Nằm trong chương trình thanh tra chuyên đề về quản lý đất đai do Thanh tra Chính phủ tiến hành, nhưng các cuộc thanh tra về quản lý, sử dụng đất tại hai tỉnh Quảng Nam và Bình Thuận (đã có kết luận vào cuối tháng 1/2011) đã cho thấy những yếu kém điển hình trong quản lý đất đai ở nhiều địa phương hiện nay như: còn buông lỏng quản lý, gây lãng phí tài nguyên đất đai, thất thoát thuế...
Quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư còn chậm
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về quá trình quản lý, sử dụng đất ở hai tỉnh trên trong giai đoạn năm 2006 – 2009, tỉnh nào cũng có những yếu kém đáng lưu ý. Về quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ở tỉnh Bình Thuận, nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thực hiện chậm (khoảng 35%). Đã có tới 40 dự án với 2.100ha được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư trong khi chưa có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, hoặc sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư lại phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ví dụ như công ty TNHH thương mại xây dựng Bình Thuận đầu tư trên 121ha đất được cấp trong quy hoạch ba loại rừng của tỉnh. Vì sai lầm này, sau tỉnh phải điều chỉnh ra ngoài quy hoạch rừng.
Theo kết luận thanh tra, các nhà quản lý tỉnh Quảng Nam còn cho phép công ty ôtô Trường Hải đầu tư xây dựng công trình khi chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất và được miễn toàn bộ tiền thuê đất. (Ảnh: T.L)
Còn ở tỉnh Quảng Nam, trong việc lập, quản lý quy hoạch, UBND tỉnh này để xảy ra tình trạng chậm trễ: đến thời điểm thanh tra (cuối năm 2010), còn tới năm huyện, thành phố và 64 xã, phường chưa có quy hoạch sử dụng đất; một huyện và 56 xã, phường chưa lập kế hoạch sử dụng đất. Đối với việc giao đất, cho thuê đất ở một số dự án, thì việc đưa vào khai thác, sử dụng còn chậm, quá thời gian quy định do nhà đầu tư không đủ năng lực, chính quyền chậm đền bù, giải phóng mặt bằng.
Dự án chồng dự án
Sai phạm hàng trăm tỉ đồng Tổng số tiền sai phạm qua thanh tra về quản lý, sử dụng đất tại hai tỉnh trên không phải là nhỏ: tại Bình Thuận, số tiền sai phạm được xác định trên 79,28 tỉ đồng và trên 382.000 USD, chủ yếu do tính toán sai tiền sử dụng đất của nhà đầu tư (27,7 tỉ đồng và trên 382.000 USD); do để cho các chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất kéo dài (22,72 tỉ đồng); do dự án Sun Resort không nộp trên 28,74 tỉ đồng để bồi thường cho dân. Còn tại Quảng Nam, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng ban hành quyết định thu hồi số tiền trên 108,6 tỉ đồng của nhiều công ty, chủ đầu tư do các đơn vị này không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách. UBND tỉnh Quảng Nam được yêu cầu chỉ đạo thu hồi số tiền thuê đất trên 36,78 tỉ đồng của một số chủ đầu tư và một số khoản tiền sai phạm lớn ở các dự án khác đã phát hiện trong quá trình thanh tra. |
Quản lý lỏng lẻo, thất thoát ngân sách
Do buông lỏng quản lý, cả tỉnh Bình Thuận và Quảng Nam đã gây nên tình trạng lãng phí tiền thuế, lãng phí tài nguyên. Tại Quảng Nam, cơ quan chức năng cho rằng, lãnh đạo tỉnh này xác định miễn giảm hỗ trợ lãi vay tiền sử dụng đất cho bảy dự án theo chính sách thu hút đầu tư không đúng quy định tại khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, khu đô thị Phước Trạch, Phước Hải gây thất thoát cho nhà nước hơn 26,8 tỉ đồng. Tỉnh này cho trường đại học Phan Châu Trinh mượn mặt bằng và cơ sở sản xuất không đúng quy định, gây thất thoát trên 8,88 tỉ đồng. Các nhà quản lý tỉnh Quảng Nam còn cho phép công ty ôtô Trường Hải đầu tư xây dựng công trình khi chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất và được miễn toàn bộ tiền thuê đất. Tỉnh cũng chưa có biện pháp thu hồi trên 29 tỉ đồng tiền thuê đất của 198 doanh nghiệp; thu trên 36,78 tỉ đồng của ba doanh nghiệp khác ở cụm công nghiệp Bồ Mung; thu 108,6 tỉ đồng tiền sử dụng đất của bốn đơn vị tại khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc. Tỉnh này còn rộng tay cho 224 đơn vị khác sử dụng đất trong khi chưa ký hợp đồng thuê đất.
Tại Bình Thuận, căn cứ để nói chính quyền tỉnh quản lý thiếu chặt chẽ, gây thất thoát cho ngân sách thể hiện ở việc có nhiều dự án được tỉnh chấp thuận cho đầu tư và giao đất, thuê đất (phần lớn là đất “sạch”), nhưng lãnh đạo tỉnh này lại không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất. Theo Thanh tra Chính phủ, có 35/59 dự án được giao đất, diện tích đất công chiếm trên 65%, nhưng đã không được tổ chức đấu giá, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Ngay UBND tỉnh cũng đã báo cáo có 116 dự án không thực hiện đấu giá theo quy định. Không những thế, sự lỏng lẻo trong quản lý đất đai ở Bình Thuận còn thể hiện ở việc có gần 30 dự án với trên 700ha khi được giao đất đã sang nhượng cho chủ đầu tư khác. Có 35 dự án sau khi được giao đất và quá thời hạn triển khai đầu tư, nhưng chính quyền tỉnh cũng không xử lý. Điều này đã gây bất bình trong dư luận nhân dân ở Bình Thuận.
Những dạng sai phạm trên, ở nhiều tỉnh, thành phố đã được thanh tra về quản lý, sử dụng đất cũng xảy ra tương tự. Nhưng ở tỉnh Quảng Nam, Bình Thuận là những địa phương có tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá cao, mức độ sai phạm là lớn và khá điển hình. Nếu ở những địa phương này, cơ quan chức năng không tiến hành thanh tra, thì nhiều khoản tiền lớn đã không trở về công quỹ và nhiều diện tích đất đai còn để lãng phí, thất thoát. Do đó, với những sai phạm đã phát hiện ở từng tỉnh, nếu không có những hình thức xử lý mạnh với các tổ chức, cá nhân có sai phạm ở từng cấp, thì việc quản lý, sử dụng đất đai ở các tỉnh này sẽ còn lỏng lẻo, tuỳ tiện như trước khi tổ chức thanh tra.
Mạnh Quân
- Sai phạm tại các sàn giao dịch Bất động sản: Siết cách nào?
- Kiểm tra tiến độ thi công các dự án khu vực Hồ Tây
- Khách sạn Lotus tỷ đô không được cao quá 400 mét
- Không lo “bội thực” dự án chung cư
- Giá đất Nhà nước quy định chỉ bằng 30 - 60% giá chuyển nhượng thực tế
- TP HCM “trình làng” dự án chung cư mini Vinacomplex III
- Hà Nội dẫn đầu cả nước về tỷ lệ nhà chung cư
- Thị trường địa ốc TP.HCM năm 2011: Khởi sắc giữa năm
- Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Gọi vốn theo mô hình PPP
- TP.HCM: Thừa căn hộ, giá giảm sâu!