Cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 sẽ là nội dung quan trọng tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ 26/9 – 1/10.
Để chuẩn bị cho phiên họp này, vào cuối tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã tiến hành thẩm tra các nội dung nói trên.
Một trong những điểm đáng chú ý tại kế hoạch là Chính phủ đã không đồng ý giảm diện tích đất lúa theo đề xuất của nhiều địa phương mà kiến nghị Quốc hội giữ nguyên 3,81 triệu ha trong kế hoạch 5 năm tới.
Đồng tình với kiến nghị này, song một số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần định vị rõ diện tích các loại đất lúa, đất rừng phòng hộ... để Quốc hội giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh nội dung nói trên, trong 1 tuần làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật Cơ yếu, Luật Quảng cáo, Luật Quản lý giá, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Giám định tư pháp; Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo và thảo luận về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2011, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa 12.
Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13 cũng nằm trong chương trình của phiên họp.
Chuẩn bị cho giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.
Các báo cáo của Chính phủ về chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011- 2015 cũng sẽ được xem xét trước khi trình Quốc hội.
Trọn ngày thứ Sáu, các báo cáo của Chính phủ về: tình hình kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phương hướng năm 2012 cùng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thảo luận về các nội dung này tại phiên họp toàn thể ngày 24/9 vừa qua, nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn.
Tại Hội thảo về các vấn đề kinh tế vĩ mô diễn ra trước phiên họp 1 ngày, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đề nghị cần dồn sức kiềm chế cho được lạm phát và tập trung tái cơ cấu kinh tế ngay từ bây giờ thay vì chạy theo tăng trưởng.
Nguyễn Lê
- Quý IV, TPHCM xây tuyến xe điện ngầm số 1
- Làm rõ yếu kém thực hiện Quy hoạch sử dụng đất
- 2.560 tỷ đồng xây vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng
- Nhiều phát hiện khảo cổ tại di tích Tháp Mẫm
- Cần 50 tỷ đô-la để phát triển đô thị quốc gia
- Hà Nội xây bãi đỗ xe cao tầng tại Mỹ Đình
- Đầu tư hạ tầng giao thông cho TPHCM: Sẽ xây dựng cơ chế đột phá
- Hà Nội duyệt quy hoạch ô đất giãn dân phố cổ
- Tìm công nghệ xử lý nước thải tối ưu
- Hà Nội sẽ điều chỉnh, quản lý toàn diện các dự án đầu tư, xây dựng