Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Bảo vệ “mái nhà của trái đất”

Bảo vệ “mái nhà của trái đất”

Viết email In

Các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ “mái nhà của trái đất” - tầng ozone, đang được cả thế giới quan tâm. Đây cũng là điều được tổng kết nhân kỷ niệm 30 năm ra đời Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS), đồng thời, đặt dấu mốc 23 năm Việt Nam gia nhập và thực hiện Nghị định thư Montreal.  

Thực tiễn đang cho thấy, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều tích cực trong việc triển khai các Chương trình quốc gia loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone, khuyến khích chuyển đổi công nghệ an toàn với tầng ozone và môi trường trên cả nước. 

Trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, nhiều DN bước đầu đã tiếp cận được công nghệ mới an toàn cho khí hậu và tầng ozone. Những DN này được hỗ trợ chi phí chuyển đổi công nghệ và tham gia các khóa huấn luyện kỹ thuật. Hiệu quả đem lại trong sản xuất và kinh doanh trở thành động lực lớn cho các DN tiếp tục hưởng ứng các hoạt động bảo vệ tầng ozone.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu, để thực sự tham gia có hiệu quả vào chương trình loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone, các DN cần tận dụng nguồn vốn hỗ trợ trong huấn luyện kỹ năng của nhân công, bởi các chất thay thế rất dễ gây cháy nổ trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất.

Hiện nay, Quỹ Đa phương đã phê duyệt, chấp thuận tài trợ Dự án loại trừ HCFC của Việt Nam - giai đoạn II với tổng kinh phí là 14,6 triệu USD, thời gian từ năm 2017 - 2022 trên phạm vi toàn quốc. Dự án sẽ tổ chức các khóa tập huấn hỗ trợ hệ thống dạy nghề điện lạnh và huấn luyện công nhân kỹ thuật. Các DN sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, xốp cách điện, xốp XPS và bảo dưỡng thiết bị điện lạnh tham gia sẽ được xem xét hỗ trợ kinh phí để loại bỏ sử dụng các chất ODS và chuyển đổi sang sử dụng các công nghệ, chất thay thế thân thiện với ozone và khí hậu. Mục tiêu chính là loại trừ 1.000 tấn HCFC-22 và Polyol trộn sẵn HCFC-141b, loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC vào năm 2020 theo đúng lộ trình Nghị định thư Montreal.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam thuộc nhóm nước đang phát triển và sẽ ngưng mức tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2024 - 2028. Đến năm 2045, Việt Nam phải loại trừ được 80% tổng lượng các chất HFC, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh và điều hòa không khí, phòng cháy chữa cháy. 

Các chất này chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất và lắp ráp thiết bị lạnh dân dụng, máy lạnh, điều hòa không khí trung tâm.

Để làm được điều này, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước thì các DN có liên quan cần chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đổi mới trang thiết bị, công nghệ sản xuất cũ sang công nghệ hiện đại, lựa chọn các chất thay thế theo hướng dẫn của Nghị định thư Montreal.

Khánh Ly 
(Báo Xây dựng)   

23 năm Việt Nam gia nhập và thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone 

Tầng ozone, tấm lá chắn bảo vệ tất cả sự sống trên Trái đất khỏi các tác hại nguy hiểm của tia bức xạ cực tím từ mặt trời, đã bị suy giảm. Lỗ thủng lớn tầng ozone đã xuất hiện ở Nam Cực vào thập niên 1970. Nguyên nhân tầng ozone bị suy giảm, đe dọa mọi sự sống trên hành tinh chúng ta là do cùng với sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ, con người đã sản xuất, sử dụng và phát thải vào khí quyển một lượng lớn hóa chất có tiềm năng phá hủy tầng ozone. 

Nhận thức rõ nguy cơ nêu trên và quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế hành động để bảo vệ tầng ozone, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giam tầng ozone vào năm 1994 và cũng đã lần lượt phê chuẩn các Sửa đổi, bổ sung London, Copenhagen, Montreal và Bắc kinh của Nghị định thư Montreal. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định thư

Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone và các điều ước quốc tế khác có liên quan đến bảo vệ tầng ozone. Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai các hoạt động thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.

Trong suốt 23 năm qua, là một Bên thuộc Nghị định thư Montreal tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã nỗ lực tuân thủ đầy đủ các quy định của Nghị định thư Montreal. Việt Nam không sản xuất các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) nhưng có nhập khẩu các chất ODS để phục vụ nhu cầu sản xuất, dịch vụ, chủ yếu trong các lĩnh vực điện lạnh, điều hòa không khí, bọt xốp.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Chương Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án loại trừ các chất ODS, trong đó có các chương trình, dự án chính dưới đây: 

  • Chương trình quốc gia của Việt Nam nhằm loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone;
  • Dự án “Kế hoạch quốc gia của Việt Nam loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC và Halon”;
  • Dự án “Tăng cường năng lực thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ở Việt Nam”;
  • Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam-giai đoạn I”;
  • Dự án “Trình diễn chuyển giao công nghệ giảm phátthải khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ozone trong lĩnh vực làm lạnh công nghiệp”.

Để hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan thực hiện hoạt động loại trừ dần các chất ODS, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT/ BTM-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2005 hướng dẫn quản lý nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập-tái xuất các chất làm suy giảm tầng ozone theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone cụ thể là các chất CFC, halon và CTC. Sau đấy, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT/BCT-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2011 quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập-tái xuất các chất làm suy giảm tầng ozone theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone cụ thể là hydrochlorofluorocarbons (gọi tắt là các chất HCFC) và Polyol trộn sẵn HCFC-141b (HCFC- 141b Pre-blended polyol). Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 2139/BTNMT- BĐKH ngày 03 tháng 5 năm 2017 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện các biện pháp giảm cầu polyol trộn sẵn HCFC-141b. 

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, các bên có liên quan tổ chức các hội thảo quốc gia, hội thảo huấn luyện nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ tầng ozone và hướng dẫn kỹ năng chuyên môn cho các nhà quản lý, kỹ thuật viên của các doanh nghiệp trong việc loại trừ các chất ODS. Việc phổ biến, tuyên truyền rộng rãi thông tin bảo vệ tầng ozone, loại trừ các chất ODS theo Nghị định thư Montreal cũng được chú trọng, đẩy mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, chương trình truyền hình, phát thanh…). Nhiều ấn phẩm, chương trình video, tài liệu thông tin tuyên truyền về thực hiện Nghị định thư Montreal, bảo vệ tầng ozone đã được in, phát hành rộng rãi. Một số cuộc thi vẽ tranh tìm hiểu về tầng ozone dành cho các học sinh phổ thông đã được tổ chức. Việt Nam cũng tăng cường hợp tác bảo vệ tầng ozone với các nước, tổ chức quốc tế có liên quan và cử các đại diện, đoàn đại biểu tham dự, đóng góp ý kiến tại các Hội nghị, Khóa họp, Cuộc họp đàm phán về bảo vệ tầng ozone trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal.

Qua 23 năm tham gia tích cực và phấn đấu thực hiện nghĩa vụ, cam kết của mình theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, Việt Nam đã đạt được các kết quả, thành công quan trọng chính như sau: 

  • Đã hoàn thành nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn tiêu thụ hơn 500 tấn CFC, Halon và CTC từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. Với thành tích này, Việt Nam đã được Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal và UNEP trao tặng Chứng nhận hoàn thành loại trừ tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC theo đúng lộ trình quy định theo Nghị định thư
  • Đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ 500 tấn Methyl Bromide sử dụng ngoài mục đích kiểm dịch và khử trùng hàng xuất khẩu, cũng như đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ hơn 500 tấn HCFC- 141b nguyên chất sử dụng trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt, qua đó tuân thủ nghĩa vụ loại trừ 10% tổng lượng tiêu thụ các chất HCFC từ ngày 01 tháng 01 năm 2015;
  • Công tác bảo vệ tầng ozone đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015;
  • Cố TS. Đào Đức Tuấn, Điều phối viên ozone của Việt Nam đã được Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (USEPA) trao tặng Giải thưởng về bảo vệ tầng ozone. 
  • Trong bối cảnh kỷ niệm 23 năm Việt Nam gia nhập và thực hiện Nghị định thư Montreal, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị triển khai Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam-giai đoạn II” (do Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal tài trợ) với mục tiêu chính là loại trừ sử dụng 1.000 tấn HCFC-22 trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí gia dụng, thiết bị lạnh, sản xuất xốp XPS; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt trong giai đoạn 2017-2025 để giúp Việt Nam tuân thủ nghĩa vụ loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá tình hình sử dụng các chất HFC tại Việt Nam để chuẩn bị trình Chính phủ xem xét, quyết định phê chuẩn/ phê duyệt Sửa đổi, bỏ sung Kigali về loại trừ các chất HFC của Nghị định thư Montreal.

(Nguồn: Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo