Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Phản biện Dự án phát triển Sông Hồng đoạn qua Hà Nội

Phản biện Dự án phát triển Sông Hồng đoạn qua Hà Nội

Viết email In
Giới thiệu tóm tát Báo cáo Dự án:

1/ Bản báo cáo tóm tắt Dự án phát triển Sông Hồng đoạn qua Hà Nội được giới thiệu ở đây chỉ là 1 phần trong 4 báo cáo bao gồm báo cáo tóm tắt, báo cáo tài chính, báo cáo nghiên cứu khu vực và các bản vẽ Dự án. Bản báo cáo này được trình bày trong khỏang 250 trang, được đanh số theo thứ tự trang, với nhiều minh họa. Theo báo cáo, dự án bắt đầu được xúc tiến từ tháng 9/2005, ký hợp đồng từ tháng 7/2006, và đã tiến hành họp tư vấn chuyên gia 3 lần (11/2006, 3/2007, 10/2007). Qua đó có thể thấy các quy trình đã được thực hiện khá bài bản.

2/ Phương pháp nghiên cứu của nhóm dựa trên nền tảng kinh nghiệm và hình mẫu dự án phát triển tổng hợp sông Hàn, có lưu ý tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam có thê tham gia trong quá trình phát triển.

Trong một thời gian dài, các chuyên gia đã tiến hành phân tích thăm dò ý kiến người dân cư trú khu vực ngoài bãi Sông Hồng, đã tiến hành khảo sát hiện trạng, khảo sát thủy văn, phân tích đặc điểm lũ Sông Hồng, kiểm tra đặc điểm thủy lực vùng lũ, điều tra thực trạng các công trình hiện có… Từ đó đưa ra các đánh giá năng lực của khu vực nghiên cứu. Đây là một phương pháp tiếp cận thực tiễn cần thiết. Tuy nhiên cần phảI được bổ xung cách tiếp cận tổng thể trong ngữ cảnh văn hóa xã hội và lịch sử của một khu vực rộng lớn hơn- là Hà nội, và những đặc trưng cảnh quan thiên nhiên rộng lớn hơn. Đó là dọan kéo dài của sông Hồng, và khu vực rộng hơn của ven sông.

3/ Nội dung đã tiến hành:

Những nội dung quan trọng và chủ yếu được Dự án đi sâu phân tích bao gồm:

- Quy hoạch chỉnh trị Sông Hồng.
- Quy hoạch hình thành công viên ven sông.
- Quy hoạch xây dựng đường ven sông.
- Quy hoach cải tạo và phát triển đô thị ven sông.

Và để thực hiện tốt các chương trình Quy họach trên, nhóm còn nghiên cứu:

- Chính sách di dân khu vực ven sông.
- Xem xét tính khả thi về mặt kinh tế và phân tích tài chính.
- Chiến lược xúc tiến dự án, đề xuất các phương án huy động vốn và linh hoạt sự tham gia của các doanh nghiệp.

Các nội dung nghiên cứu trên là xác đáng trong đó QH chỉnh trị sông Hồng đã liên quan tới việc trị thủy thóat lũ, vấn đề luân chuyển nước, và điều tiết lũ bởi 3 con đập ở Hòa Bình, Thác Bà và Tam quan. Ý tưởng QH Công viên ven sông nhằm tạo ra sự đặc sắc của 3 yếu tố Amenity của sông Hồng. Đó là sự kết hợp của 3 màu: Màu Đỏ của sông Hồng, màu Xanh lơ của Hồ nước, và màu Xanh lá cây của thảm thực vật. Đay là một ý tưởng hay và độc đáo, tuy nhiên phương án đề xuất lại không thể hiện được ý tưởng này, ít nhất ở khu vực cốt lõi ( khu vực 2). Về QH đường ven sông có lưu ý kết hợp đe cũ và đê mới , các nút giao thông nối vào trung tâm. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến lo ngại về việc tạo tuyến cao tốc sẽ làm ảnh hưởng tới cảnh quan ven sông.

Về QH cải tạo và phát triển đô thị ven sông, dự án đã chia đọan ven sông ra thành 4 khu vực:

- Khu vực 1 có chiều dài 6,1 km, sẽ xúc tiến vào giai đọan đầu tiên kéo dài trong 5 năm ( 2008- 2012), với số dân cần di chuyển là 1570 hộ, khỏang 6000 dân.

- Khu vực 2 và khu vực 3 có tổng chiều dài là 18,9 km được tiến hành trong giai đọan 2 kéo dài 4 năm ( 2013- 2016), với số hộ di chuyển là 28 000 hộ, tương đương 120 000 dân.

- Khu vữc 4 có chiều dài 15 km được tiến hành trong giai đọan 3 kéo dài 4 năm ( 2017 – 2020), với số hộ cần di chuyển là 8680 hộ, tương ứng với khỏang 170 000 dân.

Như vậy việc phân chia giai đọan đã băt dầu từ thượng lưu tới hạ lưu, có tính dến việc di chuyển táI định cư cho từng khu vực. Phân tích cho thấy giai đọan 2 và 3 là quan trọng nhất, chiều dài lớn nhất, số họ di chuyển là nhiều nhất, nhưng không hiểu sao thời gian tiến hành giai đọan 2 lại ít nhất ( có 4 năm) ?

Một số ý kiến trao đổi:

1/ Việc lập QH phát triển Sông Hồng đoạn qua Hà Nội có cần thiết không ?

Phải khẳng định là cần thiết bởi lẽ:

- Hà Nội đang phát triển và mở rộng. Mới đây đã sát nhập cả Tỉnh Hà Tây vào Hà Nội. Khu vực ven sông cần phải được cải thiện chất lượng không gian sống và môi trường thiên nhiên.

- Việc chỉnh trị tổng thể sông Hồng, ưu tiên tối đa cho việc thoát lũ một cách thuận lợi có ý nghĩa quan trọng.

- Cải thiện hình ảnh Hà Nội như một “Thành phố sông ngòi” thu hút khách du lịch, phát triển giao thông đường thủy, xây dựng công viên và phát triển đô thị.

2/ Dự án đã được nghiên cứu một cách hết sức bài bản, chi tiết và chuyên nghiệp. Phần khảo sát điều tra được tiến hành cẩn thận. Rất chú trọng công tác khảo sát lượng thủy văn để đưa ra các giải pháp quy hoạch chỉnh trị sông Hồng và giao thông Thủy, giao thông bộ ven sông. Đã điều tra và khảo sát thực trạng quỹ đất, thực trạng dân cư ven sông để đề xuất các giải pháp quy hoạch cải tạo và phát triển.

3/ Các phân tích cho thấy, tính hiệu quả và thực dụng của Dự án là rất lớn. Nhưng sự biến đổi không gian khu vực ven sông này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với tổng thể Hà Nội ?

Trong bản báo cáo đã không đặt dự án phát triển khu vực sông Hồng trong quy hoạch tổng thể của Hà nội, để thấy rõ sự liên hệ về mặt cấu trúc và hình thái không gian đô thị của khu vực ven sông đối với Hà Nội. Trong 12 năm nữa khu ven sông Hà nội sẽ như thế này, vậy khu vực bên trong phía Hồ Tây, Hồ Gươm sẽ như thế nào, khu vực Cổ Loa sẽ ra làm sao ?

Cần bổ xung và nghiên cứu kỹ hơn dưới góc độ Văn Hóa và Lịch sử của khu vực ven Sông Hồng, để sự phát triển của nó vẫn bảo tồn bởi các “trục thiên nhiên” và “trục văn hóa lịch sử”.

Theo tôi và một số chuyên gia của trường ĐHXD, trục Thiên Nhiên của Hà Nội chạy ven sông Hồng, trục Văn hóa và Lịch sử của Hà Nội chạy vuông góc sông Hồng kết nối Thăng Long và Cổ Loa, là 2 kinh đô cổ của các bậc vua chúa ngày xưa. Về quan hệ với Hà nội trung tâm, sự kết nối giao thông ven sông với giao thông vào Thành phố sẽ như thế nào để không bị ngắt đoạn và tắc nghẽn đối với các khu vực mở rộng phía Tây của Thành phố. Đó là những vấn đề mà dự án cần phải đề cập trước khi đi vào quy hoạch chi tiết.

4/ Xét về đặc trưng cấu trúc hình thái Hà nội, có 2 điểm mà Dự án cần lưu ý:

- Một là, Hà nội có địa hình dốc dần từ Tây sang Đông. Nay Hà nội mở rộng, với quỹ đất Hà tây rộng rãi, có thế đát cao, giao thông thuận tiện. Đây là khu vực phát triển năng động, nên xây dựng kiến trúc hiện đại và cao tầng. Ngược lại khu vực sông Hồng thuộc thế đát trũng, xây nhà cao tầng không có lợi, lại kè cận khu bảo tồn, với giao thông và hạ tầng rất khó cảI tạo. Vì vậy, khu vực này nên trở thành khu vực Tĩnh củ Hà nội, với kiến trúc thàp tầng và sinh thái.

- Hai là, Hà nội là thành phố Mặt nước, trong đó Hồ có ý nghĩa hơn Sông. Các hồ của Hà nội có diện tích không lớn, kể cả Hồ Tây. Việc xây dựng kiến trúc siêu cao tầng với mật đọ dày đặc ven hồ sẽ làm cho hồ nhỏ lại.

5/ Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới tầm quan trọng của khu vực Lõi đô thị ( khu vực 2 và 3 ) đối với sự bảo tồn và phát triển của Hà Nội trung tâm và Hà Nội lân cận.

Dự án đã trình bày một ý tưởng rất đẹp về việc tạo ra một không gian đặc trưng 3 màu: Đỏ + Xanh lơ + Xanh lục của thiên nhiên: Sông Hồng, Hồ xanh và Cây xanh. Ở Lyon cũng có 2 con sông chạy song song là con sông Saune và sông Rhone cũng đựoc đặc trưng bởi 2 màu: màu chì và màu đỏ. Tuy nhiên trong trường hợp này, với mật độ xây dựng cao và sự chất tải chức năng quá lớn ở khu vực 2 và 3 khu vực ven Sông Hồng được dự kiến như một Trung tâm Tiền tệ Quốc tế và khu phức hợp công nghệ cao , thì ý tưởng này đã tự mâu thuẫn bởi sự kết nối không gian hữu cơ giữa Hồ Tây và Sông Hồng sẽ không còn nữa. Tương tự như thế, khu công viên trên bãi nổi cũng bị ngắt đoạn với Hồ Tây bởi một “hàng rào” các dãy nhà cao tầng chạy song song với nó. Phải chăng ta cần phải thêm vào bảng màu cái màu ghi xám của các công trình xây dựng sẽ chen vai thích cánh ở khu vực này.

Vậy ý tưởng “LETS” (Landscape, Ecology, Tradition and Tour, Sustainable) .liệu có còn tồn tại được nữa không ?

6/ Với việc xây dựng một khu đô thị dày đặc các nhà chọc trời ở ven sông, và đặc biệt ở khu vực 2 và 3 thì không gian mở nhìn từ Hồ Tây ra Sông Hồng cũng không còn nữa. Một barriere được dựng lên và chỉ có khu công nghệ cao giữa sông và Hồ này duy nhất được tân hưởng mặt nước Sông Hồng ở bên này, và mặt nước Hồ Tây ở bên kia. Và Hà Nội sẽ không còn không gian tổng thể Nước như trước đây nữa.

Miếng đất đep nhất của Hà Nội, không gian thiên nhiên và cảnh quan đẹp nhất của Hà Nội sẽ chồng chất các dãy nhà. Giá thuê sẽ rất cao. Nhưng Hà Nội không phải như Newyork hay Mondrean. Rất nhiều chuyên gia nước ngoài đã phân tích ý nghĩa của yếu tố mặt nước đối với bản sắc Hà Nội, và mối quan hệ hình thái của kiến trúc với mặt nước có thể làm giảm giá trị mặt nước đi rất nhiều lần.

Chúng ta hãy đừng quên rằng, bao quanh Hồ Gươm chỉ toàn cây xanh và kiến trúc nhã nhặn. Kiến trúc cao tầng buộc phải lùi ra xa. Bao quanh Hồ Tây chủ yếu là biệt thự và các khách sạn xen kẽ cây xanh. Hình thái này là đặc trưng của Hà Nội, là yếu tố còn sót lại hết sức hiếm hoi trong số không nhiều các đô thị trên thế giới.

Vì vậy với dải đất không quá lớn ở khu vực 2 và 3 ( dải đất dài 18,9 km ở giai đoạn 2) nhưng tầm quan trọng của nó lại rất lớn. cần phải được nghiên cứu kỹ hơn. Đã có nhiều ý kiến cho rằng nên làm kiến trúc công viên cây xanh, chức năng văn hóa… hơn là thương mại ở khu vực này.

7/ Hình thái Sông Hồng đọan qua Hà nội , về đại thể có dạng uốn cong theo hình vòng cung và Hà nội trung tâm nằm trong sự bao trùm và ôm ấp của con sông. Trường hợp của Huế cũng có nết tương tự. Tuy nhiên, ở Huế thành Đại nội nhìn thẳng ra sông, Không gian mặt nước không bị che khuất. Các công trình của Pháp đều xây dựng ở bên này sông Hương. Vậy thì trong trường hợp của sông Hồng, nếu như dịch chuýển khu xây dựng cao tầng sang bên kia sông theo một hình thái thích hợp thì không gian thóang hơn, Và nếu xét về mặt Phong thủy thì nó cũng tốt hơn.

Nói tóm lại về tổng thể chúng tôi ủng hộ dự án. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ hơn, phải có một phân tích tổng thể, trước khi đi vào quy hoạch chi tiết khu vực. Cần phải chú trọng hơn tới ngữ cảnh thiên nhiên và văn hóa lịch sử của khu vực để chúng không bị ngắt quãng trong quá trình phát triển.

Một số nhận xét mạnh dạn với tinh thần xây dựng, với suy tư của một người Hà Nội, làm nghề kiến trúc và quy hoạch. Có thể rất chủ quan. Xin được trao đổi và cám ơn.

PGS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi
Viện trưởng Viện QH và KTĐT -Trường Đại học Xây dựng
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo