Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Kiểm toán nhà nước: Điều chỉnh dự án tràn lan, thủ phạm gây tắc đường, thiếu trường học

Kiểm toán nhà nước: Điều chỉnh dự án tràn lan, thủ phạm gây tắc đường, thiếu trường học

Viết email In

Kiểm toán nhà nước khu vực I cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch của các dự án trên địa bàn Hà Nội đa số theo xu hướng tăng chiều cao tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ…là yếu tố cơ bản gây áp lực lớn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục.


(Ảnh minh họa)

Bàn giao cả đường dân sinh cho chủ đầu tư

Đề cập đến thực trạng quản lý đất đai, Kiểm toán nhà nước khu vực I đã chỉ ra nhiều bất cập sau khi thực hiện kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng đất đai khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 – 2016.

Theo kiểm toán, đến tháng 8/2018, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị với 35/38 đồ án. Tại các khu đô thị được kiểm toán, việc giao đất cho các dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt. Các dự án góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng, nhất là việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân.

Không chỉ rõ dự án cụ thể, tuy nhiên, Kiểm toán nhà nước khu vực I cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch của các dự án được kiểm toán đa số theo xu hướng tăng chiều cao tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng. “Đây là yếu tố cơ bản gây áp lực lớn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục”, kiểm toán cho hay.

Cùng với đó, một số chỉ tiêu quy hoạch của một số dự án không đảm bảo theo quy chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành và các quy định hiện hành, như: Diện tích đất bố trí xây dựng trường học, mầm non không đủ nhu cầu tại chỗ nếu tính toán chỉ tiêu theo quy chuẩn 15m2/ 1 chỗ học. Việc bố trí đất làm bãi đỗ xe, cây xanh thiếu so với quy định; khoảng cách giữa các dãy nhà cao tầng của một số dự án chưa đảm bảo mức tối thiểu.

Theo kiểm toán, có dự án còn bàn giao cả phần đường dân sinh cho chủ đầu tư, nhiều dự án xác định giá đất kéo dài, chưa đảm bảo thời gian các bước theo quy trình thành phố quy định, làm chậm nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Phạt chậm nộp cũng hàng nghìn tỷ

Kiểm toán nhà nước khu vực I cho rằng, nếu tính toán như phạt chậm nộp đối với việc chậm xác định giá đất thì số tiền phạt của các dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, một số dự án được kiểm toán, đơn giá xác định doanh thu phát triển thấp hơn so với giá bán căn hộ hoặc đất thực tế theo các hợp đồng mua bán.

Cũng giống như kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước khu vực I chỉ rõ, việc thực hiện các dự án BT đối ứng của các dự án khu đô thị qua kiểm toán đều thực hiện hình thức chỉ định thầu. Có dự án chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng cùng lúc với quyết định chấp thuận thông qua đề xuất dự án, chưa thực hiện công khai danh mục dự án trên các phương tiện thông tin sau khi phê duyệt hồ sơ.

Đáng lưu ý, tại một số dự án được kiểm toán cho thấy, tổng diện tích đất bố trí cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu so với mức 20%, hoặc không bố trị tại các khu đô thị…

Để bịt các lỗ hổng thất thoát, nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng đất đai, Kiểm toán nhà nước khu vực I kiến nghị Bộ TN&MT chỉnh sửa những bất cập về hướng dẫn xác định giá đất theo phương pháp so sánh trực tiếp và phương pháp thặng dư tại thông tư 36. Đối với Bộ Xây dựng, cần bãi bỏ văn bản 2409 về việc áp dụng suất vốn đầu tư xây dựng công trình trong việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Kiểm toán cũng đề nghị thực hiện đấu giá đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các nhà đầu tư, khai thác hiệu quả các khu đất, tránh thất thoát cho nhà nước, giảm thiểu các dự án treo.

Luân Dũng

(Tiền Phong)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2336 khách Trực tuyến

Quảng cáo