Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) có nguy cơ đội vốn từ 1,3 tỉ đô la Mỹ lên 2,1 tỉ đô la do trượt giá và tăng khối lượng trong các hạng mục thiết kế.
Chính quyền TPHCM vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiến độ các dự án đường sắt đô thị, trong đó tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) bị chậm 2 năm so với kế hoạch đã được phê duyệt.
Hướng tuyến metro số 2 (Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM)
Nguyên nhân bị chậm được lý giải là do điều chỉnh thiết kế làm ảnh hưởng đến việc đấu thầu, công bố giải phóng mặt bằng, phương án tái bố trí hạ tầng kỹ thuật để các quận thu hồi đất và giải phóng mặt bằng.
Việc chậm tiến độ có thể kéo theo tổng mức đầu tăng. Theo báo cáo, sau khi thực hiện thiết kế nền tảng tổng mức đầu tư dự kiến tăng khoảng 784 triệu đô la Mỹ, (tăng từ 1,3 tỉ đô la Mỹ lên 2,1 tỉ đô la).
Nguyên nhân tăng vốn là do trượt giá bởi tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt từ năm 2010 đến năm 2014 khi thực hiện thiết kế nền tảng đã có nhiều thay đổi và tăng khối lượng trong các hạng mục thiết kế.
Tuy nhiên, mức tăng này mới chỉ là dự tính do đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đề xuất. Chính quyền TPHCM đã yêu cầu chủ đầu tư rà soát kỹ làm rõ từng nội dung phát sinh. Trên cơ sở đó UBND TPHCM sẽ lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương trước khi trình Chính phủ xem xét điều chỉnh dự án.
Tuyến metro số 2, giai đoạn 1, đoạn Bến Thành - Tham Lương có chiều dài 11 km, tổng mức đầu tư theo dự toán trước đây là 26.116 tỉ đồng (tương đương 1,3 tỉ đô la Mỹ). Trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là 540 triệu đô la Mỹ, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) 313 triệu đô la, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) 195 triệu đô la. Ngoài ra, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 326,5 triệu đô la (tương đương 6.204 tỉ đồng).
Theo kế hoạch, dự án sẽ được phê duyệt thiết kế nền tảng vào tháng 12/2014. Năm 2015 sẽ tiến hành đấu thầu, năm 2016 khởi công. Dự kiến hoàn thành thi công vào năm 2019, vận hành chạy thử, khai thác vào năm 2020.
Trước đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện đang được xây dựng cũng đội vốn từ hơn 1 tỉ đô la Mỹ lên 2,4 tỉ đô la. Nguyên nhân tăng vốn của dự án này được các chính quyền TPHCM cho biết là do trượt giá và do chưa có kinh nghiệm trong lập dự án nên còn thiếu nhiều hạng mục.
Lê Anh
- Ban hành quy trình xác định giá đất trên địa bàn Hà Nội
- Dự án sân bay Long Thành: Lo gánh nặng nợ công tăng
- Nhà, đất cho ngoại giao vẫn phải theo “giá thị trường”
- 1.254 tỉ đồng xây cảng đón tàu khách quốc tế đến Phú Quốc
- Chính phủ đồng ý xây sân bay Long Thành
- Sẽ có một khu phức hợp lớn ở Khu Công nghệ cao TPHCM
- TPHCM: Dân chưa đồng tình xây Trung tâm thương mại tại chợ Tân Bình
- “Hạn chót” cho chiến dịch rà soát dự án bất động sản tại Hà Nội
- Các đại dự án đường sắt đô thị: Đội vốn, không hẹn ngày về đích
- Sắp khởi công 7 dự án giao thông lớn