Ashui.com

Wednesday
Apr 17th
Home Home CLB Điện ảnh Kiến trúc Chiếu phim: "Trong không gian của Mondrian"

Chiếu phim: "Trong không gian của Mondrian"

Viết email In

Với chủ đề “Nghệ thuật kiến trúc - những cách nhìn khác” của năm 2018, tháng trước CLB Điện ảnh Kiến trúc đã giới thiệu tới các bạn về trường đại học Bauhaus ở Đức (thời điểm 1919-1933) với triết lý giảng dạy và thực hành tại đây. Những kiến trúc sư thuộc “trường phái” Bauhaus mà đại diện là Walter Gropuis (1883-1969) đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận về kiến trúc khi hướng tới chủ nghĩa công năng và hình thái đơn giản, đặc biệt là kiến trúc cũng như các ngành nghệ thuật khác phải phục vụ được xã hội trên diện rộng. 

Cũng vào thời điểm đó tại Paris, một nhóm nghệ sĩ (chủ yếu đến từ Hà Lan) thành lập nên một nhóm lấy tên De Stijl (The Style, theo tiếng Anh). Họ là những họa sĩ, kiến trúc sư, nhà soạn nhạc..., cũng đang đi tìm cho mình một phong cách riêng về nghệ thuật và kiến trúc. Những tác phẩm và nghiên cứu của họ sau này đã ảnh hưởng một cách sâu rộng tới những triết lý sáng tác xuyên suốt thế kỷ 20 cho tới nay. Chính họ nằm trong số những người sáng lập nên trường phái “trừu tượng”. 

Buổi chiếu phim ngày 7 tháng 4 tới đây của CLB Điện ảnh Kiến trúc sẽ nói về một trong những thành viên chủ chốt của nhóm De Stijl - họa sĩ Piet Mondrian (1872-1944), thông qua cuốn phim “Dans l’atelier de Mondrian” (tạm dịch từ tiếng Pháp: “Trong không gian của Mondrian”) của đạo diễn François Levy-Kuentz.  

Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ trường phái “lập thể”, Mondrian đặt lại câu hỏi căn bản về hội họa. Không như các họa sĩ hiện thực trước đó, mà theo ông là những người muốn khôi phục lại hiện thực một cách hão huyền theo chủ quan cá nhân, Mondrian muốn đi tìm một vẻ đẹp có thể đại diện chung cho cả thế giới. Vậy hình ảnh nào, hay nói đúng hơn, kiểu hình học nào có thể biểu lộ được cảm xúc đó? 

Trong phim, Kuentz dựng lại bối cảnh xưởng vẽ của Mondrian trong những năm tháng ông sống tại Paris. Cuốn phim kể lại toàn bộ quá trình phát triển tư duy của Mondrian kể từ khi tiếp xúc với hội họa truyền thống cho đến khi loại trừ tất cả để đi đến bản chất cốt lõi nhất của tranh vẽ, những đường thẳng dọc ngang tổ hợp với ba màu cơ bản: xanh, vàng, đỏ.

Đặc biệt trong lúc tìm kiếm, Mondrian thể hiện lên cả những bức tường của xưởng vẽ, ông còn sơn và xếp đặt lại đồ vật sử dụng. Trang trí tổng thể của không gian trở thành một tác phẩm. Mondrian sống “trong” tác phẩm hội họa của mình. Thực ra đây là nghiên cứu về không gian của Mondrian cùng với các thành viên khác thuộc nhóm De Stijl như Theo van Doesburg, Gerrit Rietveid nhằm đưa ra triết lý mới cho kiến trúc, như việc phá bỏ không gian “phòng” kín thành các “phần tử” kiến trúc: trần, sàn, tường một cách riêng lẻ, không gian trở nên thoáng và liên thông hơn. Nguyên lý này sau đó đã được chính kiến trúc sư Mies van der Rohe ứng dụng cho những triết lý sáng tác của mình, và công trình Pavilion Barcelona của ông đã trở thành biểu tượng cho kiến trúc thế kỷ 20.

Ngoài ra, cuốn phim cũng nói tới những nguồn cảm hứng khác cho những ý tưởng của Mondrian như nhạc Jazz, thuyết Thần trí (theosophia), và đặc biệt cuộc sống sinh tồn của con người xảy ra hàng ngày xung quanh ông, người họa sĩ cô đơn dành cả cuộc đời cho nghệ thuật. 

THỜI GIAN:

3 giờ chiều thứ Bảy, 07/04/2018 

ĐỊA ĐIỂM: 

Hà Nội: AGOhub - 12 Hòa Mã 
TPHCM: Cà phê thứ Bảy - 38 Võ Văn Tần, Quận 3 
Đà Nẵng: P.204 Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng - 566 Núi Thành, quận Hải Châu 
Hải Phòng: LightUp (tầng 7) - Cà phê Bắc Việt, 4B đường Hồ Sen, quận Lê Chân 
Vinh: Cafe Mây (tầng 2) - 133 Đặng Thái Thân 

# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt và chiếu đúng giờ.

# Thực hiện: Xưởng VUUV
# Truyền thông: Ashui.com
# Tài trợ: INAX - Lixil Việt Nam
# Phối hợp tổ chức: AGOhub, Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Lightup Design Company 

# Link sự kiện trên Facebook: https://www.facebook.com/events/201734897095900/

 

architecture movies / trailers

Chương trình


Tạp chí

Sách

Đô thị vị nhân sinh / Cities for People

Xanh hóa Châu Á / Greening Asia

Hiện có 1925 khách Trực tuyến