Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Các mô hình quy hoạch đô thị: “Polis”

Các mô hình quy hoạch đô thị: “Polis”

Viết email In

Con người luôn cố gắng giải quyết các vấn đề của cộng đồng và từng cá nhân thông qua đề xuất mới hoặc cải thiện mô hình tổ chức xã hội. Từ góc nhìn của các nhà đô thị học, quy hoạch sư và kiến trúc sư, mục đích xuyên suốt của các mô hình là nhằm tạo môi trường trong đó con người sống hài hòa với con người và với thiên nhiên.

Từ mô hình polis (tạm dịch: thành bang) của người Hy Lạp, Thành phố vườn (Garden City) của Ebnezer Howard, Đơn vị cư trú (Unité d’Habitation) của Le Corbusier, Đơn vị quy hoạch cộng đồng (Neighborhood Planning Unit) của Clarence Perry tới mô hình Đô thị mới (New Urbanism) khởi đầu từ Léon Krier, các mô hình quy hoạch đô thị đã đề xướng những hình thức quy hoạch khác nhau cùng nhằm mục đích nâng cao tính cố kết cộng động, sự giao tiếp giữa con người với con người bên cạnh việc giải quyết các vấn đề xã hội khác của thời đại.

  • Ảnh bên : Nhà hát Dionysus, Athen, thế kỷ 5 trước Công Nguyên.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá mô hình polis của Hy Lạp cổ đại, nền văn minh mà tư tưởng dân chủ và tư duy khoa học đã trở thành nền tảng cho văn mình phương Tây kế thừa và phát triển. Polis là những cộng đồng độc lập được quản lý bởi hội đồng công dân xuất hiện vào khoảng thế kỷ 5 trước Công Nguyên tại Hy Lap. Kiến trúc của các polis nhấn mạnh vào không gian công cộng quy mô lớn và thường xây dựng bằng đá cẩm thạch như các đền thờ, sân vận động, quảng trường (agora) và các nhà hát như kiệt tác nhà hát Dionnysus tại Athen. Công trình nhà ở thường thấp tầng và quay lưng ra đường phố.

Nhưng không chỉ các công trình công cộng của polis ghi dấu ấn vào lịch sử đô thị, những ý tưởng về tổ chức xã hội trong các polis vẫn còn mê hoặc nhân loại hơn 2000 năm. Trong tác phẩm Politics (Chính trị học), triết gia Aristotle đề xuất quy mô lý tưởng của một polis là 5000 công dân, một quy mô “đủ nhỏ để tiếng nói của mỗi công dân được lắng nghe bởi cả cộng động nhưng đủ lớn để có thể (hình thành nền kinh tế) tự cung, tự cấp”. Người đọc có thể ngạc nhiên về quy mô dân số nhỏ bé này nhưng thực tế thì chỉ những người đàn ông trưởng thành tự do được gọi là “công dân”. Do đó, quy mô dân số thực tế của một polis có thể gấp hơn 10 lần số công dân của nó nếu tính thêm các bà vợ, trẻ em, nô lệ và người ngoại bang. Aristotle cho rằng, bằng giọng văn hóm hỉnh của mình, rằng một polis chỉ có 10 công dân là không thể vì polis đó không thể tự tồn tại, nhưng một polis có 100.000 công dân thị lại quá đông để có thể quản lý.

Điều thú vị là kiến trúc công cộng và tổ chức xã hội không phải là những câu chuyện thành công riêng lẻ của mô hình polis. Sử gia người Ạnh Humphrey Kitto (1897-1982) nhận định rằng cuộc sống và mối liên hệ cộng đồng hình thành dễ dàng trong polis nhờ “tỉ lệ nhỏ nhắn của không gian vật chất”. Thiết kế theo tỉ lệ con người (human-scaled design) nhằm đạt được sự hài hòa trong quan hệ và tính cấu kết cộng đồng tiếp tục là hòn đá tảng trong các mô hình quy hoạch hiện đại.

Nếu đô thị là biểu tượng của nền văn mình (chữ “city” có gốc là “civiliazation”), thì đô thị cũng đã trở thành công cụ văn hóa để qua đó con người nỗ lực đạt được một khái niệm cộng đồng đầy đủ hơn. Trong tác phẩm của mình, Aristotle gọi con người là “zoon politikon” – những sinh vật sống trong một polis – để nhấn mạnh rằng polis, hay cộng đồng, là không gian duy nhất để một con người có thể “hiện thực đầy đủ năng lực tinh thần, đạo đức và trí tuệ” của chính mình.

Tài liệu tham khảo:
LeGates, R & Stout F. (2003).  The City Reader (ed. 3rd.). New York, NY: Routledge

Nguyễn Đỗ Dũng

>> Các mô hình quy hoạch đô thị: “Thành phố Vườn” 

>> Các mô hình quy hoạch đô thị: “Đơn vị ở” 

>> Các mô hình quy hoạch đô thị: “Đơn vị ở” và phiên bản Redburn 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo