Tản mạn cuối năm

Thứ năm, 04 Tháng 2 2010 09:01 baoxaydung.vn
In
Những ngày cuối năm, khu vực nút giao thông Thanh Xuân (Hà Nội) bụi vẫn mù mịt. Những người, những xe vẫn hối hả làm việc, vẫn hối hả đi lại và cũng vẫn kiên nhẫn chờ đợi đến ngày công trình hoàn thành. Thế là đến nay cũng đã 10 năm khởi công công trình vành đai 3 ở khu vực này. Kể ra sự kiên trì của người dân mình thật hiếm có. Chỉ một nút giao thông mà chờ đợi đến 10 năm. Thế mới biết giới hạn của sự chịu đựng nó vô cùng vô tận đến mức nào.

Chợt nhớ đến một thông tin mới đây làm nhiều người giật thót mình, cũng liên quan đến công trình xây dựng giao thông, nhưng tận bên Trung Quốc, họ khánh thành tuyến đường sắt cao tốc nhanh nhất thế giới, khoảng trên dưới 380km/h. Không biết làm đường sắt cao tốc có khó bằng làm đường bộ không mà một tuyến đường dài hơn 1.000km từ Vũ Hán đến Quảng Châu, họ chỉ thi công trong vòng chưa đầy… 5 năm, bằng một nửa thời gian thi công nút giao thông Thanh Xuân của nhà mình. Bất giác cảm thấy xấu hổ.

Chẳng nói ra thì ai cũng biết, thì giờ là vàng bạc. Cũng một đồng vốn bỏ ra, nếu quay vòng nhanh, chắc hẳn sẽ hiệu quả hơn nhiều. Nút giao thông Thanh Xuân không chỉ kéo dài về thời gian mà kéo dài cả tiền bạc đầu tư của Nhà nước vì giá cả leo thang. Sự lãng phí ấy chưa kể đến nỗi nhọc nhằn của người dân mỗi khi đi qua nút giao thông này, cũng chưa kể đến quỹ thời gian dành cho những cuộc họp liên miên, rồi sự can thiệp trực tiếp của cấp lãnh đạo cao cấp nhất của TP Hà Nội và của cả Phó Thủ tướng Chính phủ…

Cuộc cạnh tranh kinh tế dù ở cấp toàn cầu hay trong một xóm chợ nhỏ ở nhà quê, suy cho cùng là sự cạnh tranh về năng suất lao động. Cùng làm ra một loại sản phẩm hàng hóa, anh làm nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, chi phí thấp hơn thì tôi “hít khói” anh là cái chắc. Cách đây ngót một thế kỷ, Lê-nin đã khẳng định rằng năng suất lao động là yếu tố quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Vậy sao nhiều người trong chúng ta không để ý nhỉ?

Nghìn năm Thăng Long đã đến. Nhìn những công trình kỷ niệm đang hối hả hoàn thiện, không khỏi những cảm xúc bồi hồi. Toàn những công trình xưa nay chưa từng có. Thế nhưng nhiều công trình tiêu biểu cho đại lễ như: Bảo tàng Hà Nội, công viên Hòa Bình, con đường gốm sứ ven sông Hồng, Trung tâm y tế dự phòng, khu di tích Cổ Loa và Thành cổ, trường PTTH chuyên Amsterdam… đều nằm trong nhóm bị chậm tiến độ. Thậm chí, theo nhận định của các cơ quan giám sát, có ít nhất 7 công trình sẽ không hoàn thành đúng dịp đại lễ…

Không biết nguyên nhân căn bệnh lãng phí do chậm tiến độ của các công trình xây dựng của ta nó nằm ở đâu nhỉ?

Nguyễn Long Vân

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: