Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Phản biện Dự án thành phố sông Hồng: Thít chặt lòng sông, sao thoát được lũ?

Dự án thành phố sông Hồng: Thít chặt lòng sông, sao thoát được lũ?

Viết email In

Thu hẹp lòng sông là kế hoạch đe doạ cuộc sống ở châu thổ sông Hồng trong mùa mưa lũ, nhiều nhà khoa học phát biểu như vậy tại hội thảo phản biện xã hội về vấn đề tiêu thoát lũ trong dự án xây dựng thành phố sông Hồng ở Hà Nội.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hòa Phương (khoa Địa chất, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), sông Hồng đoạn từ Phú Thọ đến cửa Ba Lạt đang ở giai đoạn già của một dòng sông (thể hiện ở quy luật uốn khúc quanh co) và hệ thống đê là một trong những nguyên nhân tạo ra tình trạng này.

  • Ảnh bên : Sơ đồ quy hoạch thành phố sông Hồng (Ảnh: Phạm Yên) 

Theo dự án thành phố sông Hồng, ngoài việc gia cố 33,8 km đê hiện tại (đoạn chảy qua Hà Nội), một tuyến đê mới với chiều dài 41,7 km nằm sát lòng sông sẽ được xây dựng mới.

Ý tưởng này được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hòa Phương ví von: “Khoảng cách giữa hai thân đê ở đoạn qua Hà Nội bị thu hẹp lại tương tự như thít cổ một con rắn và khiến con rắn sẽ nổi khùng, lồng lộn dữ dằn hơn ở cả phía thượng lưu lẫn hạ lưu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cả khu vực châu thổ sông Hồng sẽ có thêm nhiều vùng đất ven sông bị sạt lở giống như Phúc Thọ, Tứ Liên, Ngọc Thụy hiện nay”.

Cùng quan điểm này, ông Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, cho rằng, sông Hồng phải được đảm bảo thông thoát cho dòng chảy lũ, giải tỏa tối đa các vật kiến trúc cản trở hành lang thoát lũ.

Để đảm bảo an toàn, sông cần có bãi sông, nhất là lòng cả để nước mùa lũ chảy. Do đó, không thể đắp trùm hết bãi sông để biến thành đường, thành nhà cửa được.

Đê điều phải được kiên cố thêm. Đắp đến đâu, đắp thế nào, Cục Quản lý Đê điều & Phòng chống Lụt bão cần có trách nhiệm tính toán.

  • Ảnh bên : Người dân thủ đô tới xem “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội” (Ảnh: Phạm Yên)

Phát biểu tại hội thảo, nhiều nhà khoa học cũng nghi ngờ về năng lực chính trị dòng sông của đội ngũ chuyên gia tham gia dự án khi đây là kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thế Bá (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam), cho biết, ông đã sang Hàn Quốc, tận thấy sông Hàn, một con sông không hề giống sông Hồng.

Hai bên bờ sông Hàn là núi trong khi hai bên bờ sông Hồng là đồng bằng. Nước sông Hàn rất trong, ít phù sa trong khi nước sông Hồng quanh năm đục ngầu, lượng phù sa trung bình gần 100 triệu tấn/năm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hoà Phương cũng phân tích sự khác biệt giữa sông Hàn và sông Hồng, rồi kết luận: “Sông Hồng dài hơn sông Hàn rất nhiều. Nó lại hung dữ, không êm ả như sông Hàn. Chế độ thủy văn của hai con sông này cũng khác nhau một trời một vực”.

Từ những so sánh trên, các nhà khoa học đều cho rằng, giải pháp nạo vét lòng sông Hồng nhằm thoát lũ mà dự án thành phố sông Hồng đề xuất là vô nghĩa.

Nếu chỉ nạo vét đoạn chảy qua Hà Nội, phần được nạo vét sẽ được lấp đầy nhanh chóng. Còn nạo vét đến tận cửa Ba Lạt ở Nam Định là điều không tưởng. Việc xây dựng thành phố sông Hồng theo mô típ của Seoul (Hàn Quốc) là cách làm không khoa học.

Tiến sĩ Phạm Xuân Sử, Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, cho hay, Hội sẽ tập hợp ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, ý kiến của nhân dân để gửi tới các cơ quan có thẩm quyền và tiếp tục tổ chức các hội thảo, nhằm tạo diễn đàn thu hút các ý kiến phản biện.

Quý Hiên

>> Siêu dự án đô thị ven sông Hồng: Giới chuyên môn đứng ngoài? 

[ Chuyên đề : Dự án "Thành phố sông Hồng"

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo