Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Sự tiến hóa của thuật bản đồ trong nỗ lực mô tả, kiến giải và thiết kế đô thị

Sự tiến hóa của thuật bản đồ trong nỗ lực mô tả, kiến giải và thiết kế đô thị

Viết email In

Khác với các công trình kiến trúc, các đô thị là kết quả của một tiến trình xã hội và không gian địa lý của đô thị thường vượt ngoài tầm bao quát thị giác của con người. Do đó, thuật bản đồ (mapping) đã xuất hiện cùng với nỗ lực của con người nhằm mô tả, kiến giải và thiết kế các đô thị. Bài viết này của tôi không có ý định tổng kết hay đưa ra một lịch sử có hệ thống về kỹ thuật bản đồ trong quy hoạch và thiết kế đô thị. Mục đích của tôi là giới thiệu những mốc thời gian, những con người kiệt xuất, những ý tưởng đột phá và những nỗ lực quan trọng của họ trong lịch sử hẹp của phương pháp bản đồ mà tôi được biết và được truyền cảm hứng. Qua bài viết, tôi hy vọng truyền được một phần cảm hứng đó tới bạn đọc.  
 

Khởi đầu của lịch sử 


Hình 1: Bản vẽ khảo sát thị trấn Imola của Leonardo de Vinci vào năm 1502
(Nguồn: Royal Library at Windsor, UK) 

Vào khoảng đầu thế kỷ 16, một phương pháp để diễn tả thế giới ra đời: bản vẽ mặt bằng để diễn tả hiện thực thế giới từ trên cao. Leonardo da Vinci dùng phương pháp này để vẽ thị trấn nhỏ Imola, nằm gần Bologna, miền Bắc nước Ý ngày nay (Hình 1). Mục đích lúc đó là để lên phương án sửa chữa tường thành của thị trấn vốn bị phá hỏng trong một cuộc chiến trước đó vài năm (Bosselmann, 1998). Sử dựng phương pháp khảo sát của Leon Alberti trong cuốn Luci matemattici, Leonardo de Vinci diễn tả chính xác kích thước của đường và các ô phố cũng như bố cục của một thành phố trong mối quan hệ với khu vực xung quanh (Bosselmann, 1998). Mọi chi tiết của thành phố được diễn tả như thể chúng được quan sát từ một điểm trong vô tận từ trên cao (không có điểm tụ). Cách làm này khác biệt hẳn với cách vẽ họa đồ thành phố lúc bấy giờ vốn thể hiện các công trình ở mặt đứng và kích thước tương đối theo mức độ quan trọng của chúng về tín ngưỡng (Bosselmann, 1998). 


Hình 2: Bản khảo sát năm 1984 (màu xám) trên nền nét vẽ của Leonard da Vinci năm 1502 cho thấy mức độ chính xác của bản khảo sát mặt bằng gần 400 năm trước. (Nguồn: Bosselmann, 1998) 

Hơn hai thế kỷ sau khảo sát Imola, kiến trúc sư Giambattista Nolli đã bỏ ra 12 năm để khảo sát và diễn tả thành Rome trong tấm bản đồ nổi tiếng Pianta Grande di Roma vốn được biết đến sau này với tên gọi Bản đồ Nolli (Hình 3). Bản đồ Nolli thể hiện chính xác và rõ ràng địa hình, cấu trúc và tổ chức không gian của thành Rome qua hai thời kỳ phát triển thịnh vượng: Phực hưng và Baroque. Nolli là nhà bản đồ học ở Rome đầu tiên định hướng Bắc ở cạnh trên của bản đồ và dùng la bàn trong công tác khảo sát. Độ chính xác của bản đồ tới từng hàng hiên, từng cây cột, vượt trên mọi công trình tương tự trước đó và hầu như không thể nâng cao hơn sau đó. Bên cạnh đóng góp về phương pháp bản đồ, tác phẩm của Nolli còn nhấn mạnh đến mối quan hệ tương tác giữa công trình và không gian mở, giữa không gian riêng tư và không gian công cộng, và diễn tả công trình không như những cá thể tách rời mà là những thành phần của cơ cấu đô thị. Bản đồ dùng phương pháp hình – nền (figure – ground) thể hiện các công trình như những khối đặc và không gian mở (đường phố, quảng trường, v.v…) như những phần được “trổ” ra từ các công trình để tạo ra những “phòng ngoài trời”. Tuy nhiên những không gian đóng quan trọng như hàng hiên dọc theo quảng trường St. Peter hay đền Pantheon lại được thể hiện như những không gian công cộng mở (Hình 4). Bản đồ Nolli được dùng trong công tác quy hoạch của chính phủ cho tới thập niên 70 của thế kỷ 20.


Hình 3: Bản đồ thành Rome của Giambattista Nolli hoàn thành vào năm 1748. (Nguồn: Wikipedia.org) 


Hình 4: Một bản phóng lớn của bản đồ Nolli diễn tả khu vực đền Pantheon (837). (Nguồn: landlab.wordpress.com) 

Bước đột phá

Nhưng thuật bản đồ chỉ bắt đầu có vai trò lớn trong việc cứu rỗi nhân loại khi không chỉ “phần cứng” của đô thị mà cả “phần mềm” (thu nhập, sức khỏe, và gốc gác của các cộng đồng dân cư,v.v…), vốn thường “ẩn mình” sau những bức tường và dưới những mái nhà, giờ được mô tả trên những bản vẽ. Trang sử này bắt đầu 150 trước khi bác sĩ John Snow vẽ bản đồ dịch tả tại London năm 1854 (Hình 5). Bác sĩ Snow đã gõ cửa từng ngôi nhà để thống kê về số người chết và nguồn nước mà họ sử dụng và nhờ đó tìm ra mối liên hệ giữa dịch tả và trạm bơm nước bị nghiễm khuẩn trên đường Broad Street. Khám phá lịch sử này đã dẫn đến việc cách ly và phong tỏa nguồn nước nhiễm khuẩn, ngăn chặn một bệnh dịch từng giết chết hàng chục ngàn người ở London trước đó. Mặc dù một nghiên cứu gần đây cho rằng thuật bản đồ không phải cơ sở để bác sĩ Snow tìm ra nguyên nhân của dịch bệnh mà chỉ là minh họa cho kết quả nghiên cứu có từ trước đó của ông, hơn một thế kỷ qua, bản đồ nói trên đã là niềm cảm hứng và sự khởi đầu cho nhiều ngành khoa học hiện đại từ dịch tễ học, địa lý xã hội, phương pháp thống kê xã hội và phương pháp bản đồ trong quy hoạch.


Hình 5: Tấm bản đồ lịch sử do John Snow vẽ năm 1854 cho thấy sự tập trung của bệnh dịch xung quanh một giếng bơm tại góc đường Broad Street và Cambridge Street (điểm đỏ) [trái] / Bản phóng lớn tấm bản đồ của bác sĩ Snow thể hiện khu vực xung quanh giếng bơm trên đường Broad Street. Các gạch ngang thể hiện số người chết tại mỗi số nhà. Đường chấm-chấm được Snow thêm vào để xác định khu vực nằm gần trạm bơm theo bán kính đi bộ. [phải] (Nguồn: wikipedia.org) 


Hình 6: Trạm bơm (nước giếng) ở phố Broad vẫn còn được lưu giữ lại để kỷ niệm nỗ lực của bác sĩ Snow. Phía xa bên tay trái là quán rượu mang tên ông. (Nguồn: twodimes.org) 

Khi bác sĩ Snow khảo sát dịch tả ở London thì Charles Booth mới chỉ là một thiếu niên ở Liverpool. Khi đã trở thành một ông chủ giàu có của một hãng buôn xuyên Đại Tây Dương và một nhà hảo tâm với niềm tin rằng các nhà chính trị chưa hiểu hết nỗi thống khổ của dân chúng. Mục tiêu của Booth là đấu tranh chống lại một dịch bệnh dai dẳng và khó cô lập nguồn dịch hơn nhiều lần bệnh tả: đói nghèo. Phê phán rằng các thông kê của nhà nước là không đầy đủ và giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng đói nghèo, Booth tự thực hiện các khảo sát của mình cùng với một nhóm các nhà nghiên cứu. Từ năm 1886 đến năm 1903, Booth và cộng sự thực hiện những cuộc khảo sát mức sống toàn thành phố London và lần lượt xuất bản chúng trong 17 tập sách. Trong những cuốn sách này, Booth chỉ công bố những số liệu định lượng mà không phải rất nhiều những phỏng vấn mà ông đã thực hiện nhằm tránh không làm xấu hổ những người được phỏng vấn. (Nhưng rất may tất cả tài liệu này vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn tới ngày nay). Những khảo sát của Booth cho thấy tình trạng nghèo khổ ở London ở mức 35%, cao hơn 10% so với con số mà các chính trị gia đưa ra. Kết quả khảo sát cũng được thể hiện trên các bản đồ hiện trạng xây dựng (hình 7) cho thấy tầng lớp cùng khổ của đô thị thường sống trong những con hẻm phía sau mặt phố và do đó không dễ nhận ra bởi số động. Không chỉ thực hiện các khảo sát, Booth tin rằng chính phủ phải có trách nhiệm với dân nghèo và đề xuất chính sách trợ cấp cho người già (Old Ages Pension). Rất nhiều những người làm việc với Booth được truyền cảm hứng từ tư tưởng và hành động của ông và sau này trở thành những nhà hoạt động xã hội năng nổ như Beatrice Webb, người sáng lập trường London School of Economics. Bản thân phương pháp khảo sát mà Booth thực hiện cũng với các tài liệu và bản đồ được coi là nền tảng hình thành của ngành xã hội học, địa lý xã hội và nghiên cứu xã hội hiện đại.


Hình 7: Một góc bản đồ khảo sát mức sống tại London do Charles Booth thực hiện vào cuối thế kỷ 19. (Nguồn: booth.lse.ac.uk) 


Hình 8: Bản đồ thể hiện mức độ tập trung các nhóm dân nhập cư khác nhau (thông qua ngôn ngữ) trong một khu dân cư lao động nghèo ở Chicago do Jane Addams thực hiện. (Nguồn: coral.uchicago.edu) 

Cùng thời với Booth, ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Jane Addams cũng chia sẻ cùng một mối quan tâm: nâng chất lượng sống cho các cộng đồng nghèo. Addams cũng sử dụng công cụ bản đồ để tìm hiểu chất lượng sống của ở những khu dân nhập cư nghèo ở thành phố Chicago (Hoa Kỳ) (Hình 8). Khác với Booth, người phụ nữ này chú tâm đến thay ở mức độ cộng đồng hơn là chính sách quốc gia. Là một người phụ nữ giàu lòng nhân ái, bà thấu hiểu những vấn đề của gia đình và nhận ra rằng một số dịch vụ xã hội cần được cung cấp ở cấp độ khu dân cư, đặc biệt là các khu dân cư nghèo vốn thiếu thốn tài nguyên. Bà đã cho xây những căn nhà “định cư” để thu hút những người thuộc tầng lớp trung và thượng lưu và có học vấn đến sinh sống ngay trong lòng những cộng đồng này cung cấp các dịch vụ nhà trẻ, trường học, thư viện, nhà hát và cả phòng triển lãm nghệ thuật và dịch vụ giới thiệu việc làm. Nỗ lực của bà, được ghi nhận bằng giải thưởng Nobel đầu tiên cho một phụ nữ, đã giúp hàng ngàn người nhập cư hòa nhập vào xã hội mới. Quan trọng hơn, bà thay đổi nhận thức của nhân loại về vai trò của dịch vụ công ở cộng đồng và gợi ý cho mô hình Đơn vị ở của Clerance Perry với trường học và công viên nằm ở trung tâm của một khu dân cư – Một mô hình mà nay vẫn được coi là chuẩn mực cho quy hoạch và được pháp lý hóa ở Việt Nam thông qua Quy chuẩn Quy hoạch. 

Nguyễn Đỗ Dũng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo