Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Home CLB Điện ảnh Kiến trúc Chiếu phim: "Bauhaus - Mô hình và Huyền thoại"

Chiếu phim: "Bauhaus - Mô hình và Huyền thoại"

Viết email In

Như chúng ta đã biết, trước kia Kiến trúc luôn được coi là một ngành nghệ thuật. Nhưng khi sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật được áp dụng một cách triệt để trong Kiến trúc, cũng như những vấn đề cần thiết của năng lượng và môi trường mà Kiến trúc phải đáp ứng hiện nay, thì yếu tố nghệ thuật trong Kiến trúc dường như không được tôn vinh nhiều như trước. Mặc dù vậy, nghệ thuật vẫn luôn tồn tại trong Kiến trúc dưới nhiều hình thức.  

Những bộ phim mà CLB Điện ảnh Kiến trúc sẽ chiếu năm nay (2018) không nhằm mục đích tung hô tán dương nghệ thuật, càng không phải nhằm đưa ra những câu trả lời để giải đáp cho một chủ đề luôn gây rất nhiều tranh luận từ trước đến nay, mà CLB mong muốn khơi mở khía cạnh "nghệ thuật" của Kiến trúc, cùng mọi người tìm hiểu và thảo luận về giá trị của nó trong cuộc sống, trong sự thúc đẩy tiến bộ tri thức của con người.  

Để có những cảm nhận lý thú và đa chiều về Nghệ thuật Kiến trúc, CLB đã chọn lọc những bộ phim không nhất thiết đề cập trực tiếp đến chủ đề này, mà tìm hiểu nó qua lăng kính của các nghệ sỹ thực hành các ngành nghệ thuật khác liên quan đến Kiến trúc. Các ngành nghệ thuật luôn có mối liên hệ với nhau, rất nhiều nghệ sỹ và cả kiến trúc sư đã khai thác yếu tố này trong công việc của mình. Le Corbusier là một ví dụ, vừa là kiến trúc sư, ông cũng là một hoạ sĩ quan trọng ở thế kỷ 20. Không chỉ áp dụng những quan điểm của hội hoạ vào kiến trúc, ông còn hợp tác nhiều lần với nhạc sĩ tài danh Iannis Xenakis để đưa những yếu tố của âm nhạc vào kiến trúc. Câu nói nổi tiếng của ông: "Âm nhạc là sự sắp xếp của những khoảng lặng, còn kiến trúc là sự sắp xếp của những khoảng trống" đã trở thành kinh điển. Ngoài ra còn nhiều kiến trúc sư nổi tiếng khác như Rem Koolhaas hay Jean Nouvel ứng dụng cả những nguyên lý sáng tác điện ảnh vào thiết kế kiến trúc. Vậy đây là cơ hội để chúng ta xem các nghệ sỹ trong các ngành nghệ thuật khác nhìn nhận kiến trúc như thế nào trong công việc của họ, để từ đó thấy được mối tương quan và rút ra được những bài học đối chiếu thú vị. 

Chính vì vậy, chủ đề của CLB Điện ảnh Kiến trúc năm 2018 là: “Nghệ thuật Kiến trúc - những cách nhìn khác” !

Chuỗi phim năm nay sẽ được sắp đặt theo thời gian thực hành của các nghệ sĩ hiện đại từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay. Cuốn phim thứ nhất quay lại lịch sử nói về trường Bauhaus, trường đại học nghệ thuật hiện đại đầu tiên trên thế giới, nơi mà kiến trúc và các ngành nghệ thuật khác được giảng dạy kết hợp với nhau dựa trên một triết lý hoàn toàn mới. Một cuốn phim khác nói về Piet Mondrian, họa sĩ thuộc nhóm “Stijl” của Hà Lan, đưa ra những quan điểm về hội họa và kiến trúc thuộc trường phái trừu tượng. Chúng ta sẽ khám phá tư tưởng của Kazimir Malevich, họa sỹ và nhà lý luận nghệ thuật người Nga. Những triết lý của ông ảnh hưởng trực tiếp tới các kiến trúc sư như Rem Koolhaas và Zaha Hadid. Và những cuốn phim nói về những nghệ sĩ nổi tiếng khác liên quan đến kiến trúc như Julius Shulman với nhiếp ảnh, Richard Serra với điêu khắc, Christian Dior với thời trang,... 

Năm 2018 sẽ là một năm về nghệ thuật, chúng tôi tin rằng nhiều thông tin bổ ích và thú vị sẽ được truyền tải tới các bạn. Và không cần phải giải thích, ai cũng tự hiểu, Nghệ thuật Kiến trúc cần phải được là một trong những yếu tố quan trọng của “Phát triển bền vững”! 

Chiếu phim: "Bauhaus - Mô hình và Huyền thoại" 



Buổi chiếu đầu tiên vào chiều 17/3 tới đây, CLB Điện ảnh Kiến trúc sẽ cùng các bạn quay lại lịch sử ở những thập niên đầu thế kỷ 20 để tìm hiểu về trường Đại học Nghệ thuật Hiện đại đầu tiên trên thế giới, nơi mà Kiến trúc và các ngành nghệ thuật khác được nhìn nhận một cách hoàn toàn mới so với trước đó: trường Đại học Bauhaus. 

Có lẽ cái tên Bauhaus không còn xa lạ gì với chúng ta. Tại sao nó có sức lan tỏa khắp thế giới như vậy? Các bạn có biết rằng, nhiều đồ vật mà chúng ta đang sử dụng, những mầu sắc và họa tiết trên quần áo chúng ta đang mặc, hay cả những đường nét của những tòa nhà nơi chúng ta đang sống và làm việc có thể bắt nguồn từ đấy không? 

Bauhaus được thành lập năm 1919 bởi kiến trúc sư Walter Gropius tại thành phố Weimar, nước Đức. Ông là hiệu trưởng đầu tiên và có tầm nhìn sâu rộng. Thực ra Bauhaus không phải là một ngôi trường mới hoàn toàn, nó được thành lập dựa trên sự sáp nhập của hai trường mỹ thuật: Đại học Mỹ thuật và Đại học Mỹ thuật ứng dụng (nước ta gọi là Mỹ thuật công nghiệp). Đó là điều đặc biệt khiến cho Bauhaus trở nên huyền thoại. Các phương thức mà Gropius muốn thực hiện ở ngôi trường mới này là gắn nghệ thuật với thủ công truyền thống, từ đó tạo ra những tác phẩm là những sản phẩm thiết thực, để sau đó có thể sản xuất hàng loạt với sự liên kết cùng nền công nghiệp. Vì vậy sinh viên tại đây sẽ phải có đầy đủ sự hiểu biết để có thể làm "cầu nối" giữa nghệ thuật với thủ công và công nghiệp.

Tầm nhìn xa của Gropius khi muốn tập hợp các sức mạnh lại với nhau, thực chất là để phục vụ mục đích cuối cùng là phát triển nền kinh tế nước Đức, lúc bấy giờ rất thảm hại sau thất bại trong Thế chiến thứ nhất. Đặc biệt hơn nữa, ông mong muốn mang nghệ thuật tới gần người dân qua những sản phẩm sinh hoạt đời thường. Như chúng ta biết trước đây, nghệ thuật luôn chỉ dành cho giới thượng lưu của xã hội.

Với mục đích dùng nghệ thuật để thay đổi xã hội trên nhiều mặt như vậy, Gropius đặt nhiều tâm huyết vào giảng dạy. Bauhaus phải có được nhiều ngành sáng tạo nhất có thể và chúng phải liên kết với nhau để tạo nên tác phẩm chất lượng nhất. Từ Nghệ thuật tạo hình, Nghệ thuật ứng dụng cho đến Kiến trúc, Gropius đã mời rất nhiều các nghệ sỹ và kiến trúc sư với những triết lý tiên phong và những phương pháp giảng dạy độc đáo. Đặc biệt, ông rất sáng suốt khi giữ lại các nghệ nhân của các ngành nghề thủ công đang "lúng túng" dưới sự phát triển của nền công nghiệp. Tất nhiên, giấc mơ của Gropius sẽ khó mà thành hiện thực nếu như thiếu đi sự ủng hộ của các chính trị gia bấy giờ. Đây cuối cùng lại là điều khó khăn nhất để ngôi trường tồn tại. Cũng chính vì lý do này mà Bauhaus bị đóng cửa sau 14 năm, khi nền chính trị của Hitler lên nắm quyền.

Cuốn phim "Bauhaus - Mô hình và Huyền thoại" (Bauhaus - Model and Myth) của các đạo diễn Kerstin Stutterheim và Niels Bolbrinker với nhiều tư liệu quý giá và các nhân chứng sống sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về ngôi trường huyền thoại này. Chúng ta sẽ khám phá những tác phẩm của Bauhaus, từ các đồ vật sử dụng trong nội thất, sản phẩm đồ họa, thời trang, các vở kịch nghệ... cho tới kiến trúc, với triết lý sáng tác hoàn toàn mới. Cuốn phim không chỉ nói tới nghệ thuật và kiến trúc, mà còn mang nhiều thông tin về lịch sử, chính trị, kinh tế... ở những thời điểm mà ba người hiệu trưởng của Bauhaus trong 14 năm phải đối mặt. 

Bauhaus không chỉ là tên một ngôi trường. Đó là một trường phái, một phong cách, và hơn thế nữa, một hệ tư tưởng. Hãy đến khám phá tại sao nước Đức sau bao nhiêu thất bại vẫn đứng dậy và luôn là một trong những cường quốc của thế giới! 

THỜI GIAN: 

3 giờ chiều thứ Bảy, ngày 17 tháng 3 năm 2018 

ĐỊA ĐIỂM

Hà Nội: AGOhub - 12 Hòa Mã
TPHCM: Cà phê thứ Bảy - 38 Võ Văn Tần, Quận 3
Đà Nẵng: Danang Coworking Space (tầng 3) - 31 Trần Phú, quận Hải Châu
Hải Phòng: LightUp (tầng 7) - Cà phê Bắc Việt, 4B đường Hồ Sen, quận Lê Chân
Vinh: Cafe May (tầng 2) - 133 Đặng Thái Thân 

# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt và chiếu đúng giờ. 

# Thực hiện: Xưởng VUUV
# Truyền thông: Ashui.com
# Tài trợ: INAX - Lixil Việt Nam
# Phối hợp tổ chức: AGOhub, Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy, DNC - Danang Coworking Space, Lightup Design Company 

#Link sự kiện trên Facebook: https://www.facebook.com/events/326763537845408/


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

architecture movies / trailers

Chương trình


Tạp chí

Sách

Đô thị vị nhân sinh / Cities for People

Xanh hóa Châu Á / Greening Asia

Hiện có 2086 khách Trực tuyến