Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Xác định những ưu tiên trong quy hoạch nông thôn mới

Xác định những ưu tiên trong quy hoạch nông thôn mới

Viết email In

Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 193 của Chính phủ, phê duyệt chương trình rà soát Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, số xã đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xã nông thôn mới đã đạt xấp xỉ 75%, tăng hơn 50% so với thời điểm trước năm 2010. 

Tuy nhiên, quá trình triển khai Quy hoạch đã bộc lộ một số bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ cần sớm được khắc phục để chương trình đạt hiệu quả cao.  
 

Phải bám sát thực tế vùng miền 

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, trong tổng số 10.000 xã nông thôn của cả nước đã có 74,6% số xã hoàn thành công tác phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới. 

Điển hình là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Nông, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang và Sóc Trăng. 

Các địa phương có tỷ lệ lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn thấp tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La…

Hiện có khoảng 225 đơn vị tư vấn, Viện Quy hoạch, Trung tâm Quy hoạch triển khai lập quy hoạch nông thôn mới.

Các đơn vị tư vấn đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo của địa phương và thực hiện công việc với tinh thần trách nhiệm cao mặc dù chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với chi phí cho quy hoạch đô thị. Đó là chưa kể đến những yêu cầu khắt khe về tiến độ, thời gian hoàn thành.

Do địa bàn làm quy hoạch nông thôn quá lớn với quy mô khác nhau giữa các vùng miền nên điều kiện đi lại để nghiên cứu khảo sát đối với một số vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn trong khi thời gian phải hoàn thành đồ án yêu cầu rất gấp. Tuy nhiên, kết quả đã đạt được là nỗ lực rất lớn của các đơn vị tư vấn thực hiện lập quy hoạch nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới là công tác có nhiều điểm mới với tính định hướng và thống nhất cao, vì vậy cần được hoàn thiện qua quá trình triển khai thực tế của từng vùng, miền.

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới liên quan tới nhiều bộ, ngành và có đặc thù riêng. Nếu so tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 35% thì tỷ lệ nông thôn vẫn rất lớn, tác động mạnh đến quản lý và phát triển xã hội.

Nông thôn Việt Nam trải dài và có đặc thù riêng của từng vùng, miền. Bởi vậy, công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch nông thôn mới phải nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho cả người dân và chính quyền dễ thực hiện; tổ chức cuộc sống cho người dân thuận tiện cả trong sản xuất và sinh hoạt.

Yêu cầu đặt ra là phải quy hoạch đồng bộ từ xây dựng đến sản xuất và sử dụng đất. Mặc dù chủ trương này đã tạo được đồng thuận từ các địa phương nhưng vẫn còn nhiều bất cập do yếu tố vùng miền, văn bản quản lý nhà nước chưa đồng nhất.

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án còn lúng túng, mất nhiều thời gian, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu quy hoạch phải đi trước một bước làm cơ sở cho việc triển khai công tác đầu tư và phát triển kinh tế địa phương. Cùng đó, chất lượng đồ án tại một số địa phương chưa cao, không bám sát yêu cầu và tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với công tác quy hoạch. Vì vậy, hiện cả nước vẫn còn 24,5% số xã chưa hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Kết quả này chưa đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 193 là đến năm 2011 cơ bản phủ kín Quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc.

Quy hoạch nông thôn mới được thực hiện theo lộ trình dài hạn nên muốn thành công phải từng bước thay đổi nhận thức của người dân, người quản lý và cả đơn vị tư vấn…; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn liên quan.

Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn trên phạm vi cả nước là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.”

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015 có 20% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và nâng tỷ lệ này lên 50% vào năm 2020.

Tuy nhiên, muốn đạt các mục tiêu này, quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải đi trước một bước, làm cơ sở cho việc triển khai công tác đầu tư và phát triển kinh tế địa phương. Mặt khác, để tránh dàn trải, cần phải lựa chọn các mục tiêu một cách rõ ràng nhằm ưu tiên khi đầu tư. 
 

Nỗi lo đạt tiêu chí 

Muốn xây dựng được nông thôn mới thì vấn đề cốt lõi là phát triển kinh tế nông thôn, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và tái đầu tư phát triển sản xuất chứ không thể trông chờ vào nguồn vốn cấp trên cho, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định.

Vì vậy, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn phải xuất phát từ điều kiện cụ thể của địa phương với những đặc điểm tự nhiên, đặc điểm lịch sử, đặc điểm văn hóa truyền thống và nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng dân cư nông thôn; sự tham gia của người dân trong công tác quy hoạch là rất quan trọng.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện quy hoạch rồi thì triển khai các hạng mục và đầu tư cơ sở hạ tầng để đảm bảo đủ 19 tiêu chí cũng là một thách thức khó khăn mà các địa phương phải đối mặt.

Bởi vậy, việc lựa chọn tiêu chí theo thứ tự ưu tiên để thực hiện cũng rất quan trọng. Theo phản ánh từ nhiều địa phương, một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới cần điều chỉnh để sát hơn với thực tế như về cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo, bình quân thu nhập đầu người…

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương nhận xét các tiêu trí đề ra quá nhiều nhưng quỹ thời gian để thực hiện lại quá ngắn. Trong đó, một số tiêu chí khó thực hiện, thậm chí không thực hiện được như xây dựng chợ. Nhiều nơi chợ xây xong nhưng tiểu thương không muốn vào bán vì dân không vào mua do thói quen.

Giai đoạn đầu, nhiều cán bộ xã và cả người dân chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình nên cho rằng việc xây dựng nông thôn mới là Nhà nước sẽ xây dựng cho toàn bộ, do đó có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, hiện vẫn còn thiếu cơ chế để các nhà đầu tư mạnh dạn tham gia vào các dự án xây dựng nông thôn mới. Đây là lĩnh vực mang tính xã hội nên lại càng cần phải có cơ chế ưu đãi đặc thù mới thu hút nguồn lực đầu tư.

Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tuyên Quang chia sẻ xuất phát điểm để thực hiện xây dựng nông thôn mới ở tỉnh này còn thấp, nhất là về hạ tầng kinh tế-xã hội và mức thu nhập của người dân nông thôn.

Quỹ đất dành để quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng như nhà văn hóa, sân thể thao, đường giao thông, trường tiểu học-mầm non… theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới của một số thôn bản vùng cao, vùng sâu rất hạn chế do địa hình chia cắt và độ dốc quá lớn.

Nếu rà soát thực trạng theo 19 tiêu chí ban hành thì hầu hết các xã ở Tuyên Quang chỉ đạt 4-5 tiêu chí; thậm chí, có xã còn chả đạt tiêu chí nào. Nguồn lực để tổ chức thực hiện các tiêu chí này cũng rất lớn, vượt quá khả năng của tỉnh bởi tham gia nguồn lực trong dân hạn chế, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế khu vực nông thôn rất khó khăn…

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết Bộ Xây dựng sẽ sớm có đánh giá tổng kết để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương nhằm điều chỉnh kịp thời các văn bản pháp luật; đồng thời có chương trình quyết liệt hơn đào tạo cán bộ cấp xã để đáp ứng được nhu cầu quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tiếp tục điều chỉnh 19 tiêu chí sao cho phù hợp với vùng miền.

Trước mắt, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất các mẫu nhà, trường học, trung tâm văn hóa mang tính chất gợi ý cho các địa phương để có sự quản lý thống nhất, phù hợp tính chất vùng miền. 
 

Khó trăm bề dân liệu cũng xong 

Hiện xây dựng nông thôn mới đã có bước phát triển tích cực với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới,” tạo sức lan tỏa sâu và rộng khắp. Câu chuyện về xây dựng nông thôn mới tại xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương (Thái Bình) nổi lên như một điển hình bởi sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị địa phương lẫn người dân. Đây cũng là xã đầu tiên ở tỉnh về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Tân cho rằng phải nhận thức được đầy đủ mục tiêu cho xây dựng nông thôn mới nhưng trên thực tế nhiều đơn vị lại khá lúng túng.

Người đứng đầu có hiểu cặn kẽ thì mới làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận để tạo ra sự đồng thuận của người dân. Làm nông thôn mới là vì dân nhưng nếu không được dân góp sức ủng hộ thì không thể thành công.

Cụ thể như trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì đòi hỏi về kinh phí rất lớn nên cần phải huy động tổng lực các nguồn lực.

Thu đóng góp của nhân dân phải có giới hạn và với Thanh Tân mức đóng góp quy định không quá 200.000 đồng/người/năm. Ngoài việc các hộ có điều kiện tự nguyện đóng góp thêm, nhiều người dân đi làm ăn xa thành đạt cũng gửi về chung tay góp sức cùng làng xã với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Có mặt tại xã Thanh Tân trong cái nắng như thiêu như đốt, chứng kiến những người dân xóm 4 Nam Lâu đang hối hả cùng nhau làm tiếp con đường liên thôn càng thấm thía câu “khó trăm bề dân liệu cũng xong.”

Tham gia trong nhóm làm đường, ông Nguyễn Văn Triều hồ hởi nói: "Nghị quyết của xã là mở đường 4 mét nhưng thấy đường vẫn chật hẹp nên chúng tôi quyết định mở thành 6m. Riêng nhà tôi tự nguyện phá rỡ 20 mét tường rộng và hiến 30m2 đất để làm đường. Phá xong, gia đình lại tự xây lấy hàng rào và sân cổng chứ cũng không chờ đợi bồi thường gì cả."

Bà Phạm Thị Nhờ cũng góp vào câu chuyện hiến đất cho làng mở đường. Nhà bà Nhờ hiến khoảng 45m2 và phải dỡ tới 3 gian nhà ngang. Với bà, lúc đầu cũng thấy hơi tiếc nhưng nhìn những con đường khang trang sạch đẹp khắp thôn xóm thì lại thấy vui ngay.

Câu chuyện về các gia đình như ông Triều, bà Nhờ đã ngày càng nhiều. Họ không còn coi việc xây dựng nông thôn mới là của Nhà nước mà tự ý thức rằng thành quả này gắn liền với cuộc sống và mảnh đất của mình. Sự đồng lòng của người dân cũng chính là bí quyết quan trọng góp phần thực hiện thành công mô hình xây dựng nông thôn mới./. 

Thu Hằng (TTXVN) 

Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới 

Tiêu chí 1: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch
1.1. Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp, hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ
1.2. Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới
1.3. Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp

Tiêu chí 2: Giao thông
2.1. Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT
2.2. Tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT
2.3. Tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa
2.4. Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện

Tiêu chí 3: Thủy lợi
3.1. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh
3.2. Tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa

Tiêu chí 4: Điện
4.1. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện
4.2. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn

Tiêu chí 5: Trường học
Tỷ lệ trường học các cấp: mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia

Tiêu chí 6: Cơ sở vật chất văn hóa
6.1. Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VH-TT-DL
6.2. Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ VH-TT-DL

Tiêu chí 7: Chợ nông thôn
Chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng

Tiêu chí 8: Bưu điện
8.1. Có điểm phục vụ bưu chính viễn thông
8.2. Có Internet đến thôn

Tiêu chí 9: Nhà ở dân cư
9.1. Nhà tạm, dột nát
9.2. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng

Tiêu chí 10: Thu nhập
Thu nhập bình quân đầu người /năm so với mức bình quân chung của tỉnh

Tiêu chí 11: Hộ nghèo
Tỷ lệ hộ nghèo

Tiêu chí 12: Cơ cấu lao động
Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp

Tiêu chí 13: Hình thức tổ chức sản xuất
Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả

Tiêu chí 14: Giáo dục
14.1. Phổ biến giáo dục trung học
14.2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề)
14.3. Tỷ lệ lao động qua đào tạo

Tiêu chí 15: Y tế
15.1. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế
15.2. Y tế xã đạt chuẩn quốc gia

Tiêu chí 16: Văn hóa
Xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VH-TT-DL

Tiêu chí 17: Môi trường
17.1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia
17.2. Các cơ sở SX-KD đạt tiêu chuẩn về môi trường
17.3. Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp
17.4. Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch
17.5. Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định

Tiêu chí 18: Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh
18.1. Cán bộ xã đạt chuẩn
18.2. Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định
18.3. Đản bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn "trong sạch, vững mạnh"
18.4. Các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên

Tiêu chí 19: An ninh, trật tự xã hội được giữ vững
An ninh, trật tự xã hội được giữ vững 

(Ashui.com) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo