Tuổi Trẻ) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: