Ashui.com

Wednesday
Apr 17th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường “Tín hiệu xanh” từ Ấn Độ

“Tín hiệu xanh” từ Ấn Độ

Viết email In

Chính quyền New Delhi trước đây từng chỉ trích các quốc gia phương Tây là “đạo đức giả” khi yêu cầu người Ấn Độ hy sinh tăng trưởng để đối phó với những ảnh hưởng của tình trạng nóng lên toàn cầu do đốt nhiên liệu hóa thạch. Song giờ đây, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới đã có những thay đổi đáng ngạc nhiên, cả về tư duy lẫn chính sách.  

Đảo ngược tình thế

Cách đây vài năm, nhiều nước trên thế giới tỏ ra e ngại khi Ấn Độ lao vào xây dựng các nhà máy điện than, tăng công suất lên gấp hơn hai lần. Ấn Độ còn tuyên bố cần nhiều nhà máy nhiệt điện than hơn nữa. Các quan chức nước này cho biết, để phục vụ các nhà máy điện đó, sản lượng than sẽ phải tăng gấp ba lần, lên 1,5 tỉ tấn, vào năm 2020. Các chuyên gia của Mỹ lúc ấy cho rằng, kế hoạch trên là bằng chứng cho thấy sự vô ích của các nước phát triển khi cố gắng hạn chế lượng carbon gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính. 


Các tấm năng lượng mặt trời xuất hiện ngày càng nhiều ở Ấn Độ. Trong ảnh là nóc của một cửa hàng ở Bangalore.
(Ảnh: NYT) 

Nhưng bây giờ, tình thế lại đảo ngược. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thì chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi lại đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho một tương lai xanh sạch hơn. 

Các chuyên gia cho biết, Ấn Độ giờ không những không cần bất cứ một nhà máy điện than mới nào trong vòng ít nhất một thập kỷ, dù các nhà máy hiện tại đang hoạt động dưới 60% công suất, mà còn có thể dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo cho những nhu cầu bổ sung.

Thay vì xây dựng thêm các nhà máy điện đốt than, Ấn Độ hiện đang hủy bỏ nhiều dự án đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Tháng trước, chính phủ của Thủ tướng Modi đã hạ mục tiêu sản xuất than hàng năm, từ mức 660 triệu tấn xuống còn 600 triệu tấn.

Những động thái trên vừa phản ánh sự thay đổi của nền kinh tế dựa vào năng lượng tái tạo vừa cho thấy ý thức về môi trường đang ngày một gia tăng ở quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề trên thế giới.

Việc làm của Ấn Độ rất có ý nghĩa, bởi quốc gia này phát thải khí nhà kính lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Và đáng ngạc nhiên là hành động đó diễn ra khi Ấn Độ đang có nhu cầu rất lớn về năng lượng, trong bối cảnh gần một phần tư dân số không có điện và nhiều nơi tại nước này chỉ được cung cấp điện theo giờ.

Còn nhớ, vào thời điểm ký kết Hiệp định Paris năm 2015, thế giới đã dồn sự chú ý vào Ấn Độ. Khi đó Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải gánh một sứ mệnh quan trọng là thúc đẩy Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký kết thỏa thuận. Khi đặt bút ký, ông Modi đã cam kết Ấn Độ sẽ đạt 40% công suất điện từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2030. 

Các nhà phân tích cho rằng, việc ông Modi cam kết đưa Ấn Độ phát triển theo hướng xanh hơn có ý nghĩa lớn cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Theo ông Harsh Pant, thành viên của Tổ chức nghiên cứu Observer, trụ sở ở New Delhi, cử tri ủng hộ ông Modi là tầng lớp trung lưu và những người này đang bị nghẹt thở bởi tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố. “Ông Modi biết rõ, việc quan tâm tới biến đổi khí hậu là có lợi cho yếu tố chính trị”, ông Pant nói. 

Vào năm 2015, khi lượng điện năng của Ấn Độ từ các nguồn năng lượng tái tạo chỉ đạt 36 gigawatts, chính phủ Ấn Độ đã cam kết sẽ đưa con số này lên 175 gigawatts vào năm 2022. 

Về mặt kinh tế, có hai yếu tố tạo điều kiện cho Ấn Độ dần rời xa việc sử dụng than. Thứ nhất là tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ, mặc dù vẫn cao hơn hầu hết các nền kinh tế lớn, song đã giảm xuống mức 6,1% trong quí gần đây nhất, so với mức 7% trong quí trước đó. Và phần lớn sự tăng trưởng đó xuất hiện trong các ngành công nghiệp dịch vụ, chứ không phải ngành sản xuất luôn khát năng lượng.

Điều thứ hai quan trọng không kém là chi phí để sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo đã giảm mạnh. Nhiều chuyên gia khẳng định, các nguồn năng lượng tái tạo đang sẵn sàng để trở thành một loại thay thế cho than đá trong thập kỷ tới. 

Sản xuất năng lượng tái tạo dễ dàng hơn

“Đoàn tàu đã rời ga”, ông Ajay Mathur - Tổng giám đốc của Viện Nguồn năng lượng, một trung tâm chính sách ở New Delhi đã dùng hình ảnh đó để nói về sự bắt đầu tham gia của Ấn Độ trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. “Tổng thống Mỹ D.Trump đã quá muộn để làm chậm quá trình này”, ông Mathur nhấn mạnh, có ý đề cập việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris 2015.

Viện của ông Mathur mới đây đã dẫn những dữ liệu hồi tháng 12-2016 của Cục Điện lực Trung ương cho biết, trong tương lai, Ấn Độ có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng bổ sung bằng năng lượng tái tạo.

Báo cáo của viện dựa trên dự đoán về việc giảm đáng kể chi phí tạo ra năng lượng mặt trời. Khi phê duyệt đề xuất cho các nhà máy điện năng lượng mặt trời mới, Chính phủ Ấn Độ đã kiểm soát kỹ hồ sơ dự thầu từ những đối thủ cạnh tranh để lựa chọn công ty có mức giá thấp nhất.

Cách đây năm năm, giá mời thầu thấp nhất là 7 rupi (11 cent Mỹ) cho một kWh giờ. Nhưng đầu tháng 5 vừa qua, mức chào thấp nhất của nhà cung cấp chỉ còn chưa đầy một nửa, tức 2,44 rupi /kWh (dưới 4 cent). Mức giá này có thể khiến cho năng lượng mặt trời rẻ hơn năng lượng than, đang được bán với giá khoảng 3 rupi/kWh.

Ông Adair Turner, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi năng lượng, chuyên nghiên cứu các vấn đề về khí hậu, đặt câu hỏi: “Sử dụng năng lượng tái tạo là tốt, nhưng những lúc nếu gió không thổi và mặt trời không chiếu sáng thì làm thế nào?”. Câu hỏi này không phải để hỏi mà để lý giải rằng, chi phí cho lưu trữ, một thành phần quan trọng của các hệ thống năng lượng tái tạo, hiện cũng đang giảm mạnh.

Chi phí của pin lithium ion, được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong việc lưu giữ năng lượng mặt trời, đã giảm đáng kể. Ông Mathur dẫn chứng, năm năm trước đây giá của pin vào khoảng 1.000 đô la Mỹ/1kWh thì hiện chỉ còn 273 đô la và giá còn tiếp tục giảm. Theo ông, để có thể cạnh tranh được với giá điện than thì con số trên cần phải giảm xuống mức 100 đô la/kWh. Khả năng này, theo ông Turner là sẽ xảy ra sớm hơn năm 2030.

“Thành công này lớn hơn những gì mà tôi hình dung ra. Có những người lạc quan và họ là người chiến thắng”, ông Turner nói.

Vào năm 2015, khi lượng điện năng của Ấn Độ từ các nguồn năng lượng tái tạo chỉ đạt 36 gigawatts, chính phủ Ấn Độ đã cam kết sẽ đưa con số này lên 175 gigawatts vào năm 2022. Bộ trưởng Năng lượng Piyush Goyal, hồi cuối tháng 4 vừa qua, thậm chí còn công bố thông tin bất ngờ rằng, nước này đang thực thi các bước nhằm đảm bảo rằng vào năm 2030 chỉ có xe điện sẽ được bán ở Ấn Độ.

“Chỉ một năm rưỡi trước đây, tôi không nghĩ là chúng ta có thể tự đặt mình vào thế khó khi nói rằng, phương tiện chạy điện là mục tiêu của chính sách công. Điều này thực sự thú vị”, ông Mathur bình luận.

Navroz Dubash, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, cảnh báo rằng, mặc dù Ấn Độ có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng bổ sung trong tương lai từ các nguồn tái tạo, song điều đó không có nghĩa là Ấn Độ sắp ngừng đốt than ngay ngày mai.

“Điều này không có nghĩa là “mối lương duyên” của Ấn Độ với than đá sẽ chấm dứt”, ông Dubash nói. “Chỉ cần có những dấu hiệu cho thấy nó sẽ kết thúc sớm hơn và ở mức thấp hơn dự kiến là đủ”.

Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng Ấn Độ mới đây thông báo, chỉ riêng trong tháng trước, nước này đã hủy bỏ các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than, với tổng công suất là 13,7 gigawatts. Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết, các dự án sản xuất điện than với tổng công suất 8,6 gigawatts, được dự kiến xây dựng với chi phí 9 tỉ đô la sẽ không còn khả thi về mặt tài chính vì bị các nguồn năng lương tái tạo cạnh tranh mạnh mẽ.

“Đây là một tin vui cho thế giới, bởi vì cách duy nhất để quả đất không bị nóng hơn là các nước đang phát triển như Ấn Độ phải làm nhiều hơn nữa”, ông Rahul Tongia, một chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu có tên Brookings India, nhận xét. 

Minh Đức
(TBKTSG /theo The New York Times


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo