Trong khi các phương án về cổng chào Hà Nội đón 1000 năm Thăng Long đang còn có nhiều tranh cãi thì KTS Lê Quang Ngọc - Giám đốc Công ty CP kiến trúc xây dựng số 1 Hà Nội (ANCC) đưa ra phương án chỉ nên xây dựng một cổng chào đặc biệt và đơn vị của ông sẽ hoàn toàn tự kêu gọi kinh phí. Ông đã dành cho Ashui.com cuộc trao đổi về dự án này.
Đã có nhiều cuộc thi thiết kế Cổng Hà Nội, cũng nhiều KTS đóng góp những mô hình cổng cho Thủ đô, nhưng dường như chưa “tới” và dự án xây Cổng Hà Nội vẫn dậm chân tại chỗ. Tại sao anh lại tham gia dự án này?
KTS Lê Quang Ngọc: Tôi được UBND TP Hà Nội mời giúp đỡ VP Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long để sớm có bản vẽ phác họa 5 cổng chào tại những cửa ngõ vào Thủ đô. Đây là một đề tài khó, thực sự khó vì chưa có tiền lệ, tính biểu tượng của cổng lại rất khó biểu đạt, truyền tải những thông tin, những nét văn hóa của Hà Nội, của Việt Nam. Tôi và các đồng nghiệp đã rất vất vả nghiên cứu tài liệu, tìm ý tưởng và dựng bản 3D cho mô hình cổng chào Thăng Long. Từ một thư mời của TP thôi đấy, và cũng hoàn toàn làm vì muốn đóng góp một chút sức mình cho Hà Nội mai sau.
Anh có thể chia sẻ với độc giả những ý tưởng chính của Cổng Thăng Long?
Trong năm vị trí chọn để dựng cổng (quốc lộ 1A, đường sân bay Nội Bài, đường Láng – Hòa Lạc, đường đi Hải Phòng, đường đi Lạng Sơn) tôi chọn vị trí giao lộ quốc lộ 2 với đường Thăng Long Nội Bài bởi đây là cửa ngõ giao lưu quốc tế, như một sự đón mừng khách đến Việt Nam, như một sự chào đón những người con trở về. Và câu chuyện bắt đầu với những hình ảnh quen thuộc với người dân Việt: cây đa, cây tre, bến nước, con đò. Cổng Thăng Long lấy ý tưởng từ cây tre Việt, tượng trưng cho tinh thần dân tộc bất khuất, đồng thời gợi nhớ đến hình ảnh Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc. Nhìn từ xa, cổng như một vòm đa cổ thụ rợp lá, ẩn hiện bóng Rồng thời Lý, như một biểu tượng của thế đất Thăng Long, “Cửu long chi mạch – quy vu Đại La”.
Cổng Thăng Long được thiết kế như một vòng tay rộng mở nằm trong một quần thể kiến trúc cổng, đình làng Việt, như thể quấn quýt, như thể tình làng nghĩa xóm. Đó thực sự là một công trình sáng taọ kết hợp giữa các KTS (Công ty ANCC) các nhà văn hóa, họa sĩ, điêu khắc gia… Như lời GS, nhà văn hóa Hà Văn Cầu nhận xét: “Tác phẩm này vừa có tính “lịch đại”, vừa có tính “đồng đại”, nghĩa là kết nối được quá khứ và hiện tại, mang được hơi thở của thời đại, tính hiện đại, giản dị, phóng khoáng nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc”.
Ngoài lề một chút, anh đánh giá như thế nào về kiến trúc Hà Nội hiện nay?
Người ta vẫn quan niệm “Phú quý sinh lễ nghĩa”, nhiều người vẫn nghĩ kiến trúc chỉ được bàn đến khi người ta giàu có hơn, đầy đủ hơn. Thực tế ở Hà Nội cho thấy: ngay khi đời sống khá lên, người dân có tiền hơn thì kiến trúc của chúng ta càng ngày càng kém đi, từ trụ sở công quyền đến nhà dân. Không phải dân tộc Việt Nam quen sáo rỗng, thích hư danh, kém sáng tạo đến mức kiến trúc của chúng ta phải trở nên đều đặn, sao chép, già nua, cũ kỹ đi như thế. Sự thật, Hà Nội gần đây chưa có được một tuyến phố đẹp đúng nghĩa. Chúng ta từng kỳ vọng vào những khu phố mới như Mỹ Đình, Hoàng Đạo Thúy… nhưng rồi sớm thất vọng, chẳng mấy chốc những tuyến phố đó đã lại nhếch nhác, không có không gian vui chơi cho trẻ em, ghế ngồi cho người già, không có những không gian tĩnh, những khoảng lặng cho phố… Đó là một thực tế đáng buồn của Hà Nội mới, của kiến trúc Hà Nội đương đại.
Theo anh, chúng ta có thể làm gì?
Kiến trúc Hà Nội đương đại đã là cả một cơ chế, một thể chế, thật khó để đóng góp. Mỗi chúng ta chỉ có thể làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Chúng ta có nền văn hóa cao, kiến trúc cũng như các nghệ thuật khác, phải gợi mở được tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc thì những công trình, những tuyến phố đô thị mới đạt được tính bản sắc. Nếu không, KTS chỉ dừng ở mức lao động kiếm sống, không thể sáng tạo, không thể có tác phẩm thực thụ. Đặc biệt, ở khâu quy hoạch HN hiện nay, hoàn toàn thiếu bản sắc, không có ước mơ phấn đấu đạt được trình độ phát triển, và không hề có sự dấn thân, sáng tạo của những người làm quy hoạch.
Thêm vào đó, mỗi công trình, mỗi dự án dường như thiếu vắng sự tôn vinh đối với các KTS – tác giả. Kiến trúc là một nghệ thuật, phải trả lại cho kiến trúc những ưu đãi như các ngành nghệ thuật khác: quyền tác giả, quyền được bảo hộ để làm việc một cách chuyên nghiệp. Thử nghĩ mà xem, nếu gắn tên tuổi của KTS vào trách nhiệm đối với công trình, suốt đời bảo hành công trình đó, buộc họ phải làm cho tốt, từng công trình tốt, tuyến phố đẹp… từng bước nhỏ được xâu chuỗi lại sẽ xây dựng được hệ thống đô thị hoàn chỉnh. Thực lòng, tôi vẫn tin với sự nỗ lực của mỗi KTS – mắt xích trong hệ thống, và sự phối hợp chặt chẽ của các nhà quản lý, của mỗi người dân, Hà Nội của chúng ta sẽ hoàn chỉnh cơ chế và ngày càng đẹp hơn.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Bích Vượng (thực hiện)
Ý tưởng "Cổng Thăng Long" do KTS Lê Quang Ngọc và cộng sự thực hiện: - Ý tưởng đã được cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả sô 1562/2010/QTG ngày 01/06/2010
|
Ảnh: KTS Lê Quang Ngọc cung cấp
Trang web "Ý tưởng Cổng Thăng Long": http://hanoi.org.vn/congthanglong |
- Kiến trúc Nhà hát Thăng Long: Nghệ thuật đương đại vượt qua yếu tố văn hoá bản địa
- “Ngôi nhà xanh” sẽ được xây dựng tại Việt Nam
- KTS Trần Thanh Vân: "Nền kiến trúc đang bị thị trường hóa"
- TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tư duy đúng thì xã hội sẽ tiến rất nhanh
- Philip Meyer và ngôi nhà miền nhiệt đới
- Cõi bình yên của Tadao Ando
- “Song Thất Kiến Cổ”
- Từ bản vẽ đến công trình: hàng trăm lý do để...
- Vietarc 2010 với công tác truyền thông
- Chán góp ý... làm đẹp Hà Nội