Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Hà Nội đề xuất phân vùng và phát triển nhà cao tầng

Hà Nội đề xuất phân vùng và phát triển nhà cao tầng

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục các dự án xây dựng nhà cao tầng trong nội đô được nhiều chủ đầu tư tỏ ra phấn khởi, song nhiều chủ đầu tư vẫn chưa hết băn khoăn vì đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.

Nhiều chuyên gia xây dựng cũng cho rằng, việc xây dựng các dự án cao tầng đang tạo nên sức ép lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thủ đô, cần phải xem xét trước hết ở khía cạnh phù hợp quy hoạch kiến trúc đô thị.

Nhiều dự án chờ quy hoạch

Theo Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội, trong số 223 dự án nhà cao tầng được rà soát thuộc 4 quận nội thành Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép triển khai tiếp thì chỉ có 57 dự án thuộc loại 1 được cho triển khai ngay, số còn lại sẽ phải tiếp tục xem xét phù hợp với sơ đồ tổ chức không gian được lập.

Như vậy, chiểu theo tinh thần công văn 202/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ thì những dự án này sẽ được triển khai ngay do phù hợp quy hoạch, đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và được đánh giá là mang tính bức thiết trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Một số dự án khác đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch theo quy định trước ngày 9.12.2009, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư khá băn khoăn khi dự án của họ không nằm trong số 57 dự án nêu trên, đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng việc phê duyệt quy hoạch thì lại khó xác định. Do trước đó, việc phê duyệt quy hoạch của thành phố được căn cứ trên quy hoạch tổ chức không gian đô thị Hà Nội cũ, chưa mở rộng diện tích như hiện nay, nên sẽ là "đánh đố" DN nếu dự án không được chấp thuận triển khai tiếp, hoặc nếu được triển khai thì liệu có phải chỉnh sửa cho phù hợp quy hoạch.

Một giám đốc DN xin không nêu tên thú nhận, ông đã phải bỏ tiền tỉ vào dự án, nhưng giờ như "cá nằm trên thớt", vì nơm nớp lo phải chuyển đổi mục đích sử dụng do quy hoạch chung xây dựng HN chưa được thông qua. Cho đến nay, đây cũng là một "nút thắt" cản trở quyết định xem xét chấp thuận hay thoả thuận với các chủ đầu tư dự án của UBND TP.Hà Nội vì thiếu căn cứ pháp lý.

Phải căn cứ trên quy hoạch chi tiết

Theo các chuyên gia xây dựng và quy hoạch đô thị, về nguyên tắc, việc cấp phép cho các dự án xây dựng (bất kể cao, thấp tầng) đều phải được tuân thủ quy chuẩn quy hoạch xây dựng 2008-01 đã Bộ Xây dựng ban hành; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết đô thị tỉ lệ 1/2.000; đồng thời phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực.

Tuy nhiên, khi quyết định cho các dự án cao tầng tiếp tục được triển khai sau một thời gian tạm ngừng, theo các chuyên gia là để giải quyết phần nào những bức xúc của các chủ đầu tư dự án, đảm bảo quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, căn cứ để cho phép triển khai hay thỏa thuận chuyển đổi mục đích sử dụng các dự án lại chưa có đối chiếu với quy hoạch diện mạo đô thị, theo quy chế quản lý đô thị của quy hoạch được lập.

Đây cũng chính là lý do mà trước đó, trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ có ý kiến về đề xuất của UBND thành phố Hà Nội về việc lấy thời điểm 31.12.2009 để tiếp tục cho triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà cao tầng trong khu vực trung tâm, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, do đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang hoàn chỉnh để báo cáo Quốc hội và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên chưa có cơ sở xem xét đối với đề nghị này.

Bộ yêu cầu thành phố Hà Nội cần phối hợp với Bộ Xây dựng để thống nhất về định hướng quy hoạch phân vùng kiểm soát phát triển không gian khu vực trung tâm (về mật độ, chiều cao tầng) làm cơ sở cho việc quản lý nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng của quy hoạch chung xây dựng thủ đô đang trình duyệt. Ý kiến của Bộ Xây dựng là một khi chưa có căn cứ cụ thể để xác định thì rất khó để lựa chọn các dự án phù hợp.

Đó là chưa kể việc cho phép xây dựng nhà cao tầng cũng đang gây sức ép lớn ảnh hưởng đáng kể đến hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội của thủ đô. Hiện nay mật độ dân số ở nội thành Hà Nội đã rất cao, do đó, việc xây thêm nhiều nhà cao tầng cũng sẽ khiến cho mật độ dân cư sẽ còn tăng cao hơn nữa. Về nguyên tắc nó sẽ tạo thêm áp lực cho hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, cấp nước và môi trường. Ngoài ra, nó còn tạo thêm những áp lực quá tải lên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội cũng như làm mất cân đối kiến trúc đô thị. Do đó, công tác quy hoạch phải đi trước, thống nhất và minh bạch để định hướng cho doanh nghiệp và người dân, ý kiến một KTS lâu năm về quy hoạch nhận xét.

Hà Nội đề xuất phân vùng và phát triển nhà cao tầng

Theo đề xuất của UBND TP.Hà Nội, việc phân vùng và định hướng phát triển nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) trong khu trung tâm TP sẽ phân theo 3 khu vực. Cụ thể, khu vực trung tâm TP gồm 4 quận nội thành cũ là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và khu vực bên trong đường vành đai 2, TP.Hà Nội đề xuất phân vùng thành 3 khu vực kiểm soát phát triển nhà cao tầng bao gồm: Khu vực  trung tâm chính trị Ba Đình; phố cổ; hồ Gươm; thành cổ, an ninh quốc phòng đề xuất không xây dựng nhà cao tầng. 

Khu vực kiểm soát đặc biệt (là khu vực hạn chế xây dựng nhà cao tầng, quản lý kiểm soát cao tầng) bao gồm xung quanh hồ Trúc Bạch. Khu vực phát triển có điều kiện (là các khu vực còn lại trong khu trung tâm đến đường vành đai 2) gồm phía tây quận Ba Đình từ đường Kim Mã đến đường ven hồ phía nam hồ Tây, Bưởi, Đào Tấn-Kim Mã; khu vực còn lại của toàn trung tâm được giới hạn từ đường vành đai 2 gồm đường Láng - Trường Chinh - Đại La - Minh Khai, Nguyễn Khoái, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Quốc Tử Giám - Cát Linh, Kim Mã - Đào Tấn, Bưởi. 

Hồng Quân 

>> Hà Nội: 4 khu vực không được xây nhà cao tầng 

>> Hà Nội và nhà cao tầng 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo