Quy định mới về quản lý nhà biệt thự tại đô thị

Thứ bảy, 12 Tháng 12 2009 06:59 Tuổi Trẻ Kinh tế / Pháp luật
In

Các biệt thự tại đô thị, kể cả biệt thự thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân, sẽ được “siết chặt” quản lý hơn so với hiện nay, theo nội dung trong thông tư hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà biệt thự tại khu vực đô thị do Bộ Xây dựng vừa ban hành. Quy định có hiệu lực từ ngày 22-1-2010.

Thông tư trên xếp loại các biệt thự gắn với di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc do cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, thành phê duyệt vào nhóm 1. Do vậy cấm tự ý phá dỡ hoặc cải tạo làm thay đổi quy hoạch (mật độ xây dựng, số tầng, độ cao), kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng đối với loại biệt thự này.

Những biệt thự không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị về kiến trúc do cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, thành phê duyệt được xếp vào nhóm 2 và cấm tự ý phá dỡ hoặc làm thay đổi quy hoạch, kiểu dáng kiến trúc bên ngoài.

Các biệt thự còn lại không thuộc hai nhóm trên được xếp vào nhóm 3 và cấm cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung dưới mọi hình thức. Cấm tự ý đục phá, cải tạo, tháo dỡ hoặc làm thay đổi phần kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngoài của biệt thự…

Việc gây tiếng ồn quá mức quy định, làm ảnh hưởng đến trật tự nhà biệt thự; xả rác thải, nước thải, khí thải, chất độc hại bừa bãi, quảng cáo, viết, vẽ là những hành vi cũng bị cấm đối với nhà biệt thự. Nuôi gia súc, gia cầm thuộc phần sở hữu chung, kinh doanh các ngành nghề và các loại hàng hóa dễ gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và tự ý phá bỏ cây cổ thụ trong khuôn viên nhà biệt thự… theo quy định trên cũng không được làm.

Ước tính TP có đến hàng chục ngàn biệt thự, phần lớn là biệt thự thuộc sở hữu tư nhân tại các khu đô thị mới và số lượng này gần đây phát triển khá nhanh. Riêng các khu biệt thự cổ tại quận 1, 3… phần lớn đã bị “biến dạng”. Hiện các cơ quan chức năng TP.HCM đang tiến hành thống kê số lượng biệt thự trên địa bàn TP. 
Quy định khuyến khích việc giãn dân tại các biệt thự có nhiều hộ ở cũng như khuyến khích sửa chữa, cải tạo đối với những biệt thự đã bị biến dạng để phục hồi nguyên trạng theo kiểu dáng kiến trúc. Nhà biệt thự gắn với di lịch sử - văn hóa thì việc bảo trì phải theo các quy định về sửa chữa, tu bổ, phục hồi di tích.

Nhà biệt thự có nhiều chủ sở hữu thì mỗi chủ sở hữu có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng của mình và đóng góp kinh phí để bảo trì cho phần sở hữu chung. Mức đóng góp tùy theo thỏa thuận của các chủ sở hữu. Nếu không có thỏa thuận thì kinh phí đóng góp tính tương ứng với phần diện tích sử dụng.

Những biệt thự thuộc nhóm 1 khi bảo trì có thay đổi màu sắc, vật liệu xây dựng phải được UBND tỉnh, thành chấp thuận, sau khi có ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý xây dựng, kiến trúc, văn hóa. Không cải tạo làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu của các biệt thự thuộc nhóm này. Không phá dỡ biệt thự, trừ trường hợp hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ và đã có kết luận của cơ quan thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình. Nếu phá dỡ khi xây lại phải đảm bảo giữ đúng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng, quy hoạch của biệt thự cũ.

Chủ sở hữu các biệt thự phải lập, lưu trữ hồ sơ biệt thự mà mình đang sử dụng và nộp một bản cho cơ quan quản lý tỉnh thành hoặc quận huyện, tùy nhóm biệt thự.

Dựa vào thông tư trên, UBND tỉnh, thành ban hành các quy định về quản lý nhà biệt thự trên địa bàn cho phù hợp với thực tế của từng địa phương. Trong đó khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia gìn giữ, tôn tạo các biệt thự thuộc nhóm 1, 2. Đồng thời rà soát quỹ nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn và xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng quỹ nhà biệt thự có hiệu quả, tránh lãng phí.

LAN VI

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: