Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kỹ sư Thép hay bê tông? Bê tông hay thép?

Thép hay bê tông? Bê tông hay thép?

Viết email In

Sân vận động Tổ Chim đang làm nên niềm tự hào cho người Trung Quốc. Nhưng có những bí mật gì được ẩn chứa bên trong công trình kiến trúc tuyệt vời này? Phóng sự của Tom Scocca thuộc tạp chí The New York Observer.


Sân vận động Tổ Chim - niềm tự hào của người dân Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong tầng hầm của sân vận động quốc gia Bắc Kinh, trước cửa phòng họp báo, tôi đang chạm tay vào một thứ đã ám ảnh tôi suốt từ mấy tháng qua. Quả thực là tôi đã chạm tay vào nó. Trước mắt tôi hiện giờ, xiên chéo lên phía trần nhà là một trong những khối thép khổng lồ đã tạo nên bộ khung xương chằng chéo và hoành tráng của sân vận động nổi tiếng mang tên Tổ Chim.

Đây là lần thứ hai tôi có dịp tới thăm sân vận động. Từ vài năm trở lại đây, tôi đã đọc (và viết) nhiều bài liên quan tới công trình đặc biệt lộng lẫy này, từ khi nó mới chỉ nằm trong ý tưởng cho đến quá trình xây dựng và hoàn thiện. “Một chiếc lưới mắt cáo bằng thép” (The New York Times), “Một khối xà thép chằng chịt” (The Times), “Một bộ khung thép mê hoặc” (The Guardian), “Một khung thép đồ sộ” (tôi viết). Miêu tả công trình này cũng giống như nói về một nhà hàng nào đó mà không biết phải mượn cách nói mới mẻ nào để đủ sức thay cho từ “tuyệt ngon”. Hay đơn giản chỉ là: Đó là một chiếc tổ chim. Được làm bằng kim loại. Chấm. Thân của chiếc xà mà tôi đang quan sát đã bị mòn vẹt một phần nhỏ. Một màu xám thẫm xuất hiện trên bề mặt ánh bạc. Tôi chạm đầu ngón tay vào phần đã bị mòn đó. Khi rút ra, tay tôi dính phải một lớp bụi bê tông. Đó chính là điều mà tôi đã e ngại từ lần đầu tiên đặt chân tới đây vào tháng 4. Hàng chục ngàn người đã chờ đón giây phút được là những khán giả đầu tiên được chiêm ngưỡng một cách hoàn chỉnh công trình Olympic tuyệt vời này. Đôi chân cứ dẫn tôi đi, dường như không còn nghe theo lời của lý trí. Tổ Chim đúng là đây rồi!

Tôi dạo bước trong sảnh lớn, quan sát từng chi tiết: màu đỏ đậm trên các bậc thang, những chiếc đèn treo tường độc đáo, toa-lét sơn đen sang trọng, các panô và logo lấy ý tưởng từ nhãn hiệu thời trang hip hop Bathing Ape. Và hiện diện ở khắp mọi nơi là những cây xà thép khổng lồ đan chéo vào nhau theo nhiều góc độ. Tôi tiến về phía một trong số những cây xà, chạm vào rồi gõ tay lên đó. Một tiếng cạch trầm đục phát ra. Cạch ư? Tôi gõ lại một lần nữa, một chút bối rối xuất hiện trong đầu. Tôi không phải là thợ kim khí cũng không phải là kĩ sư xây dựng nhưng tôi có cảm giác như mình đang gõ vào bê tông. Không phải là thép. Ít nhất thì đó cũng không phải là cảm giác khi người ta gõ tay vào một thanh thép. Chuyện này là sao đây?

  • Ảnh bên : Sân vận động Tổ Chim trong quá trình xây dựng - en.beijing2008.cn

Đặt chân tới Trung Quốc, tôi có cảm tưởng như mình đang từng bước dò dẫm tiến vào một đám sương mù. Một phần là do ngôn ngữ (và với trường hợp của tôi, đó thậm chí còn là một trở ngại rất lớn), nhưng bên cạnh đó còn có một thứ gì đó tù mù, không định hình nổi, nhất là khi chúng tôi đang trên đường tìm kiếm thông tin. Người dân cũng như các cấp chính quyền ở đây không có thói quen tiếp xúc nhiều với phóng viên. Không hẳn là họ quá kín đáo, không hợp tác hay muốn phá rối, cũng không phải là vì họ chưa chuẩn bị đầy đủ để trở thành khách mời phỏng vấn của một tờ báo hoàn toàn tự do. Chỉ có điều những người mong muốn hợp tác và đôi khi có ý định hé lộ những thông tin mới lại thực sự không biết nên trả lời ra sao trước báo chí.

Đôi khi, điều tốt nhất mà cánh phóng viên có thể làm là cung cấp những thông tin đã được đăng tải trong các báo cáo chính thức. Tuy nhiên, những sự kiện và số liệu lại không mấy khi thống nhất. Khi thì có tin xe ôtô cá nhân sẽ bị cấm lưu thông trong vòng 2 tuần, khi lại có tin lệnh cấm đó chỉ diễn ra trong 4 ngày (?!). Việc hút thuốc lá được cho là bị cấm hoàn toàn trong toàn thành phố, thế nhưng cuối cùng người ta lại được phép hút thuốc trong các nhà hàng, sàn nhảy, quán cà phê và cả ở những nơi khác nữa (?!). Năm ngoái, tôi đã đọc thông báo của một quan chức Trung Quốc trong một buổi họp báo rằng Trung Quốc không có ý định làm thay đổi thời tiết trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh. Nhưng cùng thời điểm đó, tôi cũng đã có dịp phỏng vấn lãnh đạo của Phòng thay đổi thời tiết. Họ đã giải thích cho tôi về quá trình hoạt động của hệ thống phòng ngừa mưa trong một khoảng chu vi nhất định và đưa tôi đi tham quan một kho đại bác dùng để bắn xua tan mây (?!).

Giờ thì tôi đang ở đây, trong tầng hầm của Tổ Chim, với tất cả sức nặng của công trình khổng lồ ở ngay trên đầu. Tôi tới đây để tham dự một cuộc hội thảo về công tác báo chí trong thời gian Olympic. Theo dự kiến, cuộc hội thảo sẽ được tổ chức tại phòng họp báo. Nhưng khi tôi bước chân vào, phòng họp vẫn còn trống trơn với những hàng ghế nhựa trắng nằm dưới ánh đèn phơn phớt xanh, bên cạnh những chiếc tủ lạnh chứa đầy các chai nước mà chưa hề có ai động đến. Trong sảnh lớn, đứng gần những cây xà là một tình nguyện viên. Cô đi qua chỗ tôi, nói rằng cuộc họp có lẽ sẽ bắt đầu sau nửa tiếng nữa và cô ấy sẽ đi kiểm tra xem. Vậy là tôi lại có thời gian quan sát lần nữa cây xà thép với vết sứt trên đó. Liệu người ta có thể làm mẻ một cây thép không nhỉ? Và còn đây là ngón tay trỏ bên trái của tôi vẫn dính đầy bụi bê tông. Tôi bắt đầu nhẩm tính lại những ghi chép của mình từ lần đầu tiên đặt chân tới đây vào tháng 4, lần đầu tiên tôi gõ tay vào cây xà thép. Tôi sẽ phải gửi đi một bản đính chính thông tin. Nhưng tôi sẽ nói gì với họ đây? Tôi không phải là một kĩ sư xây dựng. Những kiến thức của tôi về lĩnh vực này lại rất hạn chế. Hay có thể còn có một lớp thép khác đặt dưới lớp bê tông chăng? Hay là lại còn một lớp bê tông đặt dưới lớp thép đó nữa? Sau hơn hai năm viết phóng sự về Olympic Bắc Kinh, giờ đây thậm chí tôi không biết nổi sân vận động quốc gia Tổ Chim được làm bằng gì nữa!

  • Ảnh bên : Thép hay bê tông? Bê tông hay thép? – 2008bimc.cn

Cuộc hội thảo cuối cùng đã bị hoãn lại. Tôi trở về nhà và bắt đầu lục lọi tất cả những tài liệu ghi chép. Trong số các tài liệu được cất kỹ của mình, tôi tìm thấy một thông cáo của hãng thông tấn Xinhua viết bằng tiếng Anh. Có thể đây là bản đã được Ủy ban tổ chức Olympic viết hoặc dịch lại, đề cập đến một cuộc phỏng vấn với Li Jiulun, kĩ sư trưởng công trình Tổ Chim. Bài viết nói rằng Li Jiulun cùng êkíp của ông đã “đặt các thanh bê tông vào trong những ống thép”, sau đó “bơm bê tông vào trong mặt dưới các ống thép để tạo thành hơn 1.300 cây xà bê tông kích thước lớn (như vậy sẽ hiệu quả hơn gấp 3 lần so với các phương pháp kĩ thuật của nước ngoài). Sau khi đọc xong bài viết, thậm chí tôi còn cảm thấy càng khó hiểu hơn nữa về cách thức xây dựng sân vận động này.

Tôi quyết định gửi email tới Arup, một trong số 3 công ty tham gia thiết kế sân vận động nhưng không hề nhận được hồi âm. Vậy là tôi quay trở lại Tổ Chim. Ở đó tôi gặp một số phóng viên khác và bắt đầu làm phiền họ bằng những câu hỏi: “Theo anh, sân vận động này được làm bằng gì? Tôi nghĩ rằng tất cả đều được xây dựng từ bê tông! Có ai đó biết gì về điều này không?”. Tôi gửi cả những tin nhắn cho nhiều đồng nghiệp khác nữa. Và chờ đợi. Rồi tôi nhận được tin nhắn từ một trong số các phóng viên: “A3. Ra ngoài đi. Kiến trúc sư. Ngay lập tức”. Tôi vội vàng chạy thẳng về phía tiền sảnh và nhận ra ngay ông J Parrish, giám đốc thiết kế của công ty Arup Sport. Đó là một người hoạt bát, nhanh nhẹn và có phần hay nói. Parrish đang lịch sự trả lời một phóng viên đài phát thanh rằng ông ta hoàn toàn không biết gì về chương trình cụ thể của buổi lễ khai mạc. 

“Thưa ông, những cây xà này được làm bằng gì vậy?”, tôi hỏi nhỏ. Parrish nhìn xung quanh và trả lời: “Bằng bê tông”, rồi chỉ vào cây xà gần nhất, sau đó vừa chỉ vào từng chiếc một ông vừa nói: “Bê tông, bê tông, bê tông… thép”.

Thép ư? Những cây xà ở phía ngoài là thứ vô cùng quan trọng với mọi công trình nên được làm hoàn toàn bằng thép. Parrish giải thích. Những ô thép bên ngoài với chiều dày khác nhau được đặt theo các góc chéo. Còn các cây xà bên trong chủ yếu được làm bằng bê tông. Chúng được sơn màu bạc để màu sắc của cả công trình được thống nhất.

Phải đập vào các cây xà này bằng búa mới thấy rõ được sự khác biệt, ông Parrish nói thêm. Khi tôi rời khỏi sân vận động thì đã gần nửa đêm. Tôi sẽ phải đi bộ rất lâu mới tìm được một chiếc taxi. Nhưng trước khi đó, tôi tiến đến phía những cây xà bên ngoài Tổ Chim và lấy hết sức gõ mạnh lên đó. Một tiếng kêu vang.

Diệu Châu (dịch)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo