Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Kiến trúc Làng Việt hành trình Xưa và Nay

Làng Việt hành trình Xưa và Nay

Làng hình thành lên từ 3 yếu tố của 1 thực thể không thể tách rời đó là người trồng lúa, nghề trồng lúa và làng trồng lúa mà bây giờ được gọi là “Tam Nông”, tất nhiên đã mang những nội hàm mới.

Sau khi biết trồng cấy lúa nước, người Việt cổ chấm dứt lối sống du canh du cư, quần cư tại địa điểm nhất định. Ðịa điểm đó cao ráo, thuận lợi cho việc ăn ở, canh điền, bảo vệ cư dân trước thiên nhiên và thú dữ. Ðịa điểm quần cư này dần hình thành trại, ấp, trang, thôn đảm bảo ngày một lớn hơn, đồng bộ hơn. Từ đó hình thành một đơn vị hành chính quy củ, có nền kinh tế, văn hoá ngày một phát triển, làm nên một Làng Việt có bản sắc sâu xa và tương lai bền vững.

Sự ra đời của làng Việt

Làng hình thành lên từ 3 yếu tố của 1 thực thể không thể tách rời đó là người trồng lúa, nghề trồng lúa và làng trồng lúa mà bây giờ được gọi là “Tam Nông”, tất nhiên đã mang những nội hàm mới.


Đình làng

Theo nhiều sử sách truyền lại, làng Việt có từ thời Văn Lang, đến thời Lý, làng Việt đã rất phát triển. Mỗi làng đều có Miếu thờ Thành Hoàng làng, chùa thờ Phật. Cư dân đã ăn ở theo từng xóm, nhiều xóm thành làng, có giao thông thuận lợi nối từ địa phương đến trung ương. Khoảng từ thế kỷ XV trở đi việc chống thú dữ không là nhiệm vụ chủ yếu, cư dân phải cùng nhau chống chọi với thiên nhiên hà khắc, thường xuyên phải chống giặc ngoại xâm và chống cướp bóc của bọn đạo tặc, làng được tổ chức chặt chẽ thành đơn vị tổ chức quy củ. Ngoài những ngôi chùa thờ Phật, các làng đều xây dựng những ngôi đình hoành tráng thờ Thành Hoàng làng. Xây dựng và văn hoá phát triển, ngôi đình  kết hợp thờ cúng, việc làng và sinh hoạt văn hoá của cả cộng đồng.

Làng Việt từ hướng chính đi vào có cổng làng, các lối ra đồng có cổng đồng, có thể mỗi xóm còn có cổng xóm, lũy tre xanh bao bọc quanh làng, có hào nước sâu ngăn cách và bảo vệ, đường làng ngõ xóm trở thành một hệ thống giao thông liên hợp thuận tiện. Giữa làng thường là các trung tâm như đền, đình, miếu thờ cúng thần linh, Thành Hoàng làng hay những biểu tượng thiêng liêng để đời đời cháu con tôn thờ. Ðình còn là nơi họp hội đồng, họp dân xã và là nơi tổ chức lễ hội. Trước đình là sân làng rộng, nhiều nơi còn có hồ sen tạo không gian thoáng đạt và linh thiêng. Nơi đây được nối với con đường chính của làng đi ra đường cái quan và có các tuyến đường giao thông đi về từng ngõ xóm. Ðầu làng thường là vị trí vừa cao siêu vừa linh ứng dành xây dựng đình, chùa. Từng ngôi nhà của cư dân đã lấy chuẩn mực hướng đình để định vị hướng nhà. Hướng đình được xác định theo phong thuỷ. Làng có hương ước quy định tổ chức cuộc sống của cả cộng đồng chặt chẽ từ lễ tiết, sinh hoạt học tập và sản xuất, ngôi thứ, thưởng phạt làm tiêu chuẩn sống. Mỗi làng thờ một vị Thành Hoàng riêng (có thể là thiên thần hoặc nhân thần). Mỗi làng một phong tục tập quán riêng mang bản sắc văn hoá hoàn toàn khác biệt, vì vậy mỗi làng có một ngôi đình độc đáo mà không giống bất cứ nơi nào. Hình ảnh: cây đa, giếng nước, sân đình rồi cổng làng... cũng ra đời từ đây. Khi hình ảnh cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình, chùa chiền, ngõ lối làng Việt cổ bỗng chợt hiện về trong tâm thức, lòng ta cũng rung lên những xúc cảm xốn xang, xao xuyến.



Quá trình phát triển làng Việt

Làng Việt phát triển theo tình trạng hình thái và trình độ phát triển nông nghiệp.

Một thời gian rất dài làng Việt được tổ chức sản xuất nông nghiệp mà chủ đạo là cấy lúa nước. Một số khu vực Trung du và miền núi còn kết hợp với săn bắt thú rừng và hái quả. Nhà ở thì vẫn tổ chức theo xóm, bản; ở đồng bằng nhà đất lợp rạ khung sườn tre gỗ. Khi trình độ sản xuất cư dân đã phát triển, nhà ở của các gia đình có quyền thế giàu sang hay học hành đỗ đạt cao, cũng như đình chùa được xây dựng bằng gạch gỗ, hình thức chồng rường, chồng đấu, câu đầu, kẻ chuyền, quá giang được trạm trổ tinh vi, quy mô to đẹp và khang trang. Mỗi nhà có nhà chính, nhà ngang, sân phơi lúa phù hợp với nền sản xuất chung. Tùy hoàn cảnh mỗi gia đình mà ngôi nhà có thể 1 gian 2 chái hoặc 3 gian 2 chái... Trước nhà là sân phơi, tường hoa, bình phong cây cảnh... và một cái cổng riêng tạo nên một không gian thoáng mát, kín kẽ, uy nghi và bền vững.

Cuộc sống dân cư thay đổi, hàng ngày con người không chỉ cần đến ăn, ở, mặc, đi lại, cần những công cụ sản xuất... mà còn phát sinh nhiều nhu cầu mới phục vụ cuộc sống. Thời gian đầu, mỗi gia đình phải tự xoay sở, song dần dần một bộ phận cư dân tách ra chuyên lo cung cấp cho cộng đồng trong làng, hình thành một đội ngũ thợ thủ công, hình thành nơi trao đổi hàng hoá. Tuy nhiên thời kỳ này tổ chức làng vẫn lấy sản xuất nông nghiệp là chính, tất nhiên ngoài nhà ở thuần túy, nhà ở kết hợp nghề thủ công nghiệp đã xuất hiện một số xưởng sản xuất quy mô nhỏ lẻ và  chợ quê cũng ra đời.

Khi sản xuất phát triển, yêu cầu xã hội của cộng đồng tăng lên. Ngoài việc canh điền, một số làng đã có trình độ tay nghề chuyên môn sâu để làm ra các sản phẩm phục vụ cao hơn, nhiều hơn và đa dạng hơn, sản phẩm đẹp và tốt hơn. Nhiều làng có thể có 2 bộ phận hoặc là ngang nhau, hoặc có thể chênh lệch nhau giữa người làm nghề nông và người làm nghề thủ công. Từ đó xuất hiện những làng nghề như: Nghề rèn, nghề mộc, nghề dệt vải, nghề thêu ren, nghề làm nón, làm quạt, nghề thủ công mỹ nghệ, nghề đúc và nghề giả kim hoàn... Không gian kiến trúc và cảnh quan môi trường có sự đổi thay rõ rệt. Những dấu ấn kiến trúc và văn hoá giữa hai khu vực nông nghiệp và thủ công nghiệp có nhiều thay đổi và dần khác biệt. Những “phố nghề” trong làng ra đời, chợ quê kết hợp với những cửa hàng, cửa hiệu mọc lên.

Sau năm 1954, chủ trương của Ðảng và Nhà nước tiến hành giảm tô và cải cách ruộng đất, rồi hợp tác hóa nông nghiệp diễn ra. Ðây là thời kỳ nhiều công trình văn hoá như đình, chùa bị xuống cấp hoặc thay đổi mục đích sử dụng. Cây đa, giếng nước, sân đình, đền chùa, miếu mạo và cổng làng nhiều nơi đổ nát thậm chí bị triệt phá. Nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm, sau khi chia cho nông dân cũng đã biến mất. HTX cho xây dựng nhiều sân kho trang trại phục vụ sản xuất và một số công trình  công cộng phù hợp thời đại đã ra đời. Mặt khác, đất nước trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước nên bộ mặt làng có nhiều thay đổi thêm, trong đó nhiều làng đã bị bom Mỹ phá huỷ. Nhiều nơi mất cả bản sắc quê hương mà ông cha đã tốn bao công sức mới có được. Tình trạng kiến trúc thời này sa sút nghiêm trọng. Thời kỳ này ta tạm gọi là giai đoạn suy thoái. 

Tình hình phát triển nông nghiệp nông thôn theo xu thế công nghiệp hoá hiện đại hoá

Ðảng và Nhà nước đang thực hiện Nghị quyết về chính sách “Tam Nông” tức là nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Trong bối cảnh cả nước đang bước vào xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, nước ta đang cố gắng giảm tỷ lệ dân số trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp cũng như dịch vụ và du lịch. Mục tiêu đề ra theo tỷ lệ 4-3-3 (nông nghiệp 40%, công nghiệp + thủ công nghiệp 30%, dịch vụ và du lịch 30%) trở nên phổ biến, kết cấu làng rất phong phú, đa dạng và rất tự phát.

Lời người xưa dạy: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt và phi nông bất ổn” càng trở nên rõ ràng cộng với nhiều chủ trương chính sách mới của Ðảng đã được vận dụng một cách nhanh chóng và sáng tạo hơn trên mặt trận nông nghiệp đã góp phần làm thay đổi bộ mặt làng quê.

Loại hình phát triển phổ biến nhất trong lúc này là kết hợp nhuần nhuyễn, sinh động và hiệu quả giữa nghề nông - nghề thủ công, công nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch. Nhiều làng sản xuất ra những sản phẩm có thể xuất khẩu ra nước ngoài và cũng nhiều làng đã đón hàng nghìn khách nước ngoài đến tham quan du lịch, mua sản phẩm và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lớn. Nông thôn đã thực sự chuyển mình và sôi động.

Qua một số khu vực đang xây dựng sôi động, nhiều làng mới, xóm mới ra đời không có quy hoạch, làng không đầu, không cuối, không có hệ thống giao thông đủ rộng và rõ ràng hạ tầng kỹ thuật thiếu, không có bất kỳ giải pháp về xử lý chất thải. Mỗi nhà một kiểu, một hướng, to nhỏ cao thấp rất khác nhau, sự cóp nhặt sao chép rất tuỳ tiện và chắp vá trở thành nếp nghĩ của nhiều người. Liệu rồi đây những hồn quê bóng dáng còn sót lại có còn ý nghĩa và còn ai có trách nhiệm gìn giữ không? Ðiều đáng lo ngại là có thể lại một lần nữa biến mất những đường làng, lối nhỏ, cổng làng và những công trình nhà ở cổ mà người xưa lưu truyền cho cháu con thì thật “thảm hoạ”. Thiết tưởng cũng nên suy nghĩ và tìm giải pháp bảo vệ.


Chợ quê

Những kiến nghị khẩn thiết và cấp bách

Từ tình hình phát triển sản xuất của một số làng, có thể vận dụng chung cho các làng nghề vừa sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch, giải quyết khả quan giữa phát triển và bảo tồn nhằm thúc đẩy và không hạn chế nhau.

Trong quy hoạch xây dựng làng nên chia ra làm 2 khu vực riêng biệt: khu vực truyền thống và khu vực làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch thì có sự liên kết giữa 2 khu vực lại với nhau một cách hài hoà.

Ðối với không gian kiến trúc truyền thống như nhà ở, các công trình công cộng và hệ thống giao thông nên giữ lại như thời xưa bởi nếu phá đi rồi thì không thể làm lại, những công trình kiến trúc đã trở thành di sản văn hoá quý giá của làng Việt cổ mà không một dân tộc nào trên thế giới có được. Ðừng bao giờ động chạm đến những bảo vật thiêng liêng đó nữa! Nếu không có quy hoạch đồng bộ và giải pháp tốt về quản lý thì làm sao giữ lại được những công trình có giá trị còn lại? Có cái cổng làng trở thành di sản văn hoá mà họ cũng phá đi không thương tiếc, nhiều gia đình có những ngôi nhà ngói gỗ kẻ truyền cha ông họ đã xây dựng từ hàng trăm năm mà họ cũng muốn thay đổi thành nhà tầng cho bằng anh bằng em. Nhiều ngôi đình, ngôi chùa xây đến vài trăm năm nay xuống cấp họ cũng định phá đi để xây dựng lại công trình bằng bê tông mà hình thức giá trị thẩm mỹ và văn hoá làm sao sánh được với những công trình đã có. Nhiều nơi họ muốn thay công trình giả vào chỗ công trình có giá trị đích thực mà không cần tính toán. Thật là xót xa! Liệu kiến trúc nông thôn có bước vào giai đoạn suy thoái lần thứ II hay không?



Xu thế phát triển tất yếu là phải mở rộng sản xuất. Ta nên dành một quỹ đất thích hợp và cần thiết để đáp ứng nhu cầu này, sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều sản xuất nông nghiệp nên ta đừng tiếc một số diện tích cần thiết mà lỡ việc.

Tất nhiên khu quy hoạch mới này sẽ có các nhà xưởng tập trung vừa cho ngành nghề truyền thống vừa cho công nghiệp mới phù hợp với địa bàn và phù hợp với nhu cầu xã hội. Sản phẩm công nghiệp có thể tiêu thụ tại chỗ cho vùng lân cận, trong nước và có thể xuất khẩu. Dành một diện tích cho từng hộ sản xuất riêng lẻ, phân nhóm để xây dựng nhà xưởng sản xuất riêng biệt để không ảnh hưởng đến nhau. Trong quy hoạch khu sản xuất mới cần có hệ thống giao thông thuận tiện, có khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, có khu tiếp xúc ký kết hợp đồng, kinh tế hội thảo giao lưu với khách hàng, đồng thời cũng phải có khu nghỉ dưỡng ẩm thực, khu vui chơi giải trí vì khách hàng có thể là người nước ngoài và khách hàng từ xa đến. Khu trung tâm văn hoá mới cùng với khu di tích lịch sử văn hoá tâm linh của làng cổ tạo thành điểm hẹn của khách thập phương. Phải biết kết hợp sản xuất- đời sống- tham quan du lịch, phục vụ tối đa nguyện vọng và sở thích của khách hàng.

Tuy làng nghề phát triển theo xu hướng tất yếu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bộ mặt mới của làng quê ngày một thay đổi, song phải giữ được truyền thống văn hoá làng có từ ngàn xưa để lại. Ðây là việc làm đầy trách nhiệm và nghiêm túc không thể thoái thác. Vấn đề là quy hoạch, kiến trúc làm sao tạo ra mối liên hệ, bổ trợ cho làng vừa hiện đại, vừa truyền thống mang bản sắc văn hoá riêng của từng làng là việc làm không thể hời hợt. Tổng thể không gian kiến trúc hài hoà giữa truyền thống và hiện đại đòi hỏi tập trung đầu tư, trí tuệ của cả chính quyền, nhân dân làng nghề và các KTS với tay nghề cao sẽ tạo nên sự hài hoà thống nhất, hồn làng xưa bên phố làng mới sẽ mang nhiều ý nghĩa trong thời kỳ đất nước phát triển và càng có giá trị để lại cho hậu thế.

Nông nghiệp bao giờ cũng vẫn là nền tảng cho mỗi làng quê. Kinh nghiệm cho thấy, thời kỳ suy thoái vừa qua nếu làng nào rời bỏ nông nghiệp, chuyên sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp sẽ dễ lâm vào tình trạng “sống dở chết dở”.

Xây dựng làng Việt trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, điều cần thiết là phải xây dựng tốt cơ sở hạ tầng, triệt để giải quyết tốt về môi trường. Nên có công nghệ chế biến chất thải, cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh, mỗi gia đình cần có hệ thống bể Bioga vừa tiết kiệm năng lượng vừa xanh sạch đẹp cho mỗi làng quê. Ðồng thời vẫn phải quan tâm toàn diện hơn việc học hành của con em, đến đời sống văn hoá tinh thần của chính những cư dân trong làng, tập trung xóa bỏ nạn đói nghèo, thất học của mỗi người dân. Dù “Tam Nông” có đạt kết quả đến mức nào thì việc quan tâm lợi ích con người vẫn là việc nên làm trước hết và trên hết.

Cần có chiến lược phát triển bền vững, xây dựng làng Việt văn minh hiện đại và đậm đà bản sắc quê.

 

Lời bình  

 
0 # Tri O 05/08/2018 21:00
nếu các nhà khảo cổ Việt Nam cùng các ông ngồi lại tìm cách vẽ lại bản đồ quy hoạch làng cổ Việt Nam thì hay biết mấy, không có khả năng thì nhờ đến năng lực của các nước khác, chứ còn lên đây nói chung chung theo cảm nhận của các ông, không định hình rõ ràng thì có mà há miệng chờ sung.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm