Đánh giá môi trường chiến lược: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Thứ tư, 27 Tháng 3 2013 14:19 SGGP
In

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 tại Việt Nam đã có những quy định cho việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đối với chính sách, kế hoạch/quy hoạch, chương trình phát triển lãnh thổ, ngành. Quy định thực thi pháp luật về ĐMC, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã nêu ra yêu cầu cấp bách trong việc thúc đẩy và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện ĐMC trong thực tế.  

Thiếu cơ chế chính sách 

Một loạt các dự án thí điểm cho các loại ĐMC và mức độ khác nhau được thực hiện với mục tiêu xây dựng năng lực để thực hiện ĐMC ở cấp độ trung ương và địa phương, làm cơ sở cho việc xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật ĐMC và tài liệu đào tạo chuyên ngành, ĐMC được nhân rộng thực hiện tại các ngành và các địa phương trong cả nước. Hiện nay, đã có 14 bản báo cáo đánh giá ĐMC thí điểm đã được thực hiện với nhiều loại hình khác nhau là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển công nghiệp, phát triển vận tải và quy hoạch vùng phát triển kinh tế... ở quy mô quốc gia, khu vực, tỉnh và huyện. Quá trình ĐMC và phương pháp được sử dụng trong dự án thí điểm ĐMC dựa trên dự thảo hướng dẫn chung cho ĐMC do chương trình Tăng cường quản lý đất đai, môi trường do Chính phủ Thụy Điển tài trợ (SEMLA) hỗ trợ Bộ TN-MT xây dựng. 

Riêng khu vực TPHCM, kể từ năm 2005 đến nay các dự án được xây dựng trong phạm vi thành phố đều phải thông qua các bản báo cáo ĐTM (đánh giá tác động môi trường). ĐTM được lập bởi các chuyên gia môi trường dưới sự thẩm định và phê duyệt của các cơ quan chức năng. Mặc dù vậy, ở phạm vi lớn hơn cấp độ dự án, như mức độ chính sách - quy hoạch/kế hoạch-chương trình, chưa có bản ĐMC nào được hoàn thành đến thời điểm này, ngoài bản ĐMC cho phát triển kinh tế - xã hội TP được UBND TP giao cho Viện Nghiên cứu phát triển đô thị TP tiến hành thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn tất.

Thực tế nêu trên có nguyên nhân chủ yếu của việc thiếu cơ chế pháp lý phù hợp cho sự thực thi các bản đánh giá môi trường, sự cản trở và gây khó cho các nhà đầu tư vốn chỉ cân nhắc đến phương diện phát triển kinh tế nhanh chóng mà không quan tâm đến tính lâu dài và bền vững của môi trường (môi trường phát triển kinh tế lẫn môi trường sống xung quanh khu vực đầu tư). Kinh phí để thực hiện các bản đánh giá môi trường cũng là vấn đề khiến các nhà đầu tư lờ đi hoặc chỉ làm các khâu đánh giá môi trường mang tính chất đối phó. Mặt khác, tính cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư cũng khiến các bên chủ quản địa phương không gây áp lực cho các nhà đầu tư để thực hiện nghiêm túc các bản đánh giá môi trường. 

Tháo gỡ khó khăn 

Nếu không có cơ sở pháp lý phù hợp và nghiêm khắc bắt buộc thực hiện đánh giá môi trường đưa vào thực tế, sẽ rất khó thực hiện đánh giá môi trường nghiêm túc. Quan trọng hơn nữa là công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cả các nhà đầu tư và các bên liên quan. Nâng cao nhận thức ở đây phải kể đến sự tuyên truyền cho chiến lược phát triển bền vững của khu vực đầu tư. Về lâu dài, cân nhắc về vấn đề môi trường cũng chính là cân nhắc về vấn đề kinh tế và ngược lại, kinh tế cũng chính là vấn đề môi trường. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đánh giá môi trường cũng như năng lực của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường. 

Ngoài ra, cũng cần có những biện pháp chế tài đối với các bên đầu tư, đơn vị tư vấn và cả bên thẩm định các bản báo cáo đánh giá môi trường để đảm bảo chất lượng của các bản báo cáo này phải đi từ số liệu chuẩn xác, có khoa học, đủ, đúng theo quy trình chuẩn của ĐTM và ĐMC. Một điều cũng không kém phần quan trọng cho việc thực thi đánh giá môi trường vào sau quy hoạch đó là công tác kết hợp địa phương: nhà nước và nhân dân cùng làm. Đi sâu sát vào nội bộ quần chúng, dân biết - dân bàn - dân kiểm tra đưa vào thực hiện quá trình thực hiện bảo vệ môi trường ở cấp địa phương. 

Quay lại tình hình môi trường quy hoạch sử dụng đất TPHCM, chúng ta thấy rằng sự cần thiết phải áp dụng ĐMC cho quy hoạch sử dụng đất đối với TP đặc biệt là vấn đề cấp bách cho sự phát triển bền vững. 

Theo ADB, năm 2009, TPHCM là một trong 10 TP trên thế giới có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Hiện tại, chính quyền địa phương đang phối hợp với các chuyên gia nước ngoài với sự hỗ trợ của chính phủ Đức trong dự án Mega-city để xác định các biện pháp liên quan đến phát triển đô thị để thích ứng với thay đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ADB cũng hỗ trợ phân tích về tác động của biến đổi khí hậu và các tùy chọn cho hợp tác tại TPHCM với Ngân hàng Thế giới và Hợp tác quốc tế của Nhật Bản với UBND các TP. Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà TPHCM đang phải đối mặt, đó là mực nước biển tăng và mất đất nông nghiệp, an ninh lương thực bị đe dọa với lũ lụt bằng đường biển vào các hệ sinh thái bị phá vỡ bên trong nội tại cùng với cây trồng nông nghiệp ở vùng trũng. Song song đó, quá trình đô thị hóa tự phát dẫn đến suy thoái môi trường không kiểm soát được. 

Trước những tiếng kêu cứu từ môi trường, đòi hỏi trách nhiệm của các bên. Không những từ trách nhiệm của chính quyền TP trong việc kiểm soát và hỗ trợ đánh giá môi trường xây dựng mà còn phải từ ý thức hệ của các nhà tư vấn, các chuyên gia môi trường và các bên liên quan trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng. 

Dũng - Tuấn - Quế, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: