Tiến độ giải phóng mặt bằng dự án khu công nghệ cao Hoà Lạc quá chậm so với mục tiêu đề ra, theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa cho biết, sau khi có cuộc họp với các sở, ngành cùng các bên liên quan về kiểm điểm tiến độ của dự án nói trên ngày 14/6, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã có kết luận về tình hình thực hiện dự án này kèm theo hàng loạt chỉ đạo.
Theo đó, người đứng đầu UBND thành phố khẳng định, dù thành phố đã có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, song khối lượng công việc giải phóng mặt bằng dự án khu công nghệ cao Hoà Lạc và dự án Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn chậm, khối lượng công việc còn lại lớn và phức tạp. Do đó, việc đảm bảo tiến độ hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ là rất khó khăn.
Phối cảnh tổng thể dự án khu công nghệ cao Hoà Lạc
Lý giải cho thực trạng này, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó việc phải lùi lại để xin bổ sung cơ chế đặc thù, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp…đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án. Tất nhiên, không thể bỏ qua nguyên nhân năng lực có phần hạn chế của đội ngũ cán bộ.
Với thực tế đó, Chủ tịch UBND thành phố đã quyết định thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng hai dự án nói trên, giao Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh làm Trưởng ban.
Nhiệm vụ của ban chỉ đạo là phải bắt tay ngay vào việc lập kế hoạch tiến độ chi tiết khối lượng công việc giải phóng mặt bằng, xác lập thứ tự khu vực cần làm trước, rà soát và giải quyết dứt điểm các diện tích đất xen kẹt chưa được giải phóng…
Đặc biêt, chậm nhất đến 29/6, Ban chỉ đạo phải có báo cáo gửi UBND các huyện nơi có đất bị thu hồi và UBND thành phố về nguồn vốn giải phóng mặt bằng đã được bố trí trong năm 2013 cũng như xác định số kinh phí cần phải bổ sung để hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.
Khu công nghệ cao Hoà Lạc được Thủ tướng ký quyết định thành lập từ 1998, với kỳ vọng là thành phố khoa học tầm cỡ quốc gia. Thành phố này dự kiến sẽ có khoảng 100.000 nhà khoa học, sinh viên, kỹ sư, cử nhân và thợ lành nghề làm việc trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất Việt Nam và khu vực.
Dự án có tổng diện tích 1.586 ha, được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và những khu chức năng chính như: khu phần mềm có diện tích 76 ha, khu nghiên cứu và triển khai (R&D) có quy mô 229 ha, khu công nghiệp công nghệ cao có quy mô 549,5 ha được, khu giáo dục và đào tạo có quy mô 108 ha, khu trung tâm, khu dịch vụ tổng hợp…
Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau 15 năm triển khai, dự án vẫn chưa hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng.
Từ Nguyên
- Hà Nội cần hơn 1,4 triệu tỷ đồng để phát triển nhà ở đến 2030
- Hà Nội thanh tra, giám sát hơn 200 dự án bất động sản
- Nam Long mở bán giai đoạn 2 dự án EHome 3 Tây Sài Gòn
- Nhà không phép xây dựng tràn lan: Ai tiếp tay?
- Hà Nội đề xuất thu hồi hàng loạt khu đất để xây trường học
- Saigon One Tower: Chờ đến bao giờ?
- Coi chừng “sa lầy” nhà ở xã hội
- Dừng chủ trương đầu tư hơn 90 dự án tại Phú Quốc
- Xin chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội phải được tất cả khách hàng chấp thuận
- Lãng phí nghiêm trọng do quy hoạch sử dụng đất kém