Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Các công ty than Indonesia đa dạng hóa đầu tư vào năng lượng tái tạo

Các công ty than Indonesia đa dạng hóa đầu tư vào năng lượng tái tạo

Viết email In

Các công ty khai thác than hàng đầu Indonesia đang lên kế hoạch đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo nhằm dạng hóa đầu tư cũng như nắm bắt xu hướng.

Tiến vào các dự án năng lượng tái tạo

Theo tờ Nikkei Asian Review, trong khi Indonesia vẫn xem than là nguồn năng lượng chủ lực trong tương lai gần thì các công ty khai thác than của nước này đang ngày càng quan tâm đến nỗ lực đa dạng hóa danh mục đầu tư trong bối cảnh những tiếng nói phản đối sử dụng “vàng đen” ngày càng lan tỏa rộng khắp trên trên thế giới.


Một trang trại điện mặt trời ở tỉnh Bắc Maluku, Indonesia.
(Ảnh: Antara)

Ba công ty than hàng đầu Indonesia gồm Adaro Energy, Indo Tambangraya Megah và Bukit Asam đều đã công bố kế hoạch thâm nhập vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, một phần là nhằm đa đạng hóa đầu tư và kiểm soát các biến động của giá than.

Giá than nhiệt lượng cao ở châu Á đã có lúc tăng lên mức cao nhất trong gần 7 năm qua rồi sau đó đã giảm 13%. Các công ty khai thác than Indonesia muốn giảm các tác động xấu khi giá than biến động khó lường bằng cách kiếm các nguồn doanh thu bền vững từ các nhà máy năng lượng tái tạo.

Hồi tháng 8, Công ty than Indo Tambangraya Megah (ITMG) khẳng định đã sẵn sàng cho các dự án năng lượng tái tạo. Bramantya Putra, Giám đốc hoạt động ITMG, nói: “Chúng tôi sẽ tập trung vào hai dự án năng lượng tái tạo gồm thủy điện và năng lượng mặt trời”.

Báo chí Indonesia cho biết ITMG đang lên kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo bắt đầu từ năm tới và đặt mục tiêu nâng mức đóng góp của lĩnh vực này lên mức tương đương 20% tổng doanh thu của công ty. Hai công ty than Adaro Energy và Bukit Asam cũng đang trong quá trình phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Công ty phát triển nhà máy điện Adaro Power, một thành viên của Adaro Energy, đang vận hành một hệ thống năng lượng mặt trời có công suất 100kW. Adrian Lembong, Giám đốc Công ty  Adaro Power, cho biết công ty này sẵn sàng mở rộng phát triển năng lượng tái tạo bất cứ lúc nào cần thiết.

Adaro Power đang nghiên cứu kế hoạch xây dựng một nhà máy điện mặt trời có công suất 100MW ở đảo Sumatra cũng như nghiên cứu tính khả thi của việc phát triển một dự án sản xuất điện tại chỗ kết hợp giữa năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối và hệ thống pin trữ điện với công suất thiết kế 6,5MW. Theo ông Dharma Djojonegor, Phó Giám đốc điều hành Adaro Power, có hai xu hướng liên quan đến than mà công ty này đang theo dõi.

Ông nói: “Một xu hướng là việc vay tiền để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ngày càng khó khăn hơn. Xu hướng thứ hai là chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đang ngày càng giảm. Là một công ty điện lực, chúng tôi phải nắm bắt hai xu hướng này. Vậy nên, chúng tôi rất muốn tiến vào lĩnh vực năng lượng tái tạo”.

Các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng ở phương Tây, đang ngày càng ngần ngại cho vay để xây dựng các dự án nhiệt điện than. Đồng thời, chi phí sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đã giảm mạnh trong những năm qua, theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA).

Chi phí sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch dao động từ 0,05-0,17 đô la/kWh ở 20 nền kinh tế lớn của thế giới thuộc nhóm G20 mà Indonesia là một thành viên. Trong khi đó, chi phí sản xuất điện ở các nhà máy thủy điện mới và các dự án điện gió trên bờ, năng lượng sinh học và địa nhiệt dao động ở mức 0,05-0,07 đô la/kWh, theo IREA. Chi phí sản xuất điện năng lượng mặt trời cũng đã giảm mạnh 73% kể từ năm 2010 và đang ở mức 0,1 đô la/kWh ở các dự án mới đi vào hoạt động trong năm 2017.

Công ty than nhà nước Bukit Asam, một trong những công ty than lớn nhất Indonesia, đang nắm 1,99 tỉ tấn trữ lượng than, đã tham gia vào đấu thầu ba dự án điện mặt trời có công suất 30 MW, 33,68 MW và 35 MW ở đảo Sumatra thông qua công ty con Bukit Energi Investama. Các dự án này có thể được vận hành vào năm 2022. Bukit Asam cũng đang nghiên cứu phát triển các nhà máy điện mặt trời khác ở tỉnh Nam Sumatra.

Vẫn chưa thể thoát khỏi than

Động thái thâm nhập vào "năng lượng xanh" của các công ty than khiến Indonesia củng cố thêm quyết tâm chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Là bên tham gia ký kết thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015, Indonesia đang lên kế hoạch gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng với mục tiêu nâng nguồn cung năng lượng lên gấp đôi vào năm 2025, trong đó năng lượng tái tạo đóng góp 23%.

Tuy nhiên, đạt mục tiêu này là một thách thức lớn đối với Indonesia vì nước này vẫn ưu tiên sử dụng than như nguồn năng lượng trọng yếu vì đây là cách dễ dàng và rẻ nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày tăng cao ở một đất nước có dân số đông thứ tư thế giới và sinh sống rải rác khắp 17.000 hòn đảo lớn nhỏ.

“Hãy nói về năng lượng sạch khi xã hội chúng ta đã phát triển nhưng ai mà quan tâm đến năng lượng sạch khi nhiều người dân của chúng ta vẫn đang chống chọi nạn đói hàng ngày?”, Tumbur Parlindungan, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Indonesia nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Jakarta Post.

Indonesia dự kiến sẽ nâng mức đóng góp của năng lượng tái tạo lên mức 23% tổng sản lượng điện của nước này vào năm 2025, chủ yếu để thay thế sử dụng dầu thô chứ không phải than. Đến năm 2025, “vàng đen” dự kiến vẫn đóng góp 30% trong cơ cấu năng lượng của nước này chỉ thấp hơn một chút so với mức 31,4% trong năm 2016. Đến năm 2050 dự kiến than vẫn còn chiếm 25% trong cơ cấu năng lượng của Indonesia.

Vicky Adijanto, nhà phân tích ở Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nhận định rằng dù Indonesia đang thúc đẩy phát triển nhiều năng lượng tái tạo hơn nhưng than vẫn sẽ chiếm lĩnh trong cơ cấu năng lượng vì than có nhiều lợi thế về mặt kinh tế và đất nước này vẫn còn nhiều chính sách không ủng hộ sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Chánh Tài

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo