Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng vừa có văn bản gửi các cơ quan báo chí để phản hồi về việc “không chia lợi nhuận” đã và đang gây xôn xao công luận.
UBND Tp.HCM: Lãi cao nhưng không chia
Cụ thể, trong một văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Tp.HCM cho biết một số trường hợp doanh nghiệp nhà nước liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài không được chia lợi nhuận, dù đối tác liên doanh nhiều năm liền lãi lớn, trong đó có trường hợp Phú Mỹ Hưng.
Nguyên nhân là tỷ lệ nắm giữ vốn của doanh nghiệp Nhà nước trong liên doanh không chi phối nên không quyết định được việc chia lợi nhuận này, dẫn đến doanh nghiệp Nhà nước bị giữ lại lợi nhuận không chia, ảnh hưởng đến việc nộp ngân sách trong tình hình khó khăn hiện nay.
Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Theo UBND Tp.HCM, từ năm 2010 đến 2014, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng hoạt động kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận cao. Mặc dù bên Việt Nam đã nhiều lần biểu quyết yêu cầu đối tác liên doanh chia lãi, tuy nhiên, do không có quyền chi phối nên không quyết định được việc chia lợi nhuận.
Uớc tính khoản lợi nhuận lẽ ra liên doanh phải chia cho bên Việt Nam khoảng 1.444 tỷ đồng, do đó việc không chia đã ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách Nhà nước từ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của các công ty 100% vốn Nhà nước.
Do đó, UBND Tp.HCM đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu điều chỉnh quy định về chia lợi nhuận đối với trường hợp liên doanh giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đó, cần quy định doanh nghiệp liên doanh phải chia lãi hàng năm sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.
Phú Mỹ Hưng: Vẫn chịu nhiều gánh nặng
Trước thông tin này, Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng cho rằng năm 2014, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã nộp ngân sách 1.292 tỷ đồng, là doanh nghiệp đứng hàng thứ 5 nộp ngân sách cao nhất được thành phố khen thưởng.
Nếu tính lũy kế nhiều năm thì tổng số nộp ngân sách lũy kế từ ngày thành lập đến nay là 7.071 tỷ đồng.
Về tình hình phân chia lợi nhuận, tính đến năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (viết tắt là IPC), đại diện phía Việt Nam trong liên doanh, đã được chia lợi nhuận và thực nhận là 2.425 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính cả phần lãi công ty IPC thực nhận, phần thuế đã nộp vào ngân sách và tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách là 5.827 tỷ đồng thì cho đến nay liên doanh này đã đóng góp cho ngân sách thành phố tổng cộng 15.323 tỷ đồng
Từ cuối năm 2009, hoạt động kinh doanh của liên doanh gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản không thuận lợi. Để nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút khách hàng, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã đầu tư xây dựng các công trình có quy mô lớn như khu The Cresent (2.000 tỷ đồng).
Thêm vào đó, từ năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố, công ty liên doanh phải đóng tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chưa ký kết hợp đồng mua bán (khoảng 63ha) với số tiền gần 6.000 tỷ đồng.
Để giải quyết các gánh nặng về tài chính trên, thông qua hội đồng thành viên, công ty Phú Mỹ Hưng đã huy động tất cả các nguồn lực về tài chính, kết hợp vay ngân hàng.
Từ năm 2010 đến 2014, tuy việc kinh doanh có chiều hướng phục hồi, có lợi nhuận, nhưng liên doanh vẫn chưa trút bỏ được gánh nặng về tài chính.
Trước tình hình đó, thông qua tỷ lệ biểu quyết 67%, hội đồng thành viên công ty Phú Mỹ Hưng đã thống nhất: tạm thời không chia lãi cho cả hai bên trong liên doanh, để lại nguồn lãi thu được từ kinh doanh để tái đầu tư, phát triển kinh doanh.
Quyết định trên được đưa ra dựa trên bài toán kinh doanh và hướng đến lợi ích lâu dài của liên doanh, bởi nếu chia lợi nhuận cho phía Việt Nam (IPC) 30% thì phải chia lợi nhuận cho phía nước ngoài là 70%.
"Về phía đối tác nước ngoài trong liên doanh cũng rất mong muốn được chia phần lợi nhuận của mình để chuyển về nước. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính của công ty, nếu thực hiện việc chia lợi nhuận cho 2 bên, công ty buộc phải vay tiền ngân hàng (với lãi suất 10%/năm), tiền lãi này sẽ cấu thành chi phí của công ty, làm giảm lợi nhuận của các năm sau đó. Cộng với các khoản vay hiện tại thì gánh nặng tài chính của liên doanh sẽ là rất lớn. Tất nhiên, IPC cũng phải chia sẻ 30% gánh nặng đó", văn bản viết.
Công ty này cũng cho rằng việc tạm thời không chia lãi cho cả hai bên là phù hợp và đã được các bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn.
Cụ thể, trong Công văn số 573/BTP-PLSKT ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp và Công văn số 2402/BKHĐT-QLKKT ngày 22/04/2014 gửi Phú Mỹ Hưng đều khẳng định: theo Luật Doanh nghiệp, công ty chỉ chia lợi nhuận cho các thành viên khi công ty kinh doanh có lãi, đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; đồng thời vẫn phải đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.
Việc quyết định chia lợi nhuận hay không, chia như thế nào là thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp và luật này quy định hội đồng thành viên là cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận.
Công văn của Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh rằng: “Việc doanh nghiệp quyết định tạm thời không chia lãi các năm 2010, 2011, 2012 cho các bên trong xông ty liên doanh, để lại nguồn thu từ kinh doanh để tái đầu tư, phát triển kinh doanh là phù hợp với quy định của pháp luật”.
Chờ phản hồi
Theo ông Nguyễn Bửu Hội, Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, việc tạm thời chưa phân chia lợi nhuận cho các bên đối tác trong Liên doanh Phú Mỹ Hưng là phù hợp với pháp luật và tình hình hoạt động của công ty.
Do đó, việc phân chia lợi nhuận sẽ được tiếp tục thực hiện sòng phẳng theo quy định của pháp luật, hợp đồng liên doanh và tình hình tài chính thực tế của công ty.
Hiện chưa rõ UBND Tp.HCM sẽ có ý kiến chính thức như thế nào về phản hồi này. Thời gian gần đây, trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn, các tỉnh thành chịu áp lực "thu đúng, thu đủ" các khoản thu, đặc biệt là từ các doanh nghiệp lớn.
Anh Minh
(VnEconomy)
- Công ty Nhật muốn đầu tư trung tâm thương mại ngầm tại Quận 1 - Tp.HCM
- Thành lập mới một số khu công nghệ cao
- The Crown Mullbery Lane hướng đến không gian sống xanh
- Tạo hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình
- Sai phạm tại Nhà hàng Lã Vọng trên bán đảo hồ Đống Đa
- Hà Nội: phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai, tỷ lệ 1/500
- Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Các nhà thầu Trung Quốc còn chây ì những gì?
- Dự án EcoHome 2 cung cấp cho Hà Nội thêm 980 căn nhà ở xã hội
- “Ẩn số” mới của thị trường bất động sản Tây Bắc Thủ đô
- Ra mắt khu căn hộ The Landmark tại dự án tổ hợp tháp cao nhất Việt Nam