Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tin tức Sự kiện AGO Talk: "Phát triển và tái sinh đô thị thông qua các dự án đòn bẩy - Kinh nghiệm từ Nhật Bản"

AGO Talk: "Phát triển và tái sinh đô thị thông qua các dự án đòn bẩy - Kinh nghiệm từ Nhật Bản"

Viết email In

Nhật Bản phát triển đô thị trước Việt Nam nhiều chục năm nên có thể cho chúng ta nhiều bài học và viễn cảnh để tham khảo. Có những xu hướng và hệ thống mà chúng ta đang bắt đầu thực hiện như đô thị hóa ra ven đô (suburbanization), phát triển đô thị dựa trên hệ thống giao thông công cộng (TOD), không gian ngầm, vv. thì Nhật Bản đã phát triển từ giữa thế kỷ trước. Cũng vì vậy, có nhiều vấn đề đô thị mà hiện nay Nhật Bản đang đối mặt thì có thể chúng ta cũng sẽ phải đương đầu trong tương lai.  

Như nhiều quốc gia phát triển khác, Nhật Bản đang phải giải quyết nhiều các vấn đề đô thị đặc thù. Về phần mềm là các vấn đề xã hội như già hóa dân số, tỉ lệ sinh giảm, mất cân bằng dân số giữa các vùng miền, suy thoái kinh tế kéo dài, vv. Về phần cứng là các cơ sở hạ tầng cũ xuống cấp mà việc bảo trì là gánh nặng cho ngân sách, nhiều thành phố hoặc khu vực đô thị đã suy thoái, sự mất cân bằng vùng miền trong đô thị hóa và xây dựng đô thị ngày càng lớn. 

Vì vậy, để tiếp tục phát triển các khu vực mới và tái sinh các khu vực cũ đã xuống cấp hoặc lỗi thời, Nhật Bản đã và đang áp dụng chiến lược phát triển các dự án đô thị có tính “đòn bẩy” (Nhật và một số nước sử dụng thuật ngữ urban "catalyst" tức là “xúc tác” đô thị) để khơi ngòi, kích hoạt, tạo đà và nhân rộng những cải biến đô thị. Ngoài ra, với vị thế là một trong những nước phát triển và có công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, Nhật Bản cũng cần bắt kịp các xu hướng và mô hình đô thị mới nhất như Đô thị Thông minh (Smart City), Sinh thái (Eco City), Sáng tạo (Creative City), Đổi mới (Innovative City), Đáng sống (Livable City), Bền vững (Sustainable), Có Khả năng Chống chịu (Resilient City), vv. Bài thuyết trình này đề cập khái quát những vấn đề thực tiễn nói trên, sau đó đi sâu vào giới thiệu một số dự án đòn bẩy mang tính hình mẫu (demonstration project) với thể loại đa dạng như tái sinh trung tâm đô thị, các cụm nhà máy cũ, cải thiện cảnh quan mặt nước trung tâm, và cuối cùng là phát triển đô thị mới "nén" (compact), có tích hợp một vài mô hình đô thị “hot” như Thông Minh, Đáng sống, Sinh thái, vv. nói trên. 

AGOhub phối hợp cùng Viện Định cư và Năng lượng bền vững (ISSER), tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Phát triển và tái sinh đô thị thông qua các dự án đòn bẩy - Kinh nghiệm từ Nhật Bản“. 

Khách mời:
TS.KTS. Tô Kiên
Quy hoạch sư & Quản lý dự án, Tập đoàn Tư vấn Phát triển Hạ Tầng Eight-Japan (EJEC)

Điều hành thảo luận: PGS.TS.KTS Nguyễn Thị Hồng Thục

Thời gian 17g30 - 19h30, Thứ Hai 27/8/2018, tại AGOhub 12 Hoà Mã, Hà Nội.
Vào cửa tự do, vui lòng đăng ký tham dự tại đây: https://goo.gl/forms/yvjyraP4pS7cUmJ82

Thông tin về diễn giả:

TS.KTS Tô Kiên tốt nghiệp Kiến trúc sư tại Đại học Xây Dựng (1996), Thạc sĩ Thiết kế Đô thị tại Đại học Nghệ thuật Berlin-Weisensee (Đức, 2000), và Tiến Sĩ Kiến trúc tại ĐH Kumamoto (Nhật Bản, 2008). Anh từng có nhiều năm là giảng viên tại Đại học Xây Dựng, và sau đó làm nghiên cứu và giảng dạy tại một số đại học ở châu Á khác như ĐH Kumamoto, ĐH Kyushu và gần đây nhất là ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore. Anh là tác giả chủ biên của nhiều bài báo khoa học, chương sách, tham luận hội thảo quốc tế có uy tín, và được mời thuyết trình tại nhiều đại học trên thế giới. Anh từng viết một số bài báo mạng gây tiếng vang tại Singapore, và đồng sáng lập ra Opportunity Lab với các hoạt động thúc đẩy lĩnh vực thiết kế với trọng tâm tạo ra các thay đổi xã hội. Anh đặc biệt quan tâm tới sự giao hoà giữa kiến trúc và thiết kế đô thị với hệ thống hạ tầng xã hội, văn hoá và môi trường sở tại.

Trong 20 năm công tác trong lĩnh vực học thuật, TS. Tô Kiên tập trung vào nhiều chủ để nóng trong phát triển bền vững, trong đó có phát triển đô thị dựa trên sự tham gia của cộng đồng, bền vững văn hóa-xã hội, bảo tồn di sản, đô thị đáng sống, quy hoạch và thiết kế sinh thái, đô thị hoá tăng cường và các khu dân cư tự phát, vv. Anh tích luỹ nhiều kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn thông qua các nghiên cứu ứng dụng/hành động nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các cộng đồng, thông qua làm việc rất nhiều tại thực địa cũng như hợp tác cùng người dân địa phương ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Giải thưởng gần đây nhất mà anh nhận được với tư cách Phó Chủ Nhiệm dự án là giải “Cảnh quan Đô thị Châu Á 2017” của UN Habitat cho dự án Làng Nghệ Thuật Cộng đồng Tam Thanh. Từ 2017 tới nay, anh là Quy hoạch sư Cao cấp kiêm Quản lý Dự án của Công ty Tư vấn Kỹ thuật Hạ tầng Eight Japan (EJEC), trụ sở chính tại Tokyo. 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo