Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch cấu trúc chiến lược

Quy hoạch cấu trúc chiến lược

Viết email In

Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam trong những năm gần đây diễn ra với tốc độ khá nhanh, làm biến đổi bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và kiến trúc trên cả nước. Tốc độ đô thị hóa (so với số dân) ở Việt Nam là 18,5% năm 1989; 23,6%  năm 1999  và 26,5% vào năm  2005. Tuy nhiên, với tỉ lệ này thì Việt Nam vẫn đang là nước có mức độ đô thị hóa thấp. Xu hướng tiếp tục tăng trưởng về đô thị là xu hướng tất yếu gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các đô thị có thể phát triển lành mạnh, hiệu quả xét trên cả 3 góc độ chính : kinh tế, xã hội và môi trường. Muốn đáp ứng được nhu cầu phát triển năng động của nền kinh tế thị trường trong xu thế hội nhập, đồng thời đảm bảo môi trường sinh thái, xã hội lành mạnh, đô thị phát triển thì phải có một chiến lược quy hoạch phù hợp.


Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (ảnh minh họa - xomnhiepanh.com)  

Trong những năm gần đây, quy trình lập quy hoạch xây dựng đô thị của Việt Nam đã được quan tâm điều chỉnh nhằm thích ứng tốt hơn với các yêu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên mức độ điều chỉnh chưa đủ để đạt được những mục tiêu này. Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24/1/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng và thông tư số 15/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng vẫn còn nhiều điểm cứng nhắc, kém hiệu quả thậm chí có tác động ngược với quá trình phát triển đô thị do phương thức làm quy hoạch như hiện nay. Bên cạnh đó, việc kiểm soát và quản lý xây dựng đô thị còn yếu kém nên bộ mặt đô thị và môi trường cảnh quan đô thị bị suy giảm nghiêm trọng. Do vậy, có nhiều ý kiến đề cập đến nhu cầu phải có các quy họach ”mềm dẻo” hơn, “động” hơn nhưng phải được định hướng chiến lược nghiêm ngặt và rõ nét hơn.

Trên thế giới, phương pháp quy hoạch tổng thể (Việt Nam hiện nay gọi là “quy hoạch chung”) đã được áp dụng trong thời gian dài và từng là công cụ quản lý xây dựng cho rất nhiều đô thị khi kế hoạch và tiềm lực kinh tế tập trung trong tay nhà nước. Đặc điểm chính của phương pháp này là quy hoạch dựa trên phân khu chức năng tương đối rành mạch, do đó khá cứng nhắc. Trong quá trình phát triển với rất nhiều yếu tố động, phương pháp này ngày càng bộc lộ nhiều điểm bất cập. Từ những thập niên 60, phương pháp quy hoạch chiến lược đã được ra đời tại Mỹ và đến thập nên 80 đã được áp dụng rộng rãi tại các cấp từ trung ương đến địa phương ở nhiều quốc gia. Phương pháp mới này làm tăng khả năng cạnh tranh của các đô thị và giúp cho các nguồn tài nguyên hạn hẹp được sử dụng hợp lý hơn. Quy hoạch chiến lược được phát triển thành “quy hoạch cấu trúc chiến lược”, đặt trọng tâm vào các cấu trúc không gian trong phát triển đô thị. Cấu trúc không gian là dạng vật thể hóa của các mối quan hệ đô thị. Như vậy, quy họach cấu trúc là quy hoạch về quan hệ giữa các thành phần đô thị chứ không phải là quy hoạch bản thân các thành phần này. Quy hoạch cấu trúc chiến lược là một quá trình (process) gồm 3 hạng mục công việc được diễn ra song song và luôn tương tác với nhau:

  • Thứ nhất là xây dựng một viễn cảnh cho tương lai phát triển của đô thị với các ý tưởng về tổ chức không gian, các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, các kế hoạch hành động ngắn hạn.
  • Thứ hai là quản lý các vấn đề diễn ra hàng ngày của đô thị, giải quyết các mâu thuẫn thông qua cơ chế đối thoại và thương thuyết giữa các bên liên quan.
  • Thứ ba là các hoạt động có sự tham gia nhằm thu hút nhiều thành phần khác nhau trong xã hội vào quá trình lập quy hoạch và đưa ra các quyết định có liên quan.

Quá trình được nêu trên diễn ra liên tục, với những mục tiêu được thường xuyên điều chỉnh thích hợp với từng đô thị trong mỗi thời kỳ, bối cảnh. Phải nhấn mạnh là không có một mô hình về quá trình nào được sọan sẵn cho việc lập chiến lược phù hợp với mọi đô thị.Ở Việt Nam, trong xu thế hội nhập và phát triển mạnh của nền kinh tế do thị trường điều tiết, việc thay thế phương pháp quy hoạch tổng thể phát triển đô thị bằng phương pháp quy hoạch cấu trúc chiến lược là thiết yếu. Chỉ có như vậy, quy hoạch đô thị ở VN mới góp phần phát huy ưu thế cạnh tranh của từng đô thị và khuyến khích các sáng kiến cũng như nguồn lực của địa phương.

Phương pháp quy hoạch cấu trúc chiến lược sẽ giải quyết được một số vấn đề cơ bản hiện nay trong công tác quy hoạch đô thị ở Việt Nam:

1.Tập trung những nguồn lực hạn hẹp vào thực hiện một số mục tiêu phát triển có tính chiến lược, có khả năng lan tỏa và thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác

2. Phát huy cấu trúc không gian sinh thái tự nhiên, tìm ra các logic kết nối để tạo lập các cấu trúc đô thị vào trong lòng cấu trúc sinh thái tự nhiên, vừa khiến cho mỗi đô thị có bản sắc riêng, vừa đặt nền móng cho một phát triển đô thị bền vững, gắn liền với môi trường.

3. Phương pháp tiếp cận này sẽ nhìn nhận tốt hơn các giá trị văn hóa- nhân văn ẩn chứa trong lòng các đô thị và quan tâm khai thác tốt hơn, thận trọng hơn tài nguyên phi vật thể này. Chính các giá trị văn hóa – nhân văn và sinh thái tự nhiên là điểm mạnh giúp các đô thị Việt Nam có cơ hội cạnh tranh trên thế giới nếu được tôn tạo và khai thác.


Mô hình các khung khái niệm của Rogers Stirk Harbour + Partners trong dự án "Grand Paris"  nhằm hướng đến cách quản lý được phối hợp tốt và mang tầm nhìn bao quát cho tương lai TP Paris (Pháp).

Việc chuyển từ quy hoạch tổng thể sang quy hoạch cấu trúc chiến lược đòi hỏi thời gian và sự thay đổi trong nhận thức. Trước mắt, có thể bắt đầu bằng việc đưa ra yêu cầu lập quy hoạch cấu trúc chiến lược thay cho quy hoạch chung vào trong các văn bản pháp quy về QHXD:

- Cấu trúc chiến lược phát triển đô thị phải được xác định trên cơ sở khung các điều kiện tự nhiên của đô thị, các điều kiện hiện trạng, tiềm năng phát triển, đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững , năng động, hiệu quả và hướng tới các mục tiêu phát triển đô thị chiến lược, hướng tới tầm nhìn của đô thị trong tương lai.

- Về mặt định hướng phát triển không gian, cấu trúc chiến lược đô thị cần nghiên cứu các nội dung:

  • Hình thái đô thị : lý giải được cấu trúc không gian đô thị, xác định ranh giới phát triển đô thị, trung tâm đô thị, các tuyến chính, mật độ XD... 
  • Kinh tế đô thị : Xác định quy mô dân số, mật độ dân số đảm bảo đô thị phát triển hiệu quả; xác định cơ cấu ngành nghề; xác định mối quan hệ tương tác và nguyên tắc liên kết giữa các vùng công năng trên mặt bằng.
  • Thiết kế đô thị : Các chiến lược kiểm soát và hướng dẫn phát triển liên quan đến các yếu tố tạo nên diện mạo đô thị như : tuyến, diện, điểm nhấn, phong cách kiến trúc, cảnh quan đô thị
  • Sinh thái đô thị : Các chiến lược phát triển phù hợp với hệ sinh thái đô thị ( địa hình, nắng, gió, năng lượng tự nhiên, hệ động thực vật...)
  • Xã hội học đô thị : Các chiến lược phát triển đô thị hướng tới công bằng XH tối đa trong việc quy hoạch sử dụng không gian, đảm bảo điều kiện sống cho các đối tượng khác nhau trong XH; Các giải pháp về vấn đề giảm khoảng cách giàu nghèo, các giải pháp đối với các vấn đề XH khác.
  • Văn hóa đô thị : Chiến lược phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của đô thị trong tương lai, tạo dựng các không gian cần thiết cho các hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống  
  • Hạ tầng kỹ thuật : Cấu trúc giao thông nhiều tầng bậc hệ thống thông tin liên lạc, nguồn cung cấp hạ tầng chính...

Cấu trúc chiến lược tổng thể của tòan bộ đô thị là kết quả lồng ghép các chiến lược thành phần nêu trên để hướng tới mục tiêu chiến lược chung và thực hiện viễn cảnh (tầm nhìn) của toàn đô thị.

ThS. Tạ Quỳnh Hoa - Bộ môn Kiến trúc Công nghiệp, Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, ĐH Xây dựng 

(Tổng hợp từ Hội thảo Khoa học "Quy hoạch xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế tại Việt Nam" / Tài liệu tham khảo: Van den Broeck, Strategic structure planning. Urban Trialogues, 2004.)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo