Sở Xây dựng Hà Nội vừa gửi Thanh tra Bộ Xây dựng danh sách 23 dự án nhà ở thương mại, nhà ở, khu đô thị thuộc diện thanh tra việc dành 20% quỹ đất dự án để xây nhà ở xã hội.
Trong danh sách có 7 dự án nhà ở thương mại, nhà ở: Khu tái định cư Đông Hội, Đông Anh (17,42 hecta), nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì (18,67 hecta), khu nhà ở văn phòng, nhà trẻ 622 Minh Khai, khu nhà ở Tây Mỗ (22,66 hecta), nhóm nhà ở Đông Nam đường Lê Văn Lương kéo dài (9,17 hecta), khu nhà ở Minh Đức (173,56 hecta), khu nhà ở xã Uy Nỗ, Đông Anh (85,84 hecta).
Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh nằm trong danh sách thanh tra quỹ đất xây nhà ở xã hội
Ngoài ra còn có 16 dự án khu đô thị thuộc diện thanh tra, rà soát việc dành quỹ đất xây nhà ở xã hội: khu đô thị Nam đường vành đai 3, khu đô thị Thịnh Liệt, khu đô thị HUD Sơn Tây, khu đô thị mới CEO Mê Linh, khu đô thị mới Đại Kim, khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh, khu đô thị Gia Lâm…
Liên quan đến quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, pháp luật hiện nay quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha được lựa chọn hình thức dành quỹ đất, quỹ nhà hoặc nộp bằng tiền khi thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện quy định này có nhiều bất cập bởi hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn và các địa phương cũng cho phép dự án dưới 10ha được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền. Tuy nhiên số tiền này lại không được các địa phương sử dụng để phát triển nhà ở xã hội.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 để thay thế cho Nghị định 100/2015/NĐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Một trong những thay đổi đáng ghi nhận tại Nghị định 49 là tránh được tình trạng chủ đầu tư lách luật để "né" việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển nhà ở xã hội.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Đảng đã đặt ra mục tiêu: “Giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”.
Chia sẻ với PV, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án, các quỹ đất tại các khu nhà ở thương mại, khu đô thị là cần thiết; trong đó có việc rà soát quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Việc rà soát có thể giúp nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa qua sử dụng, từ đó có phương án hợp lý để hoạch định chính sách trong tương lai; đồng thời, chấn chỉnh hoạt động của những doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch ban đầu, đi chệch hướng so với chủ trương nhân văn của Chính phủ, Bộ Xây dựng.
Trước đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đã quyết định thanh tra việc thực hiện quy định dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại 11 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Theo chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn, thanh tra bộ chia làm 8 đoàn thanh tra, dự kiến trong quý 3-2022 sẽ công bố kết luận thanh tra việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị tại 11 địa phương trên cả nước. Ngoài thanh tra việc dành quỹ đất xây nhà ở xã hội, thanh tra bộ cũng thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư tại 11 địa phương. |
Phương Uyên
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Giảm 8.700 tỉ đồng vốn đầu tư dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô
- Cả nước còn hơn 1,2 triệu ha đất chưa sử dụng
- Bình Định kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội
- Luật Kinh doanh bất động sản: Chính thức bỏ yêu cầu vốn pháp định 20 tỷ đồng
- TPHCM rà soát được 2.400 ha đất dự kiến thu hồi tạo nguồn vốn làm đường vành đai 3
- Giải pháp nào cho TP.HCM khi đấu giá lại đất Thủ Thiêm?
- Tập trung rà soát quỹ đất dọc Vành đai 3 TP HCM
- Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Long Thành đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài
- Hiện trạng 7 tuyến đường vành đai Hà Nội
- TP.HCM kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng cho 13 dự án giao thông trọng điểm