Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Home CLB Điện ảnh Kiến trúc Chiếu phim: "Giai thoại Pruitt-Igoe, một câu chuyện đô thị"

Chiếu phim: "Giai thoại Pruitt-Igoe, một câu chuyện đô thị"

Viết email In

Với chủ đề “Phát triển đô thị - Bài học từ những sai lầm”, buổi chiếu đầu tiên của CLB Điện ảnh Kiến trúc năm 2019 sẽ nói tới một trong những trường hợp thất bại nhất về Nhà ở xã hội trong lịch sử kiến trúc và quy hoạch thế giới. Đó là việc phá bỏ hoàn toàn tổ hợp 33 khối nhà 11 tầng tại khu Pruitt-Igoe, thành phố Saint-Louis, tiểu bang Missouri, Mỹ.

Được xây dựng vào năm 1956, khu nhà ở xã hội Pruitt-Igoe chỉ được sử dụng trong vòng 20 năm. Hình ảnh nổ mìn đánh sập các tòa nhà được truyền thông rộng rãi đã dấy lên một cơn sóng dư luận mạnh mẽ khắp nơi. Trước đó, Pruitt-Igoe đã được biết đến là nơi người dân có nhiều vấn đề, khu vực không có an ninh trật tự, tội phạm tung hoành mà cảnh sát hoàn toàn bất lực. Và đặc biệt cho đến khi nhà phê bình kiến trúc nổi tiếng của Mỹ Charles Jencks tuyên bố Pruitt-Igoe là cái chết của Chủ nghĩa kiến trúc hiện đại, thì đây trở thành tâm điểm cho những cuộc tranh cãi về các lý thuyết đã được đưa ra của hệ tư tưởng này.

Pruitt-Igoe là tổ hợp Khu nhà ở xã hội được thiết kế bởi kiến trúc sư người Mỹ gốc Nhật Bản Minoru Yamasaki. Chính ông cũng là tác giả của tòa tháp đôi WTC bị đánh sập (bởi lý do khác) ở New York. Với Pruitt-Igoe, Minoru Yamasaki đã ứng dụng một số lý thuyết của Le Corbusier, cha đẻ của Chủ nghĩa kiến trúc hiện đại. Công trình với nhiều điểm sáng tạo mới mẻ được coi như “thiên đường cho người nghèo”, bất kể màu da, đã làm hài lòng rất nhiều người dân khi mới dọn đến. Bản thân nó cũng đã giành được nhiều giải thưởng kiến trúc ngay sau khi hoàn thành.

Vậy thì những lý do nào đã gây ra sự thất bại của Pruitt-Igoe? Thực sự có phải do lỗi của người dân hay của kiến trúc mà dư luận thường hay nói đến?

Cuốn phim “Giai thoại Pruitt-Igoe, một câu chuyện đô thị” (The Pruitt-Igoe myth, an urban history) của đạo diễn Chad Freidrichs không nhìn vấn đề ở một góc hẹp mà trở về gốc của nó, thông qua việc phân tích trên nhiều khía cạnh của xã hội Mỹ vào thời điểm đó, bao gồm các nhóm lợi ích, định hướng phát triển kinh tế và quy hoạch của thành phố, chính sách và luật về nhà ở, quản lý đô thị,... cũng như sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ những thập niên 50-60s. Để hiểu sự thất bại một cách sát thực nhất, ông đã phỏng vấn chính những người dân đã từng sống ở Pruitt-Igoe và đi tìm những bằng chứng đầy thuyết phục từ nhiều nguồn tư liệu lịch sử quý giá.

Cho dù kiến trúc của Minoru Yamasaki có hay đến như thế nào đi chăng nữa, thì dường như mình nó không thể "giải cứu được thế giới". Cuộc sống tốt đẹp cần phải hội tụ nhiều yếu tố, kiến trúc chỉ là một phần trong đó.

Giai thoại Pruitt-Igoe, một câu chuyện đô thị” cũng là một câu chuyện với nhiều góc khuất của lịch sử Mỹ!

THỜI GIAN:

3 giờ chiều thứ Bảy, 16/03/2019

ĐỊA ĐIỂM:

Hà Nội : AGOhub - 12 Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng
TPHCM : Cà phê thứ Bảy - 38 Võ Văn Tần, Quận 3
Huế: K'Store & Cafe Anh Khoa - 08 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh
Thái Nguyên [10:00 am]: Không gian Văn hóa Kiến trúc - 722A Lương Ngọc Quyến
Hải Phòng: LightUp (tầng 7) - Cà phê Bắc Việt, 4B đường Hồ Sen, quận Lê Chân   
Vinh: Cafe May (tầng 2) - 133 Đặng Thái Thân
Đà Lạt: The Married Beans Workspace - 44 Hùng Vương

# Vào cửa tự do.

# Thực hiện: Xưởng VUUV
# Truyền thông: Ashui.com
# Tài trợ: INAX - Lixil Việt Nam
# Phối hợp tổ chức: AGOhub, Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy, Viện Nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên Huế, Không gian Văn hoá Kiến trúc Thái Nguyên, Lightup Design Company, MAY Cafe, K'Store Anh Khoa, The Married Beans Workspace

# Link sự kiện trên Facebook: https://www.facebook.com/events/1068661153315929/

2019 là năm thứ 5 hoạt động của CLB Điện ảnh Kiến trúc (am / architecture movies). Bốn năm qua CLB đã chiếu những cuốn phim chủ yếu nói tới những nhà sáng tạo thành danh hay những tác phẩm kiến trúc đã được xã hội công nhận. Nói chung đó là những ví dụ thành công trên thế giới đáng để suy ngẫm và học hỏi. Năm nay, vẫn giữ mong muốn truyền tải tới các bạn những thông tin bổ ích thông qua những cuốn phim liên quan đến kiến trúc, nhưng chúng tôi đặt ngược lại vấn đề hướng đến những ví dụ không thành công, có khi hoàn toàn thất bại. Đó cũng là một cách chiêm nghiệm rất hữu ích để tránh đi lại trên những vết xe đổ và rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công tác thực hành nghề nghiệp của mỗi người.

"PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ - BÀI HỌC TỪ NHỮNG SAI LẦM" là chủ đề của CLB Điện ảnh Kiến trúc năm 2019.

Chúng ta sẽ tìm hiểu các vấn đề ở nhiều nơi trên thế giới. Trước tiên là ở Mỹ, với những sai lầm do lỗi về quy trình quản lý và thiết kế cho "nhà ở xã hội", các vấn đề về “đô thị tràn lan” (Suburban sprawl) với ý tưởng quy hoạch “Radiant City”. Tất nhiên khi nói về các vấn đề đô thị của Mỹ không thể không nói đến Jane Jacobs, người dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh cho những đô thị vị nhân sinh. Cuốn phim “Citizen Jane, Battle for the city” với nhiều giải thưởng quốc tế sẽ nói về người phụ nữ huyền thoại này.

Chúng ta cũng sẽ đến châu Âu, đặc biệt ở Pháp, với những vấn đề về khủng hoảng ngoại ô trong những Khu chung cư lớn (Grand Ensemble). Đây là những khu ở được xây dựng sau thế chiến thứ hai tại rất nhiều thành phố. Chúng đang gây nhức nhối cho chính phủ Pháp, nhất là từ hai thập niên trở lại đây. Ngoài ra chúng ta sẽ khám phá serie phim "Living architecture" của hai đạo diễn Ila Bêka và Louise Lemoin. Họ chú ý đặc biệt đến những công trình được thiết kế bởi các "starchitect" như Rem Koolhaas, Herzog&De Meuron, Frank Gehry... Nhưng điều họ quan tâm là "cuộc sống" trong những công trình kiến trúc đó. Rất nhiều vấn đề không được nghĩ tới cho người sử dụng sẽ được hé lộ cho chúng ta.

Khi nói về châu Mỹ La Tinh thì thủ đô Brasilia của đất nước Brazil sẽ là trường hợp điển hình nhất để nói về các sai lầm do thiết kế quy hoạch. Chúng ta sẽ rút ra được những bài học gì ở thành phố được coi không hề thân thiện với người đi bộ này. Ngoài ra còn một ví dụ thú vị nữa ở thủ đô Caracas của Venezuela với trường hợp toà tháp 45 tầng "Tower of David". Đâu là những lý do khiến toà nhà đáng ra được thiết kế để trở thành trung tâm tài chính quan trọng của đất nước lại trở thành khu ổ chuột cao nhất thế giới, nơi chung sống của 3000 cư dân nghèo túng?

Còn châu Á thì sao? Chúng ta sẽ đến các "Thành phố ma" ở Trung Quốc được xây dựng mới hoàn toàn với quy mô rộng lớn nhưng không một bóng người ở. Hay đến thủ đô Manila của Philippines nơi mà người dân nghèo không tìm được chỗ ở phải đến sinh sống trong các nghĩa trang. "Thành phố ma" nơi không có người ở hay "bãi tha ma" nơi người sống và người chết chia sẻ mảnh đất với nhau đang trở thành một trong những nghịch lý lớn nhất về nhà ở của các đô thị châu Á hiện nay.

Các bạn thân mến, các vấn đề của thế giới nêu trên thực chất ra cũng là các vấn đề của Việt Nam hiện tại. Chúng có thể được hiểu từ rất nhiều khía cạnh. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta thấy được sai lầm đến từ nhiều yếu tố. Năm nay ống kính sẽ hướng vào người sử dụng, chính họ sẽ là người trả lời câu hỏi công trình kiến trúc và quy hoạch có đáp ứng được nhu cầu của họ hay không. Những đạo diễn với những góc nhìn sắc bén thúc đẩy tư duy phản biện sẽ nêu lên các vấn đề về kiến trúc và đô thị nóng bỏng nhất hiện nay.

KTS Vũ Hoàng Sơn / VUUV


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

architecture movies / trailers

Chương trình


Tạp chí

Sách

Đô thị vị nhân sinh / Cities for People

Xanh hóa Châu Á / Greening Asia

Hiện có 2868 khách Trực tuyến