Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Lưu giữ di sản kiến trúc qua ký hoạ đô thị

Lưu giữ di sản kiến trúc qua ký hoạ đô thị

Viết email In

Ký họa đô thị là một trong những cách dễ thực hiện nhất trong việc góp phần lưu giữ những di sản kiến trúc đô thị tại những thành phố đang có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP. HCM, Hà Nội.

Nhiều người cho rằng, để bảo tồn các di sản kiến trúc cần những hoạt động, giải pháp, kinh phí với quy mô lớn, hoành tráng và tốn rất nhiều tiền, tuy nhiên theo một số kiến trúc sư uy tín, vẫn có những phương cách dễ dàng và ai cũng có thể tham gia vào việc này ví dụ như ký họa đô thị.


Bức ký họa Phố bên đồi vẽ về Đà Lạt.

Trong tọa đàm “Làm thế nào giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản kiến trúc” do TheLEADER tổ chức, KTS Vũ Đức Chiến, trưởng nhóm Urban Sketchers Vietnam, tác giả của nhiều bức ký họa rất đẹp về những công trình kiến trúc cổ, từng góc phố, cột điện đường quen thuộc của Sài Gòn chia sẻ một cách làm đầy sáng tạo để biến việc bảo tồn thành ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân yêu mảnh đất của mình.

“Ký hoạ là vẽ lại hình ảnh bằng thị giác chúng ta nhìn thấy và cảm xúc tại thời điểm chúng ta vẽ, diễn đạt bằng độ đậm nhạt của chì, màu; ký họa dùng để làm kỷ yếu, lưu giữ ký ức...

Ký họa đô thị - Urban Sketch bắt đầu phát triển cách đây 10 năm tại Mỹ. Câu lạc bộ (CLB) ký họa đô thị là nơi tập trung những người yêu thích ký hoạ nhằm lưu lại những cảm xúc của mình, thông qua những tác phẩm ký họa để những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh tiêu biểu không bị lãng quên, trở thành những ký ức đẹp tồn tại qua nhiều thế hệ; ghi chép lại quá trình đô thị hóa có nhiều công trình cổ bị lãng quên, thay thế và có khi bị phá bỏ.

Người tham gia có thể là kiến trúc sư, nhà văn nhà báo hay bất kỳ ai, ngay cả trẻ em cũng có thể theo bố mẹ, ông bà để vẽ. Mọi người trong CLB sẽ cầm một cuốn sổ và gặp nhau ngoài đường, đi vẽ trực tiếp, không khuyến khích vẽ qua ảnh. Hoạt động này kích thích mọi người phải ra ngoài với nhau, cùng chia sẻ câu chuyện và vẽ. Thành viên sẽ vẽ bằng quan điểm của bản thân, không có khái niệm xấu và đẹp, bởi chỉ có cách ra trực tiếp nơi muốn vẽ, mới cảm nhận, hít thở và vẽ lại bằng cảm xúc.

Đó cũng là cách trải nghiệm cuộc sống, thể hiện sự yêu thương với nới ấy nhiều hơn, từ đó nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị của đô thị, có ý thức tôn trọng, sống có trách nhiệm hơn".

KTS Vũ Đức Chiến cho biết, tại Việt Nam, có 4 thành phố lớn đang xây dựng chương trình ký hoạ đô thị rất tốt là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Đà Lạt. Cuối tuần, các em nhỏ sẽ theo bố mẹ đi tới các làng nghề, đình chùa và những vùng ven đô để vẽ ký họa. Ở Sài Gòn thì đến những công trình kiến trúc cổ, ở Hà Nội thì đến những đình chùa vùng ven.

Sau đó CLB sẽ đứng ra mở triển lãm giúp các thành viên giao lưu, học tập. Hoạt động này sẽ dần hun đúc tình yêu thành phố - nơi mình sinh sống và cả các công trình cổ cho trẻ em.

Thậm chí, vài Sở Quy hoạch kiến trúc như ở Bắc Ninh, Bắc Giang còn đứng ra tổ chức luôn chuyện ăn uống cho người tham gia vẽ và vẽ xong còn được đi triển lãm.

Ngoài ra, thông qua hoạt động ký họa đô thị, mọi người có thể chia sẻ với nhau thông qua hình vẽ, kết nối thế giới, giới thiệu cùng bạn bè năm châu những tinh túy văn hoá – lịch sử nơi chúng ta sống. Ví dụ: người Việt Nam có thể ra nước ngoài tham gia đi vẽ với người dân bản địa và ngược lại.

Hiện tại, phong trào vẽ ký họa đô thị tại Việt Nam đang ngày càng nhân rộng, đã phần nào trở nên quen thuộc với tất cả người dân, song những người làm tổ chức phong trào ký họa đô thị như ông Chiến vẫn muốn nó lan rộng hơn nữa với mục tiêu có những tác động cụ thể nào đó trước khi các công trình cổ ở TP. HCM “ triệt để” biến mất.


KTS Vũ Đức Chiến và cố đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain.

Ông Chiến kể, cách đây khoảng 10 năm, khi đi vẽ ở đường Phan Văn Khoẻ (quận 6), nơi có nhiều công trình cổ, chủ nhà thấy và đuổi đi, do người ta không biết mình vẽ để làm gì.

Họ tưởng anh là người của chính quyền đang đi đo đạc để đền bù giải tỏa? Họ không hề có khái niệm ký họa để lưu giữ! Sau này, khu vực đó được giải tỏa, những biệt thự cổ độc đáo ấy chỉ còn trong tranh vẽ. Và anh đã tổ chức triển lãm đầu tiên của mình về con đường ấy, từ đó, nhóm Urban Sketchers Vietnam liên tục có các cuộc triển lãm tại Hội An, Huế, Hà Nội…

Từ khoảng 4 năm trở lại đây, hình ảnh người đi vẽ ngoài đường đã trở nên thân thiện hơn trong mắt người dân lẫn chủ nhà. Khi nghe người vẽ bảo vẽ để giữ lại cho mình và chia sẻ với bạn bè trong nước và quốc tế, họ thấy rất lý thú. Trong rất nhiều năm, ông Chiến đã vẽ khá nhiều, nhất là ở khu vực quận 4 và 5. Trước khi biệt thự cổ ở 124 Nơ Trang Long bị tháo dỡ, may là ông Chiến đã vẽ xong.

Từ khi thành lập từ 2013 đến nay, CLB ký họa đô thị Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động thiết thực. Tổ chức các tour vẽ ký họa đô thị ở Hội An trong năm 2015- 2016, quy tụ nhiều bạn bè quốc tế yêu bộ môn này hay tour vẽ quốc tế Sài Gòn - Phố Hoa năm 2015. Ngoài ra, các thành viên trong CLB còn đến Penang - Malaysia, Singapore, Bangkok Thái Lan, Chicago - Mỹ để tham gia chương trình của các nước này.

Dự án về ký hoạ đô thị gần nhất ông Chiến đang thực hiện là cho tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt.


(nguồn: Urban Sketchers Vietnam)

Nhân kỷ niệm 125 năm Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang đứng ra thực hiện dự án “Phố bên đồi”, mục đích chính là nâng cao nhận thức về việc giữ gìn và phát triển các công trình kiến trúc cổ, nghệ thuật, cảnh quan đô thị Đà Lạt. Dự án bao gồm rất nhiều hoạt động, ký họa đô thị là một trong những hoạt động chính của dự án.

Sân chơi năm nay rất rộng, ông Chiến và ekip đã mời các nghệ sỹ, kiến trúc sư, các học giả nghiên cứu về địa lý, lịch sử ở trong cũng như ngoài nước đến thực hiện những buổi tọa đàm, hội thảo như “Làm sao để bảo tồn những biệt thự cổ ở Đà Lạt”…

Những hoạt động về vẽ hoặc chụp cảnh quan đô thị - kiến trúc cổ tại Đà Lạt sau đó mang đi triển lãm, không chỉ dành cho các trẻ em khu vực trung tâm mà còn cho trẻ em ngoại ô, như các em bé dân tộc Cil ở Cầu Đất.

Sau sự kiện kéo dài 3 tháng, ông Chiến hy vọng, bằng cách nào đó, thông qua báo chí truyền thông và các du khách nước ngoài đến tham dự sự kiện; tương lai, Đà Lạt sẽ trở thành thành phố di sản, như Pennang ở Malaysia, hoặc Bali tại Indonesia.

Theo ông Chiến, ở Việt Nam chưa có thành phố về di sản - nghệ thuật cộng đồng, Hội An cũng chưa đạt được tiêu chí đó.

Quỳnh Như

(TheLEADER)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo