Chất lượng sống của người dân ở TPHCM hiện nay đang ở mức thấp đáng báo động, trước những căn bệnh kinh niên của đô thị (ĐT): Từ cơ sở hạ tầng yếu kém, đến thiếu hụt trường học, nhà ở, bệnh viện, thiếu cây xanh, thiếu đất giao thông, môi trường sống bị xâm hại nghiêm trọng. Đó là hệ quả của quá trình quy hoạch và quản lý ĐT không giống ai.
Trong đó, vai trò của KTS trong thiết kế ĐT hoàn toàn bị vô hiệu hoá, rất ít thành viên Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP là KTS đang hành nghề; hơn thế nữa, họ còn bị lấn sân trước làn sóng KTS ngoại đổ bộ và tâm lý chuộng ngoại của nhà đầu tư.
Một góc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Quy hoạch "giết" kiến trúc
Nhiều năm qua, cho dù tốc độ xây dựng chóng mặt, song về mặt kiến trúc, TPHCM không có một công trình tiêu biểu nào. Bộ mặt ĐT xấu đều. Các chiến lược QH hầu như phá sản, hoặc bế tắc.
Có KTS cho rằng: kiến trúc hiện nay đang là một vấn nạn. Bởi cái giá phải trả của xã hội đối với lĩnh vực này quá lớn, cái giá không thể sửa chữa với cả một làng quê, một ĐT. Đó là cảnh quan bị phá vỡ, môi trường bị ô nhiễm, tình trạng ngập nước, kẹt xe, những công trình phố cổ bị bao vây, lọt thỏm trong mớ bêtông sắt thép hỗn độn.
Trước đây, người ta đặt vấn đề xây dựng những TP vệ tinh với vành đai xanh bảo vệ, thì TP áp đặt phương án đa trung tâm. Đến nay, kết quả quy hoạch mang lại là toàn TP chỗ nào cũng là trung tâm, chỗ nào cũng kẹt xe và ngập nước. Câu chuyện quy hoạch treo, quy hoạch "loạn 12 sứ quân", quy hoạch biến dạng, thay đổi liên tục kéo theo quy hoạch này phá quy hoạch kia và quy hoạch giao thông không ăn nhập gì với quy hoạch kiến trúc, điện nước...
Từ chuyện quy hoạch không rõ ràng, dẫn đến XD công trình dù lớn, nhỏ đều phải xin chứng chỉ quy hoạch, thoả thuận ý kiến kiến trúc, mật độ, tầng cao, xin thoả thuận môi trường, phòng cháy chữa cháy, điện nước và hàng loạt công việc phức tạp khác nằm ngoài chuyên môn và cái tâm của nhà quản lý.
Một góc Sài Gòn xưa
Lẫn lộn vai trò
Trong khi đó, vai trò của KTS, người thiết kế nên "hình hài" cho ĐT, làng mạc, công trình, cảnh quan lại không được coi trọng. Trước đây, KTS là tác giả chính của công trình, thì ngày nay, cùng với sự tham gia của nhiều bộ môn kỹ thuật khác, dần dần, người lãnh đạo công trình có khi không còn là KTS mà là chủ điều hành dự án. Thông thường, KTS phải gánh trách nhiệm không thuộc chuyên môn của mình (kết cấu, điện, nước, các vấn đề quản lý, pháp lý), nên bị phân tán sức lực thay vì tập trung cho sáng tác.
Theo KTS Nguyễn Hữu Thái, trước đây ở Sài Gòn và nay thì cả thế giới đều áp dụng việc phân công tách bạch các khâu thiết kế và thi công trong xây dựng công trình. Chỉ có ở nước ta là có tình trạng mập mờ và nhập nhằng này mà thôi!
KTS chủ yếu đảm trách phần công năng, mỹ thuật công trình: Bố cục, kiểu dáng, hình khối, màu sắc, vật liệu, tổng dự toán. Theo thông lệ quốc tế, phần thiết kế thể hiện (kết cấu, điện, nước) được chuyển qua khâu thi công. Căn cứ trên hồ sơ thiết kế kiến trúc, bên thầu đảm trách việc này.
Chồng chéo giấy phép
Nhiều người cho rằng, cấp phép XD đang trở ngược lại cơ chế xin cho thời bao cấp, với quy trình thẩm định, phê duyệt, ý kiến, cấp thoả thuận khoảng 30-40 bước và thời gian tính theo từng năm. Vẽ 1 dự án 3 tháng nhưng thẩm định từ trình cho đến lúc duyệt là 3 năm! Hồ sơ một công trình có đủ quy hoạch theo tỉ lệ từng bước một 1/5.000, 1/2.000, 1/500.
- Ảnh bên : Một ngôi nhà "quái dị" xuất hiện trên đại lộ Đông - Tây (ảnh: Trần Phan)
Rồi thiết kế công trình cũng phải có đủ: Thiết kế sơ bộ, thiết kế phương án, thiết kế ĐT, thiết kế cơ sở, thiết kế phân khu, thiết kế tổng thể, thiết kế nối kết, rồi đến thiết kế kỹ thuật, 3 bước (mỗi bước phải có phê duyệt, thẩm định, ý kiến, thoả thuận).
Rồi lại đến bản vẽ thiết kế thi công, thiết kế kết cấu, điện nước, đủ loại hệ thống mạng kèm theo bộ đơn giá, bộ quy chuẩn thay đổi liên tục. Người KTS bị "ngập lụt" trong những văn bản chồng chéo của nhiều ban, ngành, địa phương.
Theo KTS Phạm Thanh Tuyền, trong việc quy hoạch ĐT và cấp phép XD, đối với các công trình nhỏ lẻ, nhà phố có quy mô dưới 5 tầng, cấu trúc không quá phức tạp, nên chăng đưa việc quản lý về phường, không nên tập trung hết về quận, sẽ gây ứ đọng hồ sơ.
Việc cấp phép XD cũng có thể giao cho KTS đã được cấp chứng chỉ hành nghề, có văn phòng thiết kế đầy đủ tư cách pháp nhân đứng ra thay mặt Nhà nước cấp phép. Những đơn vị này chịu trách nhiệm trước pháp luật việc họ làm. Như vậy, việc cấp phép trở nên nhanh chóng, đơn giản hơn.
Đào tạo chưa được quốc tế công nhận Cải tiến và nâng cấp chương trình đào tạo KTS là vấn đề cần thiết đặt ra trong tình hình hiện nay. Bởi chương trình và phương pháp đào tạo hiện nay được coi là lạc hậu, trong đào tạo còn nhiều bất cập về kiến thức chuyên ngành, thiếu kiến thức xã hội, nhân văn, thiếu tiếp cận với kiến trúc hiện đại của thế giới, thiếu kỹ năng hành nghề. |
Minh Thi
>>
- Tản mạn cuối năm
- Đường hoa Nguyễn Huệ: Góc nhìn mới trên không gian cũ
- Kết quả cuộc thi ảnh “Thế giới dưới mắt Kiến...” lần 2
- Nhà ở và những thay đổi
- Nên có luật kiến trúc sư
- Hà Nội: Rồng sẽ bay từ... đường Bưởi?
- Gặp gỡ Côn Sơn
- KTS Nguyễn Văn Tất: “Tôi luôn mong muốn được đổ đầy”
- Dự án "Chỉnh trang tuyến đường Kinh thành lịch sử 1000 năm Thăng Long"
- KTS Mai Thế Nguyên: Viết "thư tình" cho Hà Nội