Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Almere: Đô thị mới trên vùng đất lấn biển

Almere: Đô thị mới trên vùng đất lấn biển

Viết email In

Các đô thị mới có đôi phần giống như những ngôi sao nhạc pop bởi chúng lớn lên trong sự “nhòm ngó” của thiên hạ và cũng chịu nhiều “thương tổn” hơn so với bình thường. Thành phố Almere – một “ngôi sao” mới của Hà Lan - là dẫn chứng cụ thể đầy thú vị.


(Hình 1)

Tính đến năm 2010, Almere đã 25 tuổi. 25 năm vốn chỉ có ý nghĩa như thời gian để các thành phố học cách tự đứng trên đôi chân của chính mình nhưng đủ để Almere trở thành một minh chứng cho sự kế thừa quy hoạch và những học thuyết kiến trúc để chuyển mình từ một vùng ngoại ô điển hình lên thành phố với đầy đủ những giá trị của nó. Ở một quốc gia đã tích lũy truyền thống thiết kế hàng thế kỷ, Almere trở nên nổi tiếng khi thu hút được nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch: Rem Koolhaas của OMA, Winy Maas của MVRDV, Adriaan Reuze của West 8, Ben van Berkel của UN Studio. Thành phố đang trên đà tiến tới chương mới trong lịch sử hình thành với một khu trung tâm đầy sáng tạo,  một chương trình phát triển mạnh mẽ, và – nếu tất cả theo đúng như kế hoạch – là một mối quan hệ bền chặt hơn với người hàng xóm quan trọng nhất: Amsterdam. (Hình 1)

Khởi đầu

Giống như hầu hết  các quốc gia thuộc Vùng Đất Thấp (Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, một phần nước Pháp và Đức), Almere cũng “xuất thân từ bùn lầy”. Ngay từ những năm cuối thế kỉ 19, các kĩ sư đã nghĩ tới chuyện đóng vịnh biển lớn nhất Hà Lan – Zuiderzee – nhằm bảo vệ thành phố Amsterdam và Leiden thoát khỏi tình trạng ngập lụt thường xuyên. Bản thiết kế đầu tiên ra đời năm 1891, nhưng đến năm 1933 việc xây dựng tuyến đê biển Afsluitdijk dài 32 km mới hoàn tất. (Hình 2)


(Hình 2)

Đê Afsluitdijk ngăn mặn, kiểm soát độ dao động của mực nước biển (vốn là nguyên nhân gây thiên tai cho khu vực) và biến vịnh Zuiderzee thành một hồ nước yên bình với tên gọi mới – hồ Ijssel (Ijsselmeer). Công cuộc xây dựng đầu tiên ở hồ Ijssel, phía Đông Bắc vùng lấn biển, được thực hiện trong suốt Chiến tranh thế giới thứ II. Hai khu lấn biển khác hình thành vào những năm 50 và 60 là Đông Flevoland và Nam Flevoland, kết hợp với vùng Đông Bắc tạo thành tỉnh Flevoland. Almere ra đời ở góc Tây Nam của miền Nam Flevoland vào năm 1968. Đến năm 1976, con đê thứ 2 - Houtribdijk - chắn ngang hồ Ijssel tạo thành hồ chứa nước ngọt Markermeer. Tuyến đê Houtribdijik sau này đã tạo ra những hệ quả khôn lường cho chất lượng nước xung quanh Almere.

Quá trình phát triển

Almere được xây dựng theo cấu trúc khu đô thị đa-tâm, gồm 3 khu vực đặc trưng phát triển theo trình tự: Haven (Cảng biển), Stad (Thành phố), và Buiten (Nông thôn).

Hầu hết những người mới đến thuộc tầng lớp lao động và mức dưới trung lưu từ Amsterdam ở cách đó 32 km. Họ bị hấp dẫn bởi một vùng ngoại ô “xanh” hơn và rộng rãi hơn so với thủ đô với mật độ dân cư dày đặc. Almere là thành phố gần nhất và có sự kết nối tốt nhất đến Amsterdam bằng tuyến xe lửa và hệ thống đường cao tốc. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, người Amsterdam lại có cái nhìn kì thị đối với dân di cư về “ vùng đất mới”. Họ tự hỏi tại sao những người này có thể chuyển đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ và hẻo lánh? Liệu ở Almere có hiện hữu hình ảnh “Quán cà phê nâu” xưa cũ hay những bức tường tối màu vì khói thuốc lá như nhiều khu phố đậm chất địa phương ở Amsterdam? Thành phố này sẽ có những gì?
Bất chấp mọi hoài nghi, Almere vẫn thực hiện khá tốt việc cân bằng nhân khẩu học. Một phần ba dân số dưới tuổi 20 (tỉ lệ này ở các nơi khác là 24%) và khoảng 7% trên tuổi 65 (trung bình cả nước là 16%). Tuy nhiên, trong vài năm qua, sự cân bằng này đã bắt đầu thay đổi và độ tuổi trung bình của người dân thành phố đang tăng lên. Nguyên nhân không chỉ vì yếu tố tăng tuổi tự nhiên mà còn vì rất nhiều thanh niên chuyển đi nơi khác để tìm việc làm và học tập.


(Hình 3.1)

Vào năm 2009, gần 13000 hộ gia đình ở Almere (chiếm tỉ lệ 17%) sống ở mức nghèo khổ và dưới mức nghèo khổ. Nhận thấy tầm quan trọng của đào tạo sau phổ thông, chính quyền Almere mong muốn thành lập một trường đại học hoặc cao đẳng tại địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, họ đã không nhận được bất kì sự hợp tác nào từ chính phủ quốc gia.

Mục tiêu của Almere là trở thành đô thị thực sự thay vì chỉ là vùng ngoại ô xa xôi, kết nối với Amsterdam bằng một tuyến đường sắt đơn độc, một tuyến đường mỏng manh và một chiếc cầu thường xuyên tắc nghẽn. Mặc dù dự án diễn ra khá chậm, nhưng những nhà chức trách thành phố đã tuyên bố sẽ đồng hành với khát vọng của chính quyền nhằm thu hút được 350.000 dân, với điều kiện hạ tầng giao thông phải được cải thiện một cách triệt để.


(Hình 3.2)

Năm 1997, Hội đồng thành phố quyết định đưa ra bản quy hoạch tổng thể, và thực tế, Almere đã đạt đến con số kì diệu là 100.000 dân, đây là lúc thành phố cần một khu trung tâm đô thị xứng đáng. Một cuộc thi thiết kế đã được tổ chức với quy mô 900 đơn vị nhà ở, 53.000 m2 cho khu thương mại, 4500 chỗ đậu xe, một nhà hát, một thư viện, không gian âm nhạc và các hoạt động vui chơi giải trí khác. Đơn vị chiến thắng trong cuộc thi này là công ty kiến trúc OMA do Rem Koolhaas thành lập. Với truyền thống đi theo Chủ nghĩa hiện đại của vùng đất lấn biển, OMA đã tách biệt chức năng đô thị ra thành 2 tầng: phần trên cao là không gian rộng rãi trên mặt đất dành cho các cửa hàng, chung cư, không gian văn hóa và vui chơi giải trí. Tầng thấp hơn là bãi đậu xe và hoạt động giao hàng. Hai tầng này được kết nối với nhau bằng cầu thang và thang cuốn.  Dự án của OMA đã từng có nguy cơ trở thành một trong những thảm họa quy hoạch lớn nhất của thế kỉ, nhưng nó đã không như thế. Nó đã hoạt động tốt. Tầng bên dưới được chiếu sáng đầy đủ tạo sự thoải mái hơn nhiều so với những garage cỡ trung bình. Sự tách biệt các chức năng còn giải phóng không gian mặt bằng phía trên, cho phép người đi bộ tự do di chuyển. Và, theo như OMA dự đoán, sự tập trung của tiện ích (amenities) tạo ra mật độ đô thị khiến cho khu trung tâm khác biệt với phần còn lại của thành phố, vốn có công trình quy mô nhỏ và trải rộng. (Hình 3.1, 3.2)

Những ngôi nhà tự xây dựng (Do-it-yourself housing)

Bây giờ, khu trung tâm đô thị đã hoàn tất, Almere đang xây dựng ở 3 khu vực mới: Poort - với những đụn cát, bãi biển dọc theo ranh giới giữa vùng lấn biển và mặt nước; Hout - thêm các vùng nông thôn đến khu vực phía Đông Nam thành phố; và Pampus - nơi sẽ cung cấp không gian cho hơn 20.000 ngôi nhà ở khu vực duyên hải đến phần tiếp giáp với đỉnh chóp của vùng lấn biển. Tất cả những khu dân cư mới được quy hoạch đều nằm ở phía Tây vùng lấn biển và gần Amsterdam mặc dù không gian xây dựng lại bị hạn chế hơn phía Đông.

Hình ảnh của khu đô thị mới

Một điều đáng mừng là các quan chức thành phố rất cởi mở trong vấn đề thiết kế. Vào những năm 1980, và gần đây là năm 2006, thành phố tổ chức cuộc thi thiết kế cho các lô đất trống, nơi dân cư có thể xây nhà do chính họ thiết kế và không bị ràng buộc bởi bất kì luật lệ nào. Ngày nay, các công trình lạ mắt ấy vẫn hiện hữu khắp nơi và biến Almere thành thánh địa của “những ngôi nhà tự xây dựng” (DIY).  Andriduivesteijn - Ủy viên hội đồng chịu trách nhiệm về quy hoạch - gọi hướng tiếp cận này là “Mô hình quy hoạch hữu cơ” (Organic Urbanism), và Bộ quy hoạch quốc gia đã đề cử DIY cho một giải thưởng về sáng tạo trong xây nhà ở. (Hình 4.1, 4.2)


(Hình 4.1) 


(Hình 4.2)

Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự suy giảm dân số ở Hà Lan, thành phố vẫn đang tiến về phía trước với những kế hoạch mở rộng, tạo ra khoảng 100.000 việc làm trong 2 thập kỉ và tiếp tục giữ vững mục tiêu đạt được số dân 350.000 người vào năm 2030 để trở thành thành phố lớn thứ 5 ở Hà Lan, sau Amsterdam, Rotterdam, Hague, và Utrecht. Nhận thấy vùng Amsterdam (bao gồm cả Almere) sẽ là trung tâm phát triển của đất nước, các mục tiêu lớn tại khu vực này đều do chính phủ quốc gia thiết lập. Almere đồng ý hợp tác với điều kiện cơ sở hạ tầng được phát triển phù hợp. Điều này nghĩa là phải mở rộng thêm các đường cao tốc, bắc thêm cây cầu thứ 2 qua Markermeer hay đào thêm một hầm đường sắt. Nhà thiết kế đô thị Winy Maas của công ty MVRDV đóng tại Rotterdam là người đề xuất ý tưởng mặt bằng tổng thể cho thành phố. Đồ án đưa ra những giải pháp tối ưu nhằm tạo “bước phát triển nhảy vọt” mang tính bền vững về sinh thái, xã hội và kinh tế, biến Almere thành một thành phố sinh thái hài hòa với cảnh quan xung quanh và trở thành một xã hội đa dạng với 350.000 dân vào năm 2030, trong bối cảnh gắn kết chặt chẽ với toàn vùng. (Hình 5)


(Hình 5)

Đề xuất gây tranh cãi của Maas là xây dựng hòn đảo nhân tạo, kết nối với Almere bằng một cây cầu. Hòn đảo – với tên gọi IJland – “sẽ vươn lên trên mặt hồ như nền văn minh Atlantis bí ẩn”. Đứng ở khía cạnh bảo vệ môi trường, một câu hỏi được đặt ra là liệu việc xây dựng hòn đảo có tiếp tục làm giảm chất lượng nước của Markermeer vốn đã chuyển thành nước lợ, sau khi con đê thứ 2 được xây dựng vào những năm 1970 hay không? Một số nhóm khác cũng tỏ ra chống đối. Tổ chức hành động với tên gọi Angry Swans (Những con thiên nga nổi giận) phản đối bất cứ hình thức xây dựng nào gây xáo trộn tầm nhìn hướng ra biển. Giám đốc Tổ chức hoạt động vì Thiên nhiên và Môi trường cũng nghi ngờ về dự báo dân số của thành phố và cho rằng: “Không quá 3% người dân Amsterdam muốn đến sinh sống tại Almere”. Tuy nhiên, theo Adri Duivesteijn, những thay đổi đó là cần thiết. “Almere có khả năng trở thành một thành phố ổn định và vững chắc miễn là nó có thể đa dạng hóa các loại hình nhà ở và tăng thêm cơ hội việc làm”. Ông chỉ ra rằng, Randstad, vùng đô thị hóa ở phía Tây Hà Lan cần thêm không gian để phát triển, “và Almere hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu này”. (Hình 6.1, 6.2)


(Hình 6.1)


(Hình 6.2)


(Hình 7)

Ngày nay, Almere vẫn đang nỗ lực định hình tương lai và tăng cường khả năng độc lập của mình, đó là những thách thức mà một thành phố mới luôn phải đối mặt trên con đường trưởng thành và phát triển. (Hình 7)

Phan Trần Kiều Trang (biên dịch theo bài viết “The new town in the polder” - Tracy Metz, Planning 12/2010)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo