Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Tái diễn nguy cơ “băm nát” quy hoạch Hà Nội

Tái diễn nguy cơ “băm nát” quy hoạch Hà Nội

Viết email In

UBND TP Hà Nội cũng như chính quyền địa phương phường Xuân Tảo đang đứng trước nguy cơ phải thu hồi quyết định điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ngoại giao đoàn do tham vấn sai đối tượng.

Khu đô thị Ngoại giao đoàn trước đây nổi tiếng là khu đô thị có mật độ xây dựng thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng… với quy mô 62,8ha nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu Đoàn ngoại giao cho Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức.  


Toàn cảnh khu đô thị Ngoại giao đoàn 

Chủ đầu tư bắt tay chính quyền

Sau 7 năm điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Ngoại giao đoàn vào năm 2010, mới đây nhất ngày 22/5/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Ngoại giao đoàn. Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. Trong đó có ô đất tăng gấp đôi mật độ xây dựng, tăng 3-4 lần tầng cao công trình. 

Điều đáng nói, việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại khu đô thị Ngoại giao đoàn phải có tham vấn ý kiến cộng đồng cư dân. Tuy nhiên, thời điểm ngày 4.11.2016, khi họp lấy ý kiến người dân về việc điều chỉnh quy hoạch, lãnh đạo phường Xuân Tảo đã lấy ý kiến của 10 người không phải là cư dân mua nhà tại Khu Ngoại giao đoàn.

Bà Đỗ Thị Hương Chà, Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo thừa nhận, 10 người được mời cho ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch là cư dân thuộc Tổ dân phố số 1, không phải cư dân mua nhà sinh sống trong Khu Đoàn ngoại giao.

“Quy trình thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/500 nêu trên đã sai ngay từ khâu lấy ý kiến người dân, tham vấn sai đối tượng. Chúng tôi đề nghị UBND TP Hà Nội hủy bỏ quyết định điều chỉnh quy hoạch 1/500 cục bộ vào cuối tháng 5 vừa qua. Muốn thay đổi, phải làm lại quy trình thủ tục đề xuất từ khâu tham vấn cộng đồng, trong đó phải cho cư dân mua nhà, sinh sống tại khu Ngoại giao đoàn tham gia” - ông Cao Xuân Tùng, đại diện hàng trăm cư dân tại khu đô thị Ngoại giao đoàn kiên quyết cho biết. 

Lo kịch bản lặp lại

Đại diện Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) không phủ nhận chính doanh nghiệp là người đề xuất UBND TP Hà Nội cho điều chỉnh quy hoạch. “Bởi so với bản quy hoạch cũ, khu đô thị Ngoại giao đoàn chỉ là những là toà 5 – 10 tầng thì cực kỳ lãng phí quỹ đất, trong khi doanh nghiệp xây thấp tầng như vậy cũng không có lãi” - lãnh đạo doanh nghiệp này giải thích.

Nghe thì có lý nhưng nhiều người lo ngại, nếu quyết định trên không được thu hồi thì nguy cơ sẽ có một kịch bản “băm nát” quy hoạch lặp lại tương tự như ở khu đô thị từng coi là kiểu mẫu tại Hà Nội là khu đô thị Linh Đàm.

Khu đô thị này được khởi công từ năm 1997, trên diện tích 200 ha (bao gồm cả 74 ha hồ điều hòa) với quy mô dân số khoảng 25.000 người. Đến năm 2001, khu đô thị kiểu mẫu này cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay các khu chung cư cao tầng vẫn ùn ùn mọc lên khắp khu đô thị, khiến dân số lên đến khoảng 70.000 người.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam thừa nhận, hiện nay các loại quy hoạch của Hà Nội đã được xây dựng khá đầy đủ nhưng đến giai đoạn lập quy hoạch chi tiết thì lại có sự điều chỉnh cục bộ, thay đổi khá nhiều so với mục tiêu ban đầu. Nhiều cái sai nhỏ, cộng lại thành sai lớn. Chưa kể có quy hoạch nhưng lại thiếu kế hoạch dẫn đến tình trạng dàn hàng ngang để đầu tư theo phong trào – cứ chỗ nào có đất trống là Chính quyền địa phương cấp cho nhà đầu tư và chủ yếu là để xây dựng nhà ở.

“Chúng ta cần có dự báo về dân số cũng như nhu cầu nhà ở trong tương lai để hoạch định các khu vực phát triển dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân nhưng cũng tránh phá vỡ quy hoạch” – ông Chính cho biết.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng chia sẻ, người dân không còn muốn chứng kiến những tòa cao ốc “chọc trời” mọc lên ở nội thành Hà Nội mà phía dưới đó là đường tắc, quá tải, ô nhiễm, ngột ngạt… càng không muốn chấp nhận những lãnh đạo, cán bộ thiếu cẩn trọng mà cho phép xây dựng chung cư cao tầng, vì những lợi ích nào đó. “Việc ngăn chặn phải ngay từ gốc, chứ nếu cứ để nhà cao tầng xây xong, “bóp nghẹt” Thủ đô mới tìm cách xử lý, thì hậu quả sẽ ngày càng nặng nề và khó khắc phục” – Lãnh đạo Hà Nội cho biết.

Trong khi đang chờ cơ quan chức năng vào cuộc thì Bộ Xây dựng cho biết đang phối hợp với một số Bộ, ngành kiểm tra công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng các nhà chung cư cao tầng ở một số khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội, khả năng trong đó có khu Ngoại giao đoàn. 

Thiên Bình 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2848 khách Trực tuyến

Quảng cáo