Đã hơn 1 năm kể từ khi Quyết định 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội được ban hành. Mặc dù mô hình này bước đầu đã đem đến một số hiệu quả tích cực, tuy nhiên Hà Nội còn đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác quản lý, bảo đảm trật tự xây dựng đô thị.
“Siết chặt” công tác xử lý, kiểm tra các vi phạm xây dựng trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quản lý trật tự xây dựng được nâng lên một bước. Đáng chú ý, 100% các công trình xây dựng được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ công trình có vi phạm giảm, số vụ việc tồn đọng giảm, tỷ lệ công trình có phép tăng.
Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao. Các trường hợp xây dựng vi phạm đã được cán bộ phát hiện và đề xuất biện pháp giải quyết. Điều này có tác động mạnh mẽ đến ý thức và nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý trật tự đô thị. Công tác giải quyết và xử lý các trường hợp “siêu mỏng siêu méo”, đôn đốc thực hiện xử lý các kiến nghị, kết luận sau thanh tra đạt hiệu quả tốt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động xây dựng chung của thành phố.
Theo báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tiến hành kiểm tra 10.194 công trình (đạt 100% công trình). Từ đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 357 trường hợp có vi phạm chiếm tỷ lệ 3,5%. Trong đó: 74 trường hợp xây dựng không phép; 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 05 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 162 trường hợp có các vi phạm khác.
UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 276/357 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 77,3% và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 81 trường hợp còn lại; Đã ban hành 569 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 4 tỷ đồng.
Việc thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã góp phần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đồng thời tạo điều kiện cho cấp cơ sở phát huy vai trò, tích cực chủ động kiểm tra, rà soát trên địa bàn. Những quy định mới đã giúp cấp cơ sở quản lý nhanh hơn, hiệu quả và kịp thời, giảm tình trạng xây dựng không phép, trái phép trước đây.
Ngoài ra, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Được đánh giá là lực lượng nòng cốt giúp UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị từ khâu kiểm tra, thiết lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý đến việc tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Từ đó các vi phạm sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định, phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý trật tự xây dựng, hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh của chính quyền cơ sở.
Từ những kết quả đã đạt được, trong 6 tháng tiếp theo, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho toàn bộ lực lượng thanh tra xây dựng trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực trong việc thiết lập hồ sơ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng…
Ngoài ra, công tác thanh kiểm tra hoạt động xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị trong đó tập trung vào các dự án phát triển nhà ở, các khu đô thị cũng được chú trọng. Điều này góp phần kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng từ khi mới phát sinh, không để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng.
Tuy nhiên, tại Thủ đô Hà Nội, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị tuy đã có những chuyển biến trong thời gian gần đây, nhưng diễn biến vẫn còn khá phức tạp. Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị vẫn chưa có hướng xử lý triệt để.
Hà Nội còn đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác quản lý, bảo đảm trật tự xây dựng đô thị.
Vấn đề quản lý trật tự xây dựng (TTXD) cũng là nội dung được HĐND TP Hà Nội quan tâm giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, 4, 5 HĐND thành phố (khóa 15). Sau các phiên họp, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế trong công tác này, nhờ đó tỷ lệ công trình vi phạm TTXD có chiều hướng giảm: Năm 2016, có 2.469 trường hợp, chiếm 13,5%; năm 2017, có 1.916 trường hợp, chiếm 10,99%; và năm 2018, có 1.065 trường hợp, chiếm 5,22%.
Tại phiên giải trình, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị ở một số lĩnh vực trên địa bàn Thủ đô chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý đất đai, quản lý TTXD còn hạn chế, yếu kém. Đáng chú ý, tiến độ xử lý các công trình vi phạm còn chậm. Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng chưa được xử lý dứt điểm tại các quận, huyện, thị xã, một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện, nhưng chưa được xử lý kịp thời, triệt để.
Làm rõ hơn các vấn đề tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Các sai phạm TTXD trên địa bàn chủ yếu ở bốn nhóm: Vi phạm ở công trình, dự án thuộc các chủ đầu tư; vi phạm trên đất nông nghiệp; vi phạm xây dựng nhà siêu mỏng siêu méo; vi phạm tại đất rừng phòng hộ. Những vi phạm diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều công trình gây ra nhiều bức xúc cho cử tri. Trong đó, có nguyên nhân do việc phát hiện vi phạm ở cơ sở không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ cho những vi phạm của cán bộ cơ sở.
Nêu lên thực trạng vi phạm trên đất nông nghiệp còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng: Tình trạng này do cán bộ cơ sở buông lỏng quản lý, cấp thành phố thanh tra không kịp thời. Thậm chí, có những trường hợp có dấu hiệu tội phạm như làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa sai phạm.
Khẳng định quyết tâm xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị, cần luật hóa chế tài xử lý đối với các chủ thầu và cá nhân vi phạm TTXD. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Công an thành phố sẽ xử lý nghiêm những trường hợp dung túng, tìm cách hợp pháp hóa các công trình vi phạm. Đối với những công trình vi phạm qua các thời kỳ khác nhau, tinh thần của thành phố là cương quyết, không châm chước bất kỳ trường hợp nào.
Về hoạt động của Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các quận huyện, trước đó UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018, có hiệu lực từ ngày 10/8/2018 về việc Thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội trong vòng 02 năm và Thủ tướng đã giao cho Hà Nội sơ kết, tổng kết để đánh giá hiệu quả của mô hình trên. Nếu thực sự có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hà Nội thì kiến nghị Quốc hội sửa Luật Thanh tra theo hướng xem xét đến đặc thù về tính chất đô thị đặc biệt của Hà Nội.
Đến nay đã hơn 1 năm thực hiện theo mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội, tuy nhiên những vấn đề trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị còn nhiều thách thức, những công trình vi phạm trật tự nghiêm trọng vẫn diễn ra.
Ánh Dương – Thành Luân
(Báo Xây dựng)
- Khó thu hồi 26.000 tỉ đồng tạm ứng cho khu đô thị Thủ Thiêm
- Đà Nẵng kiên quyết loại bỏ những dự án chậm đền bù giải toả
- Hà Nội kiểm toán chương trình nhà ở xã hội
- Ba phương án huy động 4,7 tỷ USD xây sân bay Long Thành
- TPHCM sẽ đấu giá 15 lô đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc thất thoát ngân sách từ đất đai đô thị
- Đấu giá quyền sử dụng đất dự án BT: Càng gỡ càng vướng
- Him Lam rút lui, Hà Nội tự bỏ hơn 2.500 tỷ làm cầu Vĩnh Tuy 2
- Bất cập Luật Xây dựng không hạn chế được lợi ích cục bộ
- TPHCM: Dự án nhà ở mới giảm 80% trong 6 tháng đầu năm